Hà Nội, Thứ Sáu Ngày 29/03/2024

Công ty Việt Hân vừa bị Thanh tra Chính phủ 'điểm tên' hoạt động ra sao?

TDVN 19:35 08/10/2022

Công ty cổ phần TNHH Quảng cáo - Xây dựng - Địa ốc Việt Hân (Công ty Việt Hân) - doanh nghiệp vừa bị Thanh tra Chính phủ “điểm tên”

trong vụ bắt tay với Vinafood 2 “hô biến” đất công thành đất tư nhân tại quận 1, TP.HCM - có nhiều dự án bất động sản (BĐS) từng bị khai tử và thu hồi ở nhiều nơi.

Hàng loạt dự án khủng bị "khai tử"

Mới đây, Thanh tra Chính phủ đã có kết luận số 2099/BC-TTCP chỉ ra hàng loạt sai phạm "tày trời" của Tổng công ty Lương thực Miền Nam (Vinafood 2, thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) và Công ty cổ phần TNHH Quảng cáo - Xây dựng - Địa ốc Việt Hân (gọi tắt là Công ty Việt Hân) trong việc "hô biến" khu đất hơn 6.200m2 tại quận 1, TP.HCM có nguồn gốc là đất công thành đất tư để trục lợi.

Công ty Việt Hân vừa bị Thanh tra Chính phủ ‘điểm tên’ hoạt động ra sao? - Ảnh 1.

Dự án Dream City tại tỉnh Phú Thọ của Công ty Việt Hân bị khai tử năm 2018. Ảnh minh hoạ.

Theo tìm hiểu, Công ty Việt Hân được thành lập vào năm 2006 tại TP.HCM, vốn điều lệ ban đầu là 320 tỷ đồng, sau đó tăng lên gấp 5 lần, đạt 1.600 tỷ đồng - con số khá lớn so với phần đông các doanh nghiệp địa ốc trên thị trường. Trong đó, ông Đinh Trường Chinh sở hữu 49%, Công ty cổ phần Đầu tư phát triển Hà Tây sở hữu 39%, còn lại là một số cá nhân khác.

Ban đầu, Công ty Việt Hân do ông Đinh Trường Chinh (sinh năm 1974) - một doanh nhân khá kín tiếng hoạt động trong ngành bất động sản làm Chủ tịch HĐQT và em gái là Đinh Thị Châu Hương giữ vị trí Tổng giám đốc. Doanh nhân Đinh Trường Chinh kết hôn với Hoa hậu Diễm Hương vào năm 2011. Ông từng được nhắc tới nhiều vào năm 2014 xung quanh những lùm xùm liên quan đến việc ly hôn Hoa hậu Diễm Hương. Đấy cũng là thời điểm tên tuổi của ông xuất hiện trên truyền thông nhiều nhất.

Giai đoạn ông Đinh Trường Chinh còn quản lý Công ty Việt Hân, doanh nghiệp này được biết đến khá nhiều vào năm 2011 khi công ty công bố hàng loạt dự án "khủng" tại nhiều tỉnh, thành như: Dự án khu phức hợp Skypark (huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) quy mô 92ha; dự án khu dân cư số 3 tại thị trấn Long Hải (huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu) quy mô 20,9ha; dự án Goldmark City (TP.Hà Nội); dự án Khu đô thị du lịch sinh thái và thể thao tại huyện Tam Nông (tỉnh Phú Thọ) quy mô 2.069ha...

Có khối tài sản kếch xù hàng nghìn tỷ đồng nhưng có vẻ Công ty Việt Hân đang cạn vốn khi để hàng loạt dự án bị đắp chiếu vào thời điểm năm 2018. Ngoài dự án Goldmark được hoàn thiện và bắt đầu giao nhà vào tháng 3/2017, các dự án khác của Công ty Việt Hân hoàn toàn "im hơi lặng tiếng".

Trong năm 2018, dự án Khu đô thị sinh thái du lịch nghỉ dưỡng thể thao (Dream City) tại huyện Tam Nông của Công ty Việt Hân đã bị UBND tỉnh Phú Thọ ban hành quyết định "khai tử" sau gần thập kỷ "đắp chiếu".

Cũng trong năm 2018, Công ty Việt Hân còn bị thu hồi liên tiếp 3 dự án bất động sản tại Bà Rịa - Vũng Tàu do không thực hiện triển khai là dự án Khu dân cư Việt Hân 3, Khu dân cư Việt Hân 5 tại thị trấn Long Hải và dự án Khu đô thị mới Sky Park Long Điền tại thị trấn Long Điền, huyện Long Điền.

Bắt tay với Vinafood 2 "hô biến" đất công thành đất tư

Quay trở lại vụ việc "hô biến" hơn 6.000m2 đất vàng tại địa chỉ số 33 Nguyễn Du và số 34-36-42 Chu Mạnh Trinh (phường Bến Nghé, quận 1, TP.HCM), Thanh tra Chính phủ xác định, Vinafood 2 đã hợp tác lòng vòng với Công ty Việt Hân trong việc chuyển nhượng đất đai, thoái vốn Nhà nước có nguy cơ gây thất thoát tài sản công và bắt tay nhau để "phù phép" biến đất công thành đất tư.

Khu đất vàng công sản hơn 6.000m2 tại số 33 Nguyễn Du và 34, 36, 42 Chu Mạnh Trinh (phường Bến Nghé, quận 1, TP.HCM) do Vinafood 2 quản lý và sử dụng từ sau năm 1975. Khu đất được bố trí làm nhà ở tập thể của cán bộ, nhân viên của Vinafood 2.

Thực hiện phương án sắp xếp lại nhà đất theo Quyết định số 09/2007/QĐ-TTg ngày 19/1/2007 của Thủ tướng Chính phủ và theo đề nghị của Vinafood 2, Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 895 phê duyệt phương án sắp xếp lại nhà, đất trên của Vinafood 2 chuyển từ sản xuất, kinh doanh sang xây dựng khách sạn cao cấp, cao ốc văn phòng và trung tâm thương mại cho thuê.

Tuy nhiên, tới đầu năm 2015, Vinafood 2 họp Hội đồng Thành viên, ban hành nghị quyết thống nhất chủ trương liên kết với Công ty Việt Hân để thành lập Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ xây dựng Việt Hân Sài Gòn (Công ty Việt Hân Sài Gòn) thực hiện dự án với số vốn điều lệ 800 tỷ đồng.

Trong đó, Công ty Việt Hân góp 80% vốn bằng tiền mặt; Vinafood 2 góp 20% bằng toàn bộ giá trị tài sản trên đất và một phần quyền sử dụng đất của khu đất 33 Nguyễn Du và 34, 36, 42 Chu Mạnh Trinh.

Từ đề xuất của Vinafood 2, năm 2015, Bộ NN&PTNT đã có nhiều văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ xem xét cho phép Vinafood 2 hợp tác với Công ty Việt Hân để triển khai dự án. Trong đó, Vinafood 2 góp 20% vốn bằng tài sản trên đất và giá trị quyền sử dụng đất của dự án, Công ty Việt Hân góp 80% vốn bằng tiền mặt.

Xét đề nghị của Bộ NN&PTNT, cùng ý kiến của Bộ Tài chính, của UBND TP.HCM, ngày 15/9/2015, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã có Văn bản số 1647/TTg-KTN đồng ý về mặt nguyên tắc thực hiện phương án sắp xếp lại cơ sở nhà, đất theo Quyết định số 09/2007/QĐ-TTg ngày 19/1/2007 của Thủ tướng Chính phủ đối với cơ sở nhà, đất tại số 33 Nguyễn Du và số 34, 36, 42 Chu Mạnh Trinh.

Tuy nhiên, sau khi được phê duyệt, Công ty Việt Hân chuyển 80% vốn góp bằng tiền mặt (570 tỷ đồng), tháng 12/2015, Vinafood 2 đã chuyển nhượng nốt 20% phần vốn Nhà nước (trị giá 160 tỷ đồng, gồm sổ đỏ và tài sản trên đất) cho đối tác. Như vậy, hơn 6.000m2 "đất vàng" là tài sản của Nhà nước đã bị phù phép rơi vào tay tư nhân, với tổng giá trị chỉ 730 tỷ đồng.

Link gốc : DÂN VIỆT

Bạn đang đọc bài viết Công ty Việt Hân vừa bị Thanh tra Chính phủ 'điểm tên' hoạt động ra sao? tại chuyên mục Kinh tế địa phương. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Kinh tế địa phương