Vừa qua, PV Sức khỏe Cộng đồng đã nhận được phản ánh của người dân về tình hình khai thác đất trái Pháp luật từ nhiều tháng nay tại địa phận xã Mông Hóa, TP Hòa Bình. Để có thông tin khách quan, PV đã có mặt tại hiện trường để ghi nhận thực tế vào các ngày 25-26/3/2020. Cụ thể tại xóm Dụ 5, xã Mông Hóa, TP Hòa Bình, PV nhận thấy trên các đỉnh đồi, các loại máy xúc đang hối hả múc đất lên các xe có trọng tải lớn.
Theo quan sát, tại địa điểm thi công, có hai lối dẫn lên từ đường quốc lộ, cả hai lối này đều có chốt chặn barie và có người cảnh giới. Những chiếc barie này chỉ được mở lên và hạ xuống khi có xe trọng tải lớn vào “ăn” đất và chở đất đi. Trao đổi với PV, một số người dân sống quanh đây cho biết: Tình trạng khai thác đất đồi diễn ra từ cuối năm 2019 đến nay. Hoạt động này diễn ra cả ngày lẫn đêm.
Lối dẫn lên nơi hệ thống máy xúc khai thác đất, tại đây có chốt barie và người cảnh giới trông coi
Cũng theo phản ánh của người dân, công trường thi công không có biện pháp bảo vệ môi trường như che đậy bạt các xe hoặc tưới nước cho đường để giảm thiểu bụi bẩn... Điều này gây ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của khu dân cư cạnh đó. Không những thế, hàng ngày các hộ dân xung quanh phải sống chung với bụi bặm và sự nguy hiểm rình rập bởi các đoàn xe “siêu trọng tải” chạy với tốc độ nhanh.
Trả lời PV, ông Nguyễn Xuân Phục (Chủ tịch UBND xã Mông Hóa) cho biết: “Đây là dự án nhà máy xử lý nước thuộc Dự án đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước Xuân Mai. Dự án này chưa có quyết định chuyển đổi mục đích sử dụng đất, quyết định giao đất, chưa có giấy phép xây dựng. Xã đã lập biên bản xử lý hành chính mấy lần rồi. Thẩm quyền xã chỉ phạt được từ 2-5 triệu. Có phần họ san gạt tại chỗ, có phần vận chuyển đi. Nhưng họ chưa có giấy phép vận chuyển của Sở Tài Nguyên và Môi trường. Họ đang trong thời gian hoàn thiện thủ tục để họ khởi công”.
Mặc dù bị xử phạt nhưng hoạt động khai thác, vận chuyển đất vẫn "vô tư" diễn ra
Cũng theo ông Phục, việc xử lý vi phạm đối với chủ đầu tư rất khó. Ông Phục cung cấp một quyết định xử phạt hành chính đối với Lê Hồng Quang (ở Quốc Oai, Hà Nội) là người điều khiển máy xúc san gạt mặt bằng và chở đất đi nơi khác khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép với số tiền là 3.500.000 đồng. Biên bản được ký vào ngày 24/3 nhưng khi PV có mặt tại hiện trường vào 2 hôm sau thì việc khai thác đất vẫn được diễn ra bình thường như chưa có gì.
Có mặt địa điểm khai thác, một người tự xưng là Đô, tự nhận là quản lý cho biết: "Các anh chị muốn nắm rõ thông tin cụ thể thì qua công ty tại địa chỉ 452 Lạc Long Quân, Hà Nội để đặt lịch, chúng tôi không nắm được".
Để tìm hiểu kỹ hơn vấn đề này, PV đã tìm đến địa chỉ 452 Lạc Long Quân (Hà Nội) theo lời người quản lý trên thì thấy rằng đây là trụ sở của Công ty Cổ phần nước Aqua One. Nhằm tìm hiểu sự việc rõ hơn, PV đã để lại nội dung làm việc với văn phòng công ty. Ngay ngày hôm sau, văn phòng công ty CP nước Aqua One đã cung cấp cho PV số điện thoại của một người phụ nữ tên Hạnh - cán bộ phụ trách truyền thông của công ty. Liên hệ qua điện thoại, bà Hạnh cho biết: “Công ty chỉ làm việc theo đường công văn. Các anh chị chuyển công văn qua thì công ty sẽ trả lời”. PV trình bày là có giấy giới thiệu nhưng bà này không đồng ý.
Theo tìm hiểu của PV, tại nơi có những xe vào “ăn” đất chính là địa điểm thực hiện Dự án đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước sạch Xuân Mai tại TP Hòa Bình được UBND tỉnh Hòa Bình quyết định chủ trương đầu tư số 37/QĐ-UBND ngày 23/5/2018 cho Công ty Cổ phần nước Aqua One. Với diện tích khoảng 52,4ha, dự án chưa có quyết định chuyển mục đích sử dụng đất, quyết định giao đất, chưa có giấy phép xây dựng, chưa có tác động đánh giá môi trường.
Theo Sức khỏe cộng đồng