Hà Nội, Thứ Tư Ngày 09/10/2024

Huyện Ngọc Lặc (Thanh Hóa) “về đích” các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2019

Anh Minh (TH-ĐTVN)/SHTT 14:22 13/01/2020

Là một huyện miền núi còn nhiều khó khăn, tuy nhiên trong thời gian qua, nhất là trong năm 2019, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa đã nỗ lực phấn đấu

Năm 2019, với sự quan tâm của các cấp, các ngành, Đảng bộ, chính quyền huyện Ngọc Lặc không ngừng tăng cường củng cố, xây dựng chính quyền, tập trung chỉ đạo triển khai đồng bộ các giải pháp thực hiện tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh sản xuất, thu hút các nguồn lực cho đầu tư phát triển, tập trung đầu tư hạ tầng, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, đảm bảo an sinh xã hội, giữ vững tình hình an ninh, trật tự trên địa bàn.

Dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Huyện ủy, HĐND, UBND huyện, trong năm 2019, tình hình kinh tế - xã hội huyện Ngọc Lặc có bước phát triển cao, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực.

Tổng giá trị sản xuất đạt 7.634,6 tỉ đồng, tăng 14,1% so với cùng kỳ. Trong đó, dịch vụ ước đạt gần 3.680,6 tỉ đồng, tăng 17,8%; công nghiệp - xây dựng đạt 2.087 tỉ đồng, tăng 16,7% so với cùng kỳ; nông – lâm – ngư nghiệp ước đạt 1.867 tỉ đồng, tăng 4,9%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực: tỷ trọng ngành nông, lâm, thủy sản chiếm 25,3%, giảm 2,9%; ngành công nghiệp, xây dựng chiếm 27,1%, tăng 0,1%; ngành dịch vụ, thương mại chiếm 47,6%, tăng 2,8% so với năm 2018. Thu nhập bình quân đầu người ước đạt 36,0 triệu đồng/năm, tăng 3,8 triệu đồng so với năm 2018.

Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới (NTM) tiếp tục được quan tâm thực hiện theo kế hoạch; thành lập mới 06 HTX dịch vụ nông nghiệp, 09 trang trại được cấp giấy chứng nhận; hỗ trợ phát triển sản xuất từ nguồn Chương trình MTQG xây dựng NTM cho 21 hộ và 01 HTX; cứng hóa được 63,4 km đường giao thông, xây mới 3,2 km mương thoát nước, nâng cấp 18 công trình hồ, đập và 1,5 km kênh mương; xây dựng mới 08 trạm biến áp, 1,5 km đường điện hạ thế, lắp đặt 55,8km đường điện chiếu sáng công cộng; xây mới và nâng cấp 08 khuôn viên nhà văn hóa thông, 04 nhà văn hóa, khu thể thao của xã; xây dựng 09 cổng chào, cổng làng; xây mới 02 chợ (Ngọc Sơn, Quang Trung), 01 trạm y tế xã...Tổng nguồn kinh phí ước thực hiện 360,074 tỷ đồng. Bình quân toàn huyện ước đạt 15,4 tiêu chí/xã (tăng 1,4 tiêu chí so với năm 2018), không có xã nào đạt dưới 7 tiêu chí. Tính đến nay, toàn huyện có 91 thôn, 08 xã đạt chuẩn NTM.

Tổng huy động vốn đầu tư ước đạt 1.693,9 tỷ đồng, bằng 97,0% kế hoạch, tăng 5,7% so với năm 2018 (trong đó, vốn ngân sách nhà nước 170,8 tỷ đồng, chiếm 10,1% tổng vốn đầu tư; vốn doanh nghiệp 198,8 tỷ đồng, chiếm 11,7% tổng vốn đầu tư; vốn dân cư và các thành phần khác 1.324,3 tỷ đồng, chiếm 78,2%). Năm 2019, trên địa bàn huyện có 08 dự án được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư với tổng số vốn cam kết 852,7 tỷ đồng, diện tích đất dự kiến thu hồi để thực hiện dự án 139,3 ha.

Tình hình thị trường, hoạt động kinh doanh, tiêu thụ hàng hóa trên địa bàn cơ bản ổn định, không có biến động lớn; đáp ứng được nhu cầu sản xuất và tiêu dùng của nhân dân. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 586 tỷ đồng, vượt 1,03% kế hoạch, tăng 15,7% (79,7 tỷ đồng) so với năm 2018. Giá trị hàng hóa xuất khẩu ước đạt 45,3 triệu USD, vượt 1,8% kế hoạch, tăng 9,9% (4,1 triệu USD) so với năm 2018.

Nhờ có sự chỉ đạo và phối hợp tốt với các sở, ban, ngành của tỉnh, UBND huyện triển khai kịp thời và có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Trung ương, của tỉnh trong việc khuyến khích, thu hút đầu tư cũng như hỗ trợ các doanh nghiệp, như: đơn giản các thủ tục kê khai và nộp thuế, hỗ trợ đào tạo và tuyển dụng lao động, minh bạch các thủ tục hành chính...Tình trạng vi phạm pháp luật trong kinh doanh giảm, đồng thời, các doanh nghiệp đã chủ động khai thác và tìm kiếm thị trường trong và ngoài tỉnh, tham gia liên kết, liên doanh mở rộng quy mô phát triển sản xuất, áp dụng các công nghệ mới nâng cao hiệu quả sản xuất.

Nông nghiệp tiếp tục phát triển ổn định nhờ chính quyền huyện đã thường xuyên chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn phối hợp cùng các xã, phường hướng dẫn bà con nông dân thực hiện gieo trồng, chăn nuôi và thủy sản đúng kỹ thuật và hướng dẫn các biện pháp phòng chống dịch bệnh cho cây trồng, vật nuôi. Tổng diện tích gieo trồng năm 2019 đạt 20.140,7 ha, tổng sản lượng lương thực 57.120 tấn, giá trị sản xuất trên 1 ha đất trồng trọt ước đạt 64,5 triệu/ha... Chăn nuôi tuy gặp khó khăn do bệnh Dịch tả lợn Châu phi song vẫn ổn định; tổng đàn trâu, bò, lợn có xu hướng giảm, tổng đàn gia cầm tăng. Sản lượng thịt hơi ước đạt 13.524 tấn, tăng 10,0% (1.231,8 tấn) so với năm 2018.

Trong năm 2019, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Đảng bộ, chính quyền huyện Ngọc Lặc, tình hình kinh tế địa phương phát triển ổn định và tăng trưởng khá so cùng kỳ, tạo điều kiện thuận lợi để thu ngân sách đạt kế hoạch đề ra là gần 85,6 tỷ đồng (tăng 24% so với dự toán tỉnh giao), đảm bảo nguồn kinh phí thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, an sinh xã hội, quốc phòng - an ninh và các hoạt động điều hành quản lý nhà nước.

Công tác quản lý nhà nước về tài nguyên, môi trường tiếp tục được tăng cường. Huyện đã tổ chức công khai điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất năm 2019 theo quy định; đã cấp 20.005 giấy CNQSD đất sau đổi điền, dồn thửa; công tác giải phóng mặt bằng các dự án được quan tâm thực hiện và đảm bảo đúng trình tự, thủ tục quy định của Luật Đất đai. Tổ chức kiểm tra và phối hợp kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật trong hoạt động khai thác đá trên địa bàn các xã: Cao Thịnh, Lộc Thịnh, Quang Trung; xử phạt vi phạm hành chính 02 doanh nghiệp tự ý chuyển mục đích sử dụng đất và việc khai thác khoáng sản khi chưa được cấp thẩm quyền cho phép....Phối hợp kiểm tra hoạt động khai thác khoáng sản, công tác chấp hành Luật Bảo vệ môi trường tại các cơ sở khai thác đá trên địa bàn huyện; tổ chức các hoạt động hưởng ứng “Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn” năm 2019...

Ngoài ra, các hoạt động quốc phòng, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Hệ thống chính trị được củng cố, tăng cường, ngày càng vững mạnh và hoạt động có hiệu quả. Công tác cải cách hành chính được quan tâm thực hiện; đã bố trí cán bộ các phòng chuyên môn tổ chức thực hiện toàn bộ quy trình, tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt và trả kết quả TTHC tại bộ phận một cửa (mô hình “4 tại chỗ”); thực hiện chính sách tinh giản biên chế theo Nghị định 108 của Chính phủ đợt 2 năm 2019 cho 22 người.

Đặc biệt, trong năm 2019, đã hoàn thành việc mở rộng địa giới hành chính thị trấn Ngọc Lặc. Thành lập Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Ngọc Lặc trên cơ sở hợp nhất Trạm bảo vệ thực vật, Trạm thú y và Trạm khuyến nông. Thành lập Trung tâm Văn hóa, thông tin, thể thao và du lịch trên cơ sở sáp nhập Trung tâm Văn hóa - Thông tin - TDTT và Đài truyền thanh và truyền hình huyện.

Các hoạt động văn hóa, thể thao đã tập trung tuyên truyền về các nhiệm vụ chính trị, các sự kiện quan trọng của đất nước, của tỉnh, của huyện. Các phong trào như “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa gắn với xây dựng nông thôn mới”, phong trào thể dục thể thao quần chúng ngày càng phát triển và đi vào chiều sâu... Đặc biệt, công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa được quan tâm; Nghệ thuật trình diễn Xường giao duyên dân tộc Mường, huyện Ngọc Lặc được Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; tổ chức các lớp truyền dạy Trò diễn Pồn Pôông theo kế hoạch.

Giáo dục và đào tạo phát triển ổn định, quy mô trường lớp cơ bản đáp ứng yêu cầu của con em nhân dân trên địa bàn. Chất lượng giáo dục các cấp học tiếp tục được duy trì và đạt kết quả tốt. Công tác chăm sóc sức khoẻ ban đầu, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho nhân dân được chú trọng, không để bệnh dịch lớn nguy hiểm xảy ta trên địa bàn huyện. Công tác truyền thông giáo dục sức khoẻ, phổ biến pháp luật về hành nghề y tế tư nhân đối với các cơ sở hành nghề y, dược được đẩy mạnh.

Có thể nói, năm 2019 là năm mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Ngọc Lặc hết sức nỗ lực, vượt qua khó khăn, thử thách để hoàn thành tốt các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đề ra. Năm 2020, là năm cuối cùng thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Ngọc Lặc khóa XXIII, và là năm có vai trò quan trọng trong việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020, tạo tiền đề, nền tảng vững chắc cho xây dựng và thực hiện kế hoạch 5 năm 2021 - 2025. Do đó, để tận dụng và phát huy thế mạnh của địa phương trong phát triển kinh tế - xã hội, thời gian tới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Ngọc Lặc sẽ phấn đấu tiếp tục phát triển toàn diện, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc tạo môi trường thông thoáng, thuận lợi cho sản xuất kinh doanh phát triển; tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, huy động tối đa vốn cho đầu tư phát triển. Nâng cao chất lượng các hoạt động văn hoá - xã hội, cải thiện đời sống nhân dân; tăng cường công tác quản lý nhà nước về tài nguyên, khoáng sản và bảo vệ môi trường. Xây dựng bộ máy tinh gọn, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả; bảo đảm quốc phòng - an ninh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, hướng đến mục tiêu xây dựng huyện Ngọc Lặc trở thành địa phương phát triển xanh, bền vững, kết hợp hiệu quả giữa bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống và phát triển kinh tế.

Bạn đang đọc bài viết Huyện Ngọc Lặc (Thanh Hóa) “về đích” các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2019 tại chuyên mục Kinh tế địa phương. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Kinh tế địa phương