Hà Nội, Thứ Bảy Ngày 23/11/2024

Người dân huyện Chương Mỹ - Hà Nội: nước sạch sinh hoạt là hàng hóa xa xỉ

TDVN 15:31 17/04/2022

Mặc dù chương trình cung cấp nước sạch nông thôn tại các vùng ngoại Hà Nội đã có từ lâu nhưng đến nay tỷ lệ người dân huyện Chương Mỹ được sử dụng nước sạch sinh hoạt vẫn còn khá khiêm tốn.

Thiếu nước sạch làm giảm chất lượng cuộc sống của người dân

Một trong những chỉ tiêu của bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới đó là cấp nước sạch sinh hoạt, tuy nhiên, nhiều xã thuộc huyện Chương Mỹ đã đạt danh hiệu “Nông thôn mới”, song hiện tại người dân vẫn đang phải sử dụng nguồn nước giếng khoan, nước mưa không bảo bảo vệ sinh và còn có xu hướng ngày càng bị ô nhiễm trầm trọng, ảnh hưởng xấu tới sức khỏe.

Sông Đáy ngày nay, ô nhiễm và đen kịt. (Nguồn ảnh: Sưu tầm)

Trao đổi về vấn đề này, Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội Nguyễn Văn Chí cho biết: Khi “chấm điểm” nông thôn mới, nhiều địa phương vẫn đạt chỉ tiêu về nước sạch nhưng phải tính cả hệ thống lọc nước đơn lẻ trong các hộ gia đình. Do đó, việc đẩy nhanh tiến độ cấp nước sạch tập trung sẽ vừa bảo đảm chất lượng xây dựng nông thôn mới, vừa góp phần nâng cao đời sống người dân.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ ông Hoàng Minh Hiến, toàn huyện mới có 6.318 hộ (7,61% dân số) được sử dụng nước sạch từ các trạm cấp nước trên địa bàn; còn 26/32 xã, thị trấn chưa được cung cấp nước sạch sinh hoạt.

Tính đến tháng 4 năm 2022, Chương Mỹ vẫn là huyện có tỷ lệ dân số được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn của Bộ Y tế thấp nhất khu vực ngoại thành Hà Nội, QCVN 01:2009/BYT (Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước ăn uống), theo kết quả công bố của Trung tâm nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn Hà Nội, 2016).

Nước là nguồn cội của sự sống, ở đâu có nước thì ở đó có sự sống...”.

Vậy mà, không ít những ngôi làng tại huyện Chương Mỹ phải chứng kiến số người mắc ung thư ngày một tăng lên, nguyên nhân là do nguồn nước bị ô nhiễm vì xả thải không qua xử lý ở các khu công nghiệp. Điển hình như làng Lũng Vị, chỉ trong một năm, cả thôn Lũng Vị với hơn 400 hộ gia đình với 1.800 nhân khẩu có 12 người chết, 8 người trong số đó “ra đi” vì căn bệnh ung thư. Nếu dựa vào thống kê số người chết vì ung thư chiếm 0,35% trên tổng số dân của làng trong những năm qua, con số này cao gấp 4 lần so với tỉ lệ trung bình của Việt Nam.

Một số người dân làng Lũng Vị vẫn phải sử dụng nước giếng khoan không đảm bảo vệ sinh. (Nguồn ảnh: Sưu tầm)

Ông Nguyễn Trọng Hưng (thôn Phượng Đồng, xã Phụng Châu, huyện Chương Mỹ) cho biết: "Gia đình ở ngay sát khu vực đô thị nhưng chúng tôi vẫn phải sử dụng nước giếng khoan để sinh hoạt. Tháng nào hầu như tôi cũng bị tiêu chảy, cả nhà phải tẩy giun sán thường xuyên... So với ngày xưa thì nguồn nước mưa ngày càng bị ô nhiễm, nguồn nước ngầm ngày càng cạn kiệt dần. Chúng tôi rất lo ngại việc thiếu nước sạch sinh hoạt trong tương lai.".

Mỗi hộ gia đình phải đầu tư thêm một khoản tiền để trang bị hệ thống lọc nước hoặc sử dụng nước đóng bình, đóng chai làm nước ăn, nước uống là một thực tế đã diễn ra suốt nhiều năm qua.

Theo một khảo sát mới đây đối với 140 hộ dân ngẫu nhiên, có tới 117 hộ sẵn lòng chi trả cho sử dụng nước sạch sinh hoạt với mức phí bình quân là 5,7 nghìn đồng/m3. Kết quả này bằng khoảng 95% so với mức giá nước sạch mà người dân nội thành Hà Nội đang phải chi trả cho 10m3 đầu tiên là 5,973 nghìn đồng 1m3. Do vậy, nhu cầu người dân là rất rõ ràng, cần thiết, duy chỉ có việc xây dựng và lắp đặt hệ thống cấp nước sạch sinh hoạt còn gặp nhiều khó khăn.

Nguyên nhân chưa có nước sạch và tình hình cung cấp hệ thống nước sạch tại huyện Chương Mỹ trong thời kỳ hậu Covid-19

Theo UBND huyện Chương Mỹ, trên địa bàn có 13 công trình cấp nước thì chỉ 4 công trình đang hoạt động nhưng có quy mô nhỏ, lẻ, hoạt động hiệu quả thấp và không có lợi nhuận nên không hấp dẫn doanh nghiệp tiếp nhận đầu tư. Mặc dù vấn đề nước sạch nông thôn đã được thành phố Hà Nội quan tâm, song do nguồn ngân sách hạn hẹp vì vậy chưa bố trí để triển khai các dự án cấp nước sạch cho người dân theo kế hoạch đề ra.

Công tác khôi phục các trạm cấp nước xây dựng dở dang đã giao cho các doanh nghiệp còn chậm. Nguyên nhân là do các doanh nghiệp này khó tiếp cận được nguồn vốn. Mặt khác, các công trình đã đầu tư trên địa bàn huyện Chương Mỹ còn thiếu đồng bộ hoặc xây dựng quá lâu nhưng không đưa vào sử dụng nên xuống cấp và hư hỏng, đặc biệt là hệ thống đường ống. Hơn nữa, đối với các trạm đã xây dựng xong, chưa có mô hình, bộ máy quản lý vận hành, khai thác hiệu quả, đặc biệt là do ảnh hưởng của dịch Covid-19 kéo dài đã gây không ít khó khăn, trở ngại trong công tác quản lý và đẩy nhanh tiến độ dự án. Điển hình là dự án do Công ty Môi trường đô thị Xuân Mai làm chủ đầu tư (CĐT), được TP phê duyệt tháng 10/2013 nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành, mặc dù đã có phương án đổi chủ đầu tư.

Nhà máy nước mặt Xuân Mai - Hòa Bình. (Nguồn ảnh: Sưu tầm)

Nằm trong quy hoạch cấp nước Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, huyện Chương Mỹ được quy hoạch sẽ sử dụng nguồn nước mặt sông Đà. Thành phố Hà Nội và tỉnh Hòa Bình đã phê duyệt dự án đầu tư với công suất giai đoạn 1 là 300.000m3/1 ngày đêm để cung cấp nguồn nước sạch cho các huyện phía Nam thành phố Hà Nội do Công ty cổ phần nước Aqua One triển khai thực hiện bao gồm: Phần nhà máy và tuyến truyền dẫn thuộc địa giới hành chính của tỉnh Hòa Bình đã được UBND Hòa Bình phê duyệt tại Quyết định số 37/QĐ-UBND; Phần mạng lưới truyền dẫn và trạm bơm tăng áp thuộc địa giới hành chính của thành phố Hà Nội đã được UBND thành phố Hà Nội phê duyệt tại Quyết định số 2775/QĐ-UBND. Từ năm 2020 đến nay, dự án đang được triển khai, dự kiến khi dự án hoàn thành sẽ đảm bảo việc bổ sung thêm nguồn nước sạch cung cấp cho toàn bộ nhân dân khu vực phía Nam Hà Nội, trong đó có huyện Chương Mỹ.

Giải pháp nào để nhanh chóng nâng tỷ lệ người dân sử dụng nước sạch sinh hoạt

  • Hoàn thiện cơ chế, chính sách về giá nước sinh hoạt
  • Nâng cao thu nhập của người dân
  • Nâng cao chất lượng nước và dịch vụ cấp nước
  • Tăng cường nhận thức của cộng đồng dân cư về việc sử dụng nước sạch sinh hoạt
  • Tăng cường hợp tác giữa người dân và công ty cấp nước

Bước sang năm 2022, thời kỳ phát triển kinh tế - xã hội sau đại dịch Covid-19, mong mỏi của người dân huyện Chương Mỹ rằng các chủ đầu tư và các cấp chính quyền mau chóng triển khai dự án cấp nước sạch sinh hoạt, không thể trì hoãn thêm nữa để bà con yên tâm ổn định cuộc sống và tăng gia sản xuất.

Thu Phương

Bạn đang đọc bài viết Người dân huyện Chương Mỹ - Hà Nội: nước sạch sinh hoạt là hàng hóa xa xỉ tại chuyên mục Kinh tế địa phương. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Kinh tế địa phương