Tiền lẻ, tiền mới không sẵn để đổi tại các ngân hàng, ngay lập tức thị trường "chợ đen online" và cả trực tiếp tại các điểm đổi tiền lưu động đã diễn ra sôi động. Muốn bao nhiêu cũng có, muốn mệnh giá nào cũng được nếu người đổi tiền sẵn sàng trả phí. Thậm chí có nhiều mệnh giá tiền phí đổi lên tới 20%. Dịch vụ đổi tiền mới, tiền lẻ cận Tết cứ đến hẹn lại lên và đang nhộn nhịp hơn bao giờ hết.
Đánh cụm từ "đổi tiền mới, tiền lẻ", kết quả hàng chục hội nhóm đổi tiền trên các nền tảng xã hội hiện ra. Thậm chí có những hội nhóm lên tới hơn 40.000 thành viên, cho thấy nhu cầu đổi tiền là rất lớn. Mức phí trung bình là từ 3-6% cho các mệnh giá tiền lớn và từ 5-10% cho các mệnh giá nhỏ hơn. Tiền càng nhỏ, chi phí đổi sẽ càng cao.
Chị Nguyễn Thị Thảo - Quận Hoàng Mai, Hà Nội cho biết: “Dịp Tết, gia đình chúng tôi cũng có nhu cầu tiền mới, tiền lẻ. Trên hội nhóm, tôi thấy dịch vụ đổi tiền nhiều, họ rất sẵn tiền”.
Và thậm chí, có những mệnh giá tiền có phí đổi lên đến 20% giá trị thật. Và như mọi năm, đây là lý do những người đổi tiền lý giải cho việc phí đổi ở mức cao.
Theo quy định của pháp luật, chỉ Ngân hàng Nhà nước, các tổ chức tín dụng mới được phép giao dịch, đổi tiền và giá trị đổi là tương ứng.
Bởi rủi ro về tiền giả rất có thể sẽ xảy ra với người có nhu cầu đổi tiền và lúc này, người đổi tiền sẽ là người vi phạm pháp luật.
Luật sư Nguyễn Huy Long - Đoàn luật sư Thành phố Hà Nội nêu ý kiến: "Khi họ nhận đổi tiền, họ nhận hoa hồng, gọi là tiền chênh thì dẫn đến vi phạm quy định của pháp luật. Mỗi cá nhân có thể bị xử phạt từ 20-40 triệu đồng. Có tiền giả trong đó thì khung hình phạt rất nặng, từ 3-10 năm tù, đặc biệt số lượng nhiều hơn đến tận chung thân."
Ông Vũ Mạnh Hưng - Giám đốc Phát triển dịch vụ ngân hàng số, VPBank nhận định: "Ngân hàng Nhà nước đang thúc đẩy hạn chế chi tiêu tiền mặt. Việc đổi tiền lẻ tôi thấy cũng khá phiền phức. Ngoài ra, việc lì xì online giúp khách hàng tiếp cận công nghệ mới, tiếp cận xu hướng sử dụng số thì dần dần chúng ta sẽ cảm thấy tiện lợi và an toàn hơn rất nhiều”.
Cơ quan chức năng cho biết, đã có rất nhiều người dân khi đổi tiền thật nhận tiền giả, thậm chí là mất luôn số tiền đổi do bị lừa đảo. Vì thế, cơ quan chức năng đã liên tục khuyến cáo người dân thận trọng không giao dịch đổi tiền trái phép, để tránh mất tiền oan và vi phạm pháp luật.
Ngân hàng Nhà nước cho biết, việc in tiền lẻ hiện rất hạn chế và giúp ngân sách tiết kiệm được 3.500 tỷ đồng. Bên cạnh tiền mới, tiền lẻ, Ngân hàng Nhà nước cũng khuyến cáo người dân thận trọng, cân nhắc kỹ trước khi mua các loại tiền độc, lạ dù loại tiền này chỉ được dùng với mục đích sưu tầm, để tránh vi phạm pháp luật vì thiếu hiểu biết.
Theo VTV