Hà Nội, Thứ Sáu Ngày 26/04/2024

Sai phạm tại Vinafood 2: Ngân hàng Sài gòn (SCB) có vai trò gì?

DOANH NHÂN 13:33 24/02/2021

Thanh tra Chính phủ kết luận, bên cạnh 4 lần làm trái chỉ đạo của Thủ tướng, Vinafood 2 còn 2 lần lập hồ sơ khống để vay tiền ngân hàng.

Thanh tra Chính phủ có kết luận số 2099/BC-TTCP ngày 2/12/2020 gửi Thủ tướng để báo cáo kết quả kiểm tra thông tin báo chí phản ánh về sai phạm tại dự án bất động sản số 33 Nguyễn Du và số 34-36-42 Chu Mạnh Trinh (phường Bến Nghé, quận 1, TP.HCM) và việc khiếu nại của các hộ dân liên quan đến dự án.

Trong kết luận, Thanh tra Chính phủ chỉ ra nhiều sai phạm của Tổng Công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2) và Công ty TNHH quảng cáo - xây dựng - địa ốc Việt Hân (Công ty Việt Hân) trong thương vụ thâu tóm đất công tại dự án nói trên.

4 lần làm trái chỉ đạo Thủ tướng

Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, năm 2010, sau khi được TP.HCM giao dự án bất động sản tại số 33 Nguyễn Du và số 34-36-42 Chu Mạnh Trinh với diện tích hơn 6.200m2 theo dạng nộp tiền sử dụng đất một lần, Vinafood 2 lập tức liên kết, góp vốn với Công ty Việt Hân thành lập Công ty Việt Hân Sài Gòn để thực hiện dự án xây dựng khách sạn, văn phòng, trung tâm thương mại.

Trong thời gian hợp tác, Vinafood 2 đã 4 lần cố ý làm trái chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, nhiều lần lập hồ sơ khống để vay tiền ngân hàng.

Cụ thể, ở lần thứ nhất, cơ quan thanh tra phát hiện Vinafood 2 và Công ty Việt Hân Sài Gòn sử dụng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số BB971073 của 4 lô đất trên để vay 518 tỉ đồng nhằm trả nợ cho các công ty con.

Lần thứ hai, Công ty Việt Hân Sài Gòn sử dụng giấy chứng nhận trên, kèm chứng thư xác định giá trị tài sản đảm bảo hơn 7.251 tỉ đồng, phối hợp với Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn (Ngân hàng SCB) và các công ty công chứng để thực hiện ký cùng thời điểm 7 hợp đồng thế chấp có cùng nội dung, cùng giá trị đảm bảo là 6.308 tỉ đồng. Ngân hàng SCB là nơi tiếp nhận giải ngân nhiều hồ sơ được lập khống của công ty Vinafood 2. Việc này được thực hiện bằng cách lập hồ sơ dự án “khống” với 4 cơ sở nhà đất, lấy tên là The Goldmark Preminum Tower.

Thanh tra Chính phủ khẳng định, dự án trên không tồn tại, không có thủ tục xin lập dự án, không có phê duyệt dự án của các cơ quan có thẩm quyền. Sau đó, các công ty này ký hợp đồng tín dụng vay ngắn hạn với một trong các chi nhánh ngân hàng của Ngân hàng SCB, có mục đích vốn vay là “bổ sung vốn để thực hiện thi công dự án giai đoạn 1 tại địa chỉ của 4 cơ sở nhà đất này và được giải ngân ngay”.

Xử lý sai phạm

Cơ quan thanh tra đã có kiến nghị Thủ tướng để xử lý vụ việc nhằm bảo đảm quản lý chặt chẽ, không gây thất thoát tài sản Nhà nước.

Cụ thể, Tổng Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng giao UBND TP.HCM trực tiếp chỉ đạo, đôn đốc và giám sát, các đơn vị có liên quan thực hiện xử lý và khắc phục hậu quả để thu hồi tài sản của Nhà nước bị thất thoát và các nội dung nêu tại Văn bản số 1107/UBND-KT ngày 30/10/2020 của UBND TP.HCM.

Thanh tra Chính phủ chỉ ra nhiều sai phạm của Vinafood 2 và Công ty Việt Hân

Giao Sở Tư pháp TP.HCM chỉ đạo và giám sát Phòng Công chứng số 7 thực hiện thủ tục khởi kiện ra TAND có thẩm quyền đề nghị tuyên bố Văn bản Công chứng số 28355 “Hợp đồng góp vốn và chuyển nhượng quyền sử dụng đất" giữa Vinafood 2 và Công ty Việt Hân Sài Gòn đã được Phòng Công chứng số 7 chứng nhận ngày 30/12/2015 là vô hiệu.

Sau khi có bản án, quyết định của TAND phát sinh hiệu lực, UBND TP.HCM chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường, Văn phòng Đăng ký đất đai TP hủy kết quả xác nhận nội dung đăng ký biến động ngày 25/3/2016, thu hồi Giấy CNQSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất số BB971073 ngày 11/9/2010 và thu hồi đất tại 4 cơ sở nhà đất nói trên để quản lý, khai thác sử dụng theo đúng quy định của pháp luật về quản lý đất…

Bạn đang đọc bài viết Sai phạm tại Vinafood 2: Ngân hàng Sài gòn (SCB) có vai trò gì? tại chuyên mục Tài chính ngân hàng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Tài chính ngân hàng