Chuyện ở KienLongBank và NCB
Cuối năm 2020, cả trăm triệu cổ phiếu, tương đương 40% vốn hóa của Ngân hàng TMCP Kiên Long (KienLongBank, UPCoM: KLB) được giao dịch. Số liệu từ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) thời điểm đó cho thấy, trị giá giao dịch khoảng gần 1.800 tỷ đồng. Đây là dấu hiệu cho thấy sẽ có thay đổi lớn về cổ đông tại ngân hàng thuộc nhóm nhỏ nhất hệ thống.
Tháng 1/2021, đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) bất thường KLB nhanh chóng bổ sung ông Lê Hồng Phương và bà Trần Thị Thu Hằng làm thành viên HĐQT; trong đó, bà Trần Thị Thu Hằng được bầu làm phó chủ tịch HĐQT. Bà Hằng chính là tổng giám đốc của Công ty Cổ phần Tập đoàn Sunshine, phó chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Sunshine Homes. Tới tháng 5/2021, bà Hằng được bổ nhiệm làm chủ tịch HĐQT. Tại thời điểm tháng 1/2021, số cổ phần KLB mà bà Hằng đang nắm giữ là hơn 15,3 triệu cổ phiếu, chiếm 4,75% vốn điều lệ.
Ngay sau khi người Sunshine giữ ghế cao nhất ở KLB, Sunshine Group đã giới thiệu cái tên “KSBank” trên các kênh truyền thông của tập đoàn. Trước đó không lâu, lãnh đạo Sunshine cũng trở thành chủ tịch HĐQT của Công ty Chứng khoán Việt Nam Gateway và đổi tên thành Công ty Chứng khoán KS (KS Securities). Thậm chí, KLB sau đó còn xin Ngân hàng Nhà nước đổi tên thành KSbank nhưng không đươc chấp nhận.
Nhóm cổ đông mới xuất hiện rõ ràng hơn khi tháng 9/2021, KLB bổ nhiệm ông Đỗ Anh Tuấn giữ chức vụ phó tổng giám đốc. Ông Đỗ Anh Tuấn là chủ tịch HĐQT của Công ty Cổ phần Tập đoàn Sunshine. Ông cũng giữ chức chủ tịch tại nhiều doanh nghiệp khác trong hệ sinh thái Sunshine, như: KSFinance, Sunshine Homes. Thời điểm bổ nhiệm, ông Tuấn nắm giữ hơn 12,4 triệu cổ phiếu KLB, tương đương với 3,83% vốn cổ phần. Ngay sau khi được bổ nhiệm, ông Tuấn đã đăng ký mua vào 3,5 triệu cổ phiếu KLB để gia tăng tỷ lệ sở hữu.
Gần đây, tháng 4/2022, KLB đã miễn nhiệm phó tổng giám đốc với ông Võ Quốc Lợi. Trước đó, bố ông Lợi, doanh nhân Võ Quốc Thắng, cũng đã rời ghế chủ tịch ngân hàng này. Diễn biến này cho thấy, việc thay đổi nhóm cổ đông lớn ở KLB đã bước đầu thực hiện xong.
Cũng một kịch bản tương tự, tháng 7/2021, trong một thời gian ngắn, gần 62 triệu cổ phiếu của Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB, HNX: NVB) được giao dịch thỏa thuận với giá 20.000 đồng/cổ phiếu chỉ trong hai phiên ngày 7 - 8/7, với tổng giá trị hơn 1.200 tỷ đồng, tương đương khoảng 15% số cổ phiếu NVB đang lưu hành. Trước đó, hôm 2/7, NVB cũng ghi nhận gần 21 triệu cổ phiếu được giao dịch khớp lệnh.
Vài tuần sau, ĐHĐCD bất thường NCB đã bầu bà Bùi Thị Thanh Hương làm chủ tịch HĐQT. Bà Bùi Thị Thanh Hương từng là CEO tại Tập đoàn Sun Group (2018). Ông Nguyễn Tiến Dũng (Dũng Gami) - Chủ tịch NCB trong nhiều năm qua, xuống làm phó chủ tịch.
Tới 14/10/2021, Tập đoàn Sun Group và NCB đã ký kết thỏa thuận hợp tác toàn diện như là đánh dấu cho sự xuất hiện chính thức của nhóm cổ đông mới ở NCB. Sau đó, tháng 3/2022, Công ty TNHH Đầu tư Tập đoàn Mặt trời đã tham gia mua cổ phiếu NCB với lượng nhỏ khoảng 737.444 cổ phiếu.
Ngay sau khi thay đổi nhóm cổ đông lớn, cả 2 ngân hàng đều thực hiện tăng vốn lớn. Đó có thể là bước đầu tiên cho giai đoạn phát triển mới của những ngân hàng quy mô nhỏ nhất hệ thống.
Chờ những cuộc đổi chủ mới
Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Eximbank (HoSE: EIB) sau khi ĐHĐCD thành công, kết thúc nhiều năm bất ổn và bắt đầu lấy lại đà tăng trưởng. Công cuộc dàn xếp các nhóm cổ đông quyền lực của ngân hàng cũng sắp đi vào hồi kết.
Đầu tháng 10/2022, nhóm cổ đông liên quan Tập đoàn Thành Công đã đăng ký bán hơn 117,6 triệu cổ phiếu EIB, tương đương với gần 9,57% tổng số cổ phần đang lưu hành, từ ngày 7/10 - 30/10. Theo giá thị trường ngày 4/10, EIB giao dịch ở mức 32.500 đồng/cổ phiếu, dự tính nhóm Thành Công có thể thu về hơn 3.800 tỷ đồng. Trước đó, một cổ đông khác là Công ty Cổ phần u Lạc cũng đã bán gần hết lượng cổ phiếu EIB mà đơn vị này nắm giữ (0,35%).
Trong một diễn biến khác, một cổ đông ngoại lớn là Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC) đã nhiều năm gắn bó Eximbank nhưng gần đây không còn người đại diện làm thành viên HĐQT Eximbank. Tháng 3/2022, dù khẳng định vẫn nắm giữ 15% cổ phần, SMBC đã ra văn bản dừng liên minh chiến lược với Eximbank, báo hiệu việc có thể chia tay bất cứ lúc nào.
Với lượng cổ phiếu “khủng” đã và sắp được đổi chủ, cơ cấu của của Eximbank đã bắt đầu thay đổi và dường như điều đó là yếu tố quyết định chấm dứt “nội chiến” để ngân hàng này tìm lại mình.
Mới đây, HDBank (HoSE: HDB) cũng đã lên kế hoạch huy động 9.000 tỷ đồng để tham gia tái cơ cấu một ngân hàng yếu kém. Khác với đề xuất của Vietcombank (HoSE: VCB) và MB (HoSE: MBB) là bước đầu nhận chuyển giao và không góp vốn vào ngân hàng yếu kém, HDBank sẽ thực hiện góp vốn điều lệ không quá 9.000 tỷ đồng vào ngân hàng yếu kém tại thời điểm chuyển giao bắt buộc, sau đó sẽ tiếp tục lộ trình góp vốn nếu được phê duyệt.
Với Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (PGBank, UPCoM: PGB), đơn vị này cũng đã được chấp thuận chuyển nhượng toàn bộ cổ phần của cổ đông lớn Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex, HoSE: PLX) thông qua hình thức đấu giá công khai.
Vào tháng 4/2022, PG Bank đã điều chỉnh tạm thời giới hạn tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài trên UPCoM từ 30% về 2% vốn điều lệ PG Bank nhằm đảm bảo đợt chào bán ra công chúng của cổ đông lớn là Petrolimex không vi phạm quy định về tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài.
Tính đến ngày 31/12/2021, tổng số cổ phần của PG Bank là 300 triệu, trong đó Petrolimex nắm giữ 120 triệu cổ phần, tương ứng 40%. PGBank thuộc nhóm ngân hàng có quy mô nhỏ nhất với vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng và tổng tài sản gần 38.000 tỷ đồng tại tháng 3/2022.
Đổi chủ và tái cơ cấu PG Bank là một yêu cầu đề ra từ nhiều năm nay nhưng chưa thể thực hiện sau rất nhiều đề xuất với các đối tác Vietinbank, HDBank… Và với yêu cầu đẩy nhanh việc rút vốn của doanh nghiệp nhà nước khỏi lĩnh vực ngân hàng, dự kiến việc thay đổ cổ đông lớn ở PG Bank sẽ sớm diễn ra.
Theo các chuyên gia, việc thay đổi nhóm cổ đông lớn ở nhóm ngân hàng nhỏ là quá trình tái cơ cấu cần thiết. Việc này nếu được giám sát để chọn được cổ đông có tiềm lực vốn, năng lực quản trị sẽ thúc đẩy tái cơ cấu các N ngân hàng nhỏ, yếu đã ngưng lại mấy năm nay.