Ngay sau động thái của Ngân hàng Nhà nước về việc đảm bảo ổn định cho mọi hoạt động, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) đã có quyết định bất ngờ khi tăng lãi suất lên 8,9% - mức cao nhất của hệ thống ngân hàng.
Mức tăng này có hiệu lực từ 8/10. Cụ thể khi gửi trực tuyến, mức lãi suất cao nhất là 8,9% áp dụng cho kỳ hạn 36 tháng. Lãi suất dưới 6 tháng ở mức trần 5%, lãi suất 6 và 9 tháng lĩnh lãi cuối kỳ lần lượt là 7,95% và 8,25%. Còn với kỳ hạn 12 tháng, lãi suất 8,55% - là mức cao nhất trong hệ thống ngân hàng.
Trong một tháng nay, toàn bộ hệ thống ngân hàng đồng loạt tăng lãi suất, nhưng phần lớn vẫn đang trả lãi dưới 8% cho khoản tiền gửi từ 12 tháng trở xuống.
Trước đó từ 5/10, tiền gửi tại quầy của SCB cũng tăng lên mức cao nhất 8,1% cho kỳ hạn 18 tháng. Mức lãi suất khi gửi 12-15 tháng dao động từ 7,4% đến 8%.
Về điều này, ông Hoàng Minh Hoàn, Phó tổng giám đốc phụ trách điều hành SCB cho biết, ngân hàng đã tăng lượng tồn quỹ, tiền gửi tại Ngân hàng Nhà nước, đảm bảo thanh khoản trong mọi tình huống.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cũng chia sẻ: "Trong mấy ngày gần đây có lan truyền một số thông tin tiêu cực, ảnh hưởng đến hoạt động của SCB. Trước tình hình đó, NHNN đã áp dụng những biện pháp cần thiết để Ngân hàng SCB hoạt động bình thường, đảm bảo thanh khoản. Ở Việt Nam từ trước đến nay, những khoản gửi tiền của người dân tại các ngân hàng, trong đó có ngân hàng SCB đều được Nhà nước đảm bảo trong mọi trường hợp. Tôi cho rằng, những người gửi tiền ở SCB cần hết sức bình tĩnh, không nên rút tiền, nhất là trước hạn để đảm bảo quyền lợi của mình.
Với vai trò là cơ quan Trung ương cũng như vai trò của một cơ quan quản lý hoạt động tiền tệ- ngân hàng, khi xây dựng và hoạch định chính sách tiền tệ cũng như các chính sách quản lý ngân hàng, NHNN luôn đặt mục tiêu kiên định với việc điều hành để góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, tiền tệ và đảm bảo hoạt động ngân hàng, trong đó có ngân hàng SCB".