Trong Hội nghị triển khai nhiệm vụ kinh doanh năm 2022 được tổ chức mới đây, ban lãnh đạo Ngân hàng Thương mại TNHH MTV Đại Dương (OceanBank) đã tiết lộ kết quả kinh doanh sơ bộ năm 2021.
Cụ thể, OceanBank ghi nhận mức lỗ thấp nhất trong thời gian từ 2016 đến nay và trong 4 năm trở lại đây đã liên tục giảm lỗ lũy kế. Tổng tài sản tăng 2% trong đó tín dụng tăng 9,5%, trong đó dư nợ bán lẻ tăng 13%; dư nợ KHDN tăng 9%. Huy động vốn thị trường 1 tăng 3,5%, trong đó huy động bán lẻ tăng 5%; huy động KH doanh nghiệp tăng 2%.
Ngân hàng đã cơ cấu lại nợ, giữ nguyên nhóm nợ khoảng 400 khách hàng; tổng dư nợ được cơ cấu lại khoảng 1,8 nghìn tỷ đồng; miễn giảm lãi cho nhiêu khách hàng. Công tác thu hồi xử lý nợ xấu/nợ có vấn đề đạt 95% kế hoạch. Chi phí hoạt động thấp hơn kế hoạch 179 tỷ đồng.
Trong năm 2022, OceanBank sẽ phối hợp với đối tác để thực hiện đề án tái cơ cấu do Chính phủ và NHNN chỉ đạo, tiếp tục kiểm soát chặt chẽ dư nợ, nợ quá hạn phát sinh, xử lý nợ xấu, kiểm soát chi phí,...
Ngân hàng sẽ phối hợp với đối tác là Ngân hàng TMPC Quân đội (MB) để triển khai chương trình cho vay hợp vốn, kể cả cho vay bán lẻ; Nghiên cứu phát triển 1 số sản phẩm làm lợi thế cạnh tranh; vừa để thu hút khách hàng vừa để tăng thương hiệu trên thị trường tín dụng.
Ngoài ra, OceanBank sẽ tiếp tục thực hiện luân chuyển cán bộ từ Trụ sở chính về chi nhánh và ngược lại; phát huy những thế mạnh của đội ngũ CBNV để phân công nhiệm vụ phù hợp, hiệu quả.
Ông Lưu Trung Thái, Phó Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc MB cho biết việc hợp tác với OceanBank vừa là nhiệm vụ chính trị, vừa là cơ hội của MB.
Theo lộ trình của NHNN mà Chính phủ đã cho phép, MB sẽ phối hợp cùng OceanBank kiểm tra, hệ thống dữ liệu và xây dựng phương án trình Chính phủ. Theo sự chỉ đạo của NHNN, MB sẽ thảo luận cùng lãnh đạo OceanBank thiết kế chương trình phù hợp cho OceanBank, trong đó cốt lõi là cách thức làm việc trong tương lai.
Theo Quy định của Luật Tổ chức tín dụng, nếu MB trở thành ngân hàng hỗ trợ OceanBank, thương vụ này có thể nằm trong “Phương án chuyển giao bắt buộc” theo điều 148 và điều 151.
Ngân hàng hỗ trợ khi đó sẽ được nhận nhiều quyền lợi như cho vay, gửi tiền với lãi suất ưu đãi tại ngân hàng bị kiểm soát đặc biệt, được vay tái cấp vốn với lãi suất ưu đãi đến 0% …Đặc biệt khi nhận chuyển giao bắt buộc một ngân hàng 0 đồng, ngân hàng hỗ trợ không phải thực hiện hợp nhất báo cáo tài chính.
Ngoài các quyền lợi theo quy định của luật, ngân hàng hỗ trợ có thể được Ngân hàng Nhà nước cấp hạn mức tín dụng cao hơn. Lợi ích từ việc tăng thêm room tín dụng có thể tạo thêm động lực thúc đẩy các ngân hàng thương mại tham gia hỗ trợ các ngân hàng 0 đồng. Thực tế điều này đã xảy ra với một số ngân hàng tham gia hỗ trợ các quỹ tín dụng trong quá khứ.
Trong 2 tháng đầu năm 2022, MB duy trì đà tăng trưởng tốt với tín dụng tăng 6% và lợi nhuận ngân hàng mẹ đạt 3.500 tỷ đồng. Ngân hàng hiện có một số kịch bản cho 2022, dựa trên các mục tiêu tăng trưởng tín dụng từ 15% đến 35% phụ thuộc vào hạn mức tín dụng do Ngân hàng Nhà nước cấp.