Hà Nội, Thứ Sáu Ngày 22/11/2024

Vướng nhiều sai phạm, KCN Phong Phú đang được Sacombank miệt mài rao bán với giá 14.577 tỷ đồng

Sở hữu Trí tuệ 08:43 23/03/2022

Mức giá khởi điểm mà Sacombank đưa ra thấp hơn 10% so với tổng giá trị 18 khoản nợ liên quan đến KCN Phong Phú tính đến ngày 31/12/2021 (chiếm quá nửa là lãi tồn đọng, lên tới 11.061 tỷ đồng).

Mức giá khởi điểm mà Sacombank đưa ra thấp hơn 10% so với tổng giá trị 18 khoản nợ liên quan đến KCN Phong Phú tính đến ngày 31/12/2021 (chiếm quá nửa là lãi tồn đọng, lên tới 11.061 tỷ đồng).

Công ty Đấu giá Hợp danh Toàn Cầu Group vừa thông báo tổ chức bán đấu giá không tách rời toàn bộ 18 khoản nợ được bảo đảm bằng tài sản tại dự án Khu công nghiệp Phong Phú (toạ lạc tại xã Phong Phú, huyện Bình Chánh, Tp. HCM), với mức giá khởi điểm 14.577 tỉ đồng.

Đây là khoản nợ phát sinh tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín - Sacombank (STB) và được bán cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC). Sau đó, VAMC đã uỷ quyền cho Sacombank bán các khoản nợ này theo quy định.

Tính đến ngày 31/12/2021, tổng giá trị các khoản nợ bán đấu giá là 16.196 tỷ đồng, bao gồm: dư nợ gốc 5.134 tỷ đồng, lãi tồn đọng 11.061 tỷ đồng.

Được biết, dự án KCN Phong Phú do CTCP Khu công nghiệp Phong Phú (PPIP) làm chủ đầu tư. Doanh nghiệp này được thành lập từ tháng 6/2001, cơ cấu cổ đông bao gồm: CTCP Đầu tư Xây dựng Bình Chánh (viết tắt: BCCI; sở hữu 70% vốn điều lệ); CTCP Phát triển Nam Sài Gòn (viết tắt: Sadeo; sở hữu 25% VĐL) và Công ty TNHH MTV Phát triển Công nghiệp Tân Thuận (viết tắt: IPC; sở hữu 5% VĐL).

Tới năm 2011, BCCI đã chuyển nhượng toàn bộ số cổ phần tại PPIP cho CTCP Đầu tư Khu đô thị mới Sài Gòn (Saigon NIC).

Khu công nghiệp Phong Phú là dự án treo hơn 20 năm qua, được các cơ quan chức năng vào cuộc thanh tra toàn diện do phát hiện nhiều dấu hiệu sai phạm về các quy định pháp luật trong thực hiện dự án khu công nghiệp.

Hồi tháng 10/2018, Sacombank từng rao bán đấu giá quyền tài sản phát sinh từ việc đền bù tại KCN Phong Phú với giá khởi điểm 6.651 tỷ đồng.

Trong thông báo phát đi, Sacombank miêu tả dự án KCN Phong Phú có quy mô 134ha, bao gồm 67ha đất khu công nghiệp và 67ha đất dành cho dịch vụ công nghiệp (nhà ở chuyên gia, siêu thị, bệnh viện). Tại thời điểm này, phần diện tích 120,2ha của dự án đã được đền bù, phần còn lại chưa hoàn thành thanh toán đền bù và chưa hoàn thành tái định cư cho 201 hộ dân.

Tuy nhiên, tại thời điểm đó, UBND huyện Bình Chánh cho rằng việc tổ chức bán đấu giá sẽ gây bức xúc cho các hộ dân chưa được bồi thường, có thể dẫn đến khiếu nại, khiếu kiện đông người, trở thành điểm nóng tại địa phương và đề nghị dừng việc đấu giá khi giải phóng mặt bằng chưa thực hiện xong.

Sacombank rao bán khoản nợ 16.200 tỉ đồng liên quan đến KCN Phong Phú.

Ở một diễn biến khác, vào tháng 9/2021, Sacombank đã rao bán khoản nợ của Công ty TNHH Thương mại Xây dựng Phương Nghi (Phương Nghi) với giá khởi điểm 905,4 tỷ đồng.

Đáng chú ý, khoản nợ của Phương Nghi được bảo đảm bằng 40,86 triệu cổ phiếu BVB của Ngân hàng TMCP Bản Việt (VietCapital Bank) thuộc quyền sở hữu của Saigon NIC.

Chưa rõ kết quả của phiên đấu giá, song nên biết, giai đoạn từ 29/12/2021 – 9/3/2022, Saigon NIC đã bán ra tổng cộng 22,66 triệu cổ phiếu BVB, qua đó giảm tỉ lệ sở hữu tại VietCapital Bank xuống mức 4,96% vốn điều lệ, không còn là cổ đông lớn tại ngân hàng này.

Từ khi Nghị quyết 42 về xử lý nợ xấu chính thức được Quốc hội thông qua ngày 15/8/2017, nhiều ngân hàng cũng như các tổ chức tín dụng đã đẩy mạnh việc thu hồi tài sản đảm bảo và thanh lý. Từ cuối 2017 đến nay, Sacombank cũng đã nhiều lần rao bán các khối tài sản đảm bảo giá trị hàng chục nghìn tỷ đồng để xử lý nợ xấu.

Từ cuối năm ngoái đến nay, nhiều tài sản đảm bảo của những khoản nợ lớn đã và đang được Sacombank rao bán là cổ phiếu các công ty đang niêm yết trên thị trường chứng khoán hoặc dự án bất động sản tại TP.HCM.

Trong đó có khoản nợ 596 tỷ đồng của Công ty CP Đầu tư Địa ốc Vạn Phát, được thế chấp bằng 40 triệu cổ phiếu Công ty CP Bất động sản Đô Thành (DTR) với giá khởi điểm 258 tỷ đồng; khoản nợ 1.143 tỷ của Công ty TNHH Bất động sản Phước Trí, với tài sản đảm bảo là dự án 7.016m2 tại số 201-203 Lý Thường Kiệt (quận Tân Bình, TP.HCM).

Sacombank cũng đã rao bán khoản nợ 2.402 tỷ đồng của loạt Công ty Bất động sản Quang Vinh; Công ty Nam Đô Long và 3 cá nhân liên quan, với tài sản bảo đảm là 25,2 triệu cổ phần Công ty CP Dịch vụ Du lịch Quốc tế tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (Vũng Tàu Intourco).

Khoản nợ 1.217 tỷ của Công ty CP Tư vấn Đầu tư Bất động sản Minh Dương với tài sản đảm bảo là dự án chung cư 3.103m2 tại 212B/C79 Nguyễn Trãi (quận 1, TP.HCM); khoản nợ 474 tỷ của Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Kim Kim Hoàn Mỹ được thế chấp bằng lô đất 21-23 Nguyễn Biểu (quận 5, TP.HCM)…

Số liệu công bố từ ngân hàng cho biết sau gần 5 năm dưới thời ông Dương Công Minh, Sacombank đã xử lý/thu hồi gần 71.500 tỷ đồng nợ xấu và tài sản tồn đọng. Trong đó có 58.171 tỷ đồng thuộc đề án. Tỷ lệ tài sản tồn đọng giảm xuống dưới mức 10,5% trên tổng dư nợ cho vay. Nợ xấu nội bảng năm 2017 là hơn 9.400 tỷ giảm gần một nửa xuống còn khoảng 5.000 tỷ đồng vào năm 2021, đưa tỷ lệ nợ xấu nội bảng giảm từ mức 1,7% hồi đầu năm xuống 1,47% cuối năm.

Đáng nói, nợ dưới tiêu chuẩn tại Sacombank (nợ nhóm 3) tính đến 31/12/2021 bất ngờ tăng vọt 103% lên hơn 564 tỷ đồng. Thậm chí, nợ cần chú ý (nợ nhóm 2 - với khoản vay quá hạn 10-90 ngày) tăng từ 787 tỷ đồng hồi đầu năm lên hơn 1.606 tỷ đồng, tương đương tăng 115%, nhóm nợ này tăng có thể xuất phát từ việc các khách hàng gặp khó khăn do dịch Covid-19 đã bắt đầu tăng lên nhanh.

Bạn đang đọc bài viết Vướng nhiều sai phạm, KCN Phong Phú đang được Sacombank miệt mài rao bán với giá 14.577 tỷ đồng tại chuyên mục Tài chính ngân hàng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Tài chính ngân hàng