Đầu tiên là Sacombank. Tại lễ kỷ niệm thành lập ngân hàng hồi cuối tháng 12/2019, Sacombank cho biết lợi nhuận trước thuế năm 2019 khoảng 3.180 tỷ đồng, vượt 20% so với kế hoạch đã cam kết với đại hội đồng cổ đông. Tổng tài sản đạt khoảng 457.000 tỷ đồng, huy động đạt 413.000 tỷ đồng, cho vay đạt hơn 296.000 tỷ đồng và tỷ lệ nợ xấu hiện đã giảm xuống dưới 2%. Ngoài ra Sacombank cũng đã sẵn sàng áp dụng Basel II từ đầu năm 2020, đang chờ NHNN chấp thuận.
Ngân hàng nào lãi nhiều nhất trong năm 2019? |
Tiếp theo là TPBank. Ngân hàng này mới đây phát đi thông tin cho biết lợi nhuận trước thuế năm vừa qua đạt trên 3.868 tỷ đồng, tăng 1.610 tỷ đồng tương đương 71,3% so với năm trước và vượt hơn 21% so với kế hoạch đề ra. Đây là con số lợi nhuận cao nhất từ trước tới nay ở nhà băng này.
Các chỉ số khác cũng tăng trưởng tích cực như tổng huy động vốn đạt trên 147 nghìn tỷ đồng, tăng 24% so với năm 2018; Tín dụng đạt gần 102 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng trên 20% trong đó tập trung chủ yếu vào bán lẻ; Tỷ lệ nợ xấu ở mức gần 1%. Trong năm 2019, TPBank đã trích đầy đủ dự phòng rủi ro theo quy định, ngoài ra còn đã trích bổ sung dự phòng đủ để tất toán toàn bộ nợ xấu đã bán cho VAMC với tổng số tiền trên 700 tỷ đồng.
Ngoài việc tuân thủ sớm theo đúng các quy đinh của Thông tư 41 và áp dụng ICAAP theo chuẩn Basel II, năm 2019 TPBank cũng đã đáp ứng những quy định mới của NHNN theo Thông tư 52 và Thông tư số 13 của NHNN về quy định vốn nội bộ (1 trong 3 trụ cột của Basel II).
OCB cũng là ngân hàng thông tin sớm về kết quả hoạt động. Cụ thể theo đại diện ngân hàng này, lợi nhuận trước thuế năm 2019 đạt hơn 3.200 tỷ đồng, tăng gần gấp rưỡi so với năm 2018. Và đây cũng là một kỷ lục của nhà băng này từ khi thành lập tới nay.
Năm 2019 còn là năm thứ 3 liên tiếp OCB có mức tăng trưởng lợi nhuận trước thuế vượt kế hoạch. Tốc độ tăng trưởng kép (CARG) từ năm 2016 đến 2019 đạt trên 88%. Tỷ suất sinh lời tiếp tục cải thiện mạnh với hiệu suất sinh lời trên tổng tài sản bình quân (ROAA) và hiệu suất sinh lời của vốn chủ sở hữu bình quân (ROAE) lần lượt trên 2,4% và 28%.
Ngoài kết quả kinh doanh tích cực, trong năm 2019 OCB cũng là một trong những ngân hàng đầu tiên đáp ứng Thông tư 41 về an toàn vốn (Basel II) và đã tất toán toàn bộ trái phiếu tại VAMC – những cơ sở vững chắc để ngân hàng tiến vào năm 2020 với các thuận lợi riêng mà cơ quan quản lý dành cho những ngân hàng tuân thủ quy định trước hạn.
Tiếp sau OCB là VietinBank. Tại hội nghị tổng kết hoạt động của ngân hàng này diễn ra chiều ngày 7/1 ngân hàng bất ngờ công bố lợi nhuận đạt 11.500 tỷ đồng, vượt so với kế hoạch đề ra và tăng 83% so với năm 2018.
Với các ngân hàng khác lợi nhuận cao là điều đã đoán định được trước nhưng với VietinBank thì quả thực bất ngờ vì nhà băng này đang trong tình trạng bị "kẹt vốn", không tăng nổi vốn và không cho vay được như các ngân hàng khác, cũng là ngân hàng duy nhất trong nhóm các ngân hàng được NHNN chọn thí điểm từ năm 2014 chưa đáp ứng nổi Basel II. Do chưa công bố báo cáo tài chính nên chưa rõ cơ cấu lợi nhuận của VietinBank đến từ đâu, song có lẽ một trong các nguyên nhân là ngân hàng tiết giảm chi phí hoạt động và gia tăng thu từ dịch vụ.
Một số ngân hàng khác chưa công bố rõ số liệu năm 2019 nhưng ước tính cũng sẽ đạt lợi nhuận cao. Chẳng hạn VPBank cho biết trong năm 2019 vượt 10% so với kế hoạch (9.500 tỷ đồng) tức lợi nhuận cũng ít nhất sẽ khoảng 10.400 tỷ đồng, Vietcombank cũng vượt xa kế hoạch như vậy sẽ không dưới 20.000 tỷ đồng, VIB đạt khoảng hơn 4.000 tỷ đồng, Agribank 11 tháng đã đạt gần 12.000 tỷ đồng lợi nhuận, hay ở Nam A Bank, theo lời lãnh đạo ngân hàng này, lợi nhuận năm vừa qua cũng đạt hơn 900 tỷ đồng, vượt kế hoạch đề ra.
Như vậy, dù chưa chính thức bằng các báo cáo tài chính song những con số được công bố vừa qua cũng đủ để hứa hẹn một bức tranh lợi nhuận ngân hàng 2019 vô cùng rực rỡ.