Theo Báo cáo tài chính hợp nhất quý I và quý II/2018 được VietinBank công bố trên website www.vietinbank.vn, tổng nợ xấu của ngân hàng này tăng mạnh từ 9.011 tỉ đồng thời điểm cuối năm 2017 lên 10.295,5 tỉ đồng vào cuối quý I/2018 và tiếp tục leo thang lên đỉnh mới 11.227,7 tỉ đồng vào thời điểm ngày 30.6.2018.
Chưa dừng lại ở đây, nợ xấu của VietinBank ghi nhận trong Báo cáo tài chính hợp nhất quý III và quý IV/2018 tiếp tục tăng lên 12.127,1 tỉ đồng và chạm mốc 13.517,5 tỉ đồng vào thời điểm cuối năm 2018. Như vậy, chỉ trong vòng vỏn vẹn một năm, tổng số nợ xấu của Vietinbank tăng thêm tới hơn 4.506,5 tỉ đồng và tương đương mức tăng tới trên 50% so với thời điểm đầu năm.
Nợ xấu ngân hàng Vietinbank tăng cao |
Chưa hết, bước sang năm 2019, tổng số dư nợ xấu của VietinBank mới thực sự phồng to và tăng lên mức kỷ lục 15.962,2 tỉ đồng trong Báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2019 mà ngân hàng này công bố. Dù có mức giảm nhẹ trong các tháng sau, con số nợ xấu mà VietinBank công bố gần đây nhất tại Báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2019 lại tiếp tục tăng thêm hơn 1.056,3 tỉ đồng so với thời điểm giữa năm 2019.
Điều đáng lo ngại là nhóm nợ “xấu nhất” của VietinBank được Ngân hàng Nhà nước phân loại là nợ nhóm 5 - nợ có khả năng mất vốn luôn chiếm con số lớn nhất và lấn át hai nhóm nợ còn lại có rủi ro thấp hơn là nợ dưới tiêu chuẩn và nợ nghi ngờ. Thực tế tại thời điểm ngày 31.3.2019, nợ có khả năng mất vốn ghi nhận trong Báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2019 của VietinBank tăng lên tới hơn 10.488 tỉ đồng và chiếm tới 65,7% tổng số nợ xấu tại ngân hàng (15.962,2 tỉ đồng).
Cũng như mức tăng nợ xấu chung, nợ có khả năng mất vốn tại ngân hàng liên tiếp tăng mạnh từ con số 5.217 tỉ đồng trong Báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2017 và đạt đỉnh 10.488 tỉ đồng ghi nhận trong Báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2019. Như vậy, nợ có khả năng mất vốn tại VietinBank chỉ sau hơn 1 năm tăng tới trên 5.271 tỉ đồng và gây nhiều lo ngại bởi đây là nhóm nợ có rủi ro cao nhất với các ngân hàng khi cho vay. Theo quy định tại Thông tư 02/2013 của Ngân hàng Nhà nước về phân loại tài sản có và mức trích lập dự phòng rủi ro, với nhóm nợ có khả năng mất vốn này, các ngân hàng phải trích lập dự phòng rủi ro với tỉ lệ trích lập dự phòng cao nhất là 100%.
Mới đây nhất, Báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2019 mà VietinBank công bố ghi nhận dư nợ có khả năng mất vốn tại ngân hàng này cũng tiếp tục tăng thêm 1.483,3 tỉ đồng so với con số được cập nhật trong Báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2019, lên mức 8.831 tỉ đồng. Theo đó, so với con số tổng nợ xấu tại Báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2019 là 14.065,7 tỉ đồng, dư nợ có khả năng mất vốn tại VietinBank tại thời điểm ngày chốt báo cáo là 30.9.2019 vẫn chiếm đến 62,7%.
Nếu nhìn vào cơ cấu cổ đông hiện nay của VietinBank, tỉ lệ nợ có khả năng mất vốn chiếm phần lớn trong tổng nợ xấu đi kèm với mức trích lập dự phòng lên tới 100% gây nhiều lo lắng về những tác động tới hiệu quả phần vốn nhà nước sở hữu tại ngân hàng này. Báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2019 vừa được Vietinbank công bố cho thấy, tính đến ngày 30.9.2019, nhà nước hay Ngân hàng Nhà nước vẫn là cổ đông lớn nhất tại VietinBank khi nắm giữ tỉ lệ sở hữu cổ phần lên tới 64,46%.
Liên quan đến công tác xử lý nợ xấu tại VietinBank, theo báo cáo của Ban điều hành VietinBank tại đại hội cổ đông thường niên 2019 do Tổng Giám đốc Trần Minh Bình ký, phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020 mà Ngân hàng Nhà nước phê duyệt cho VietinBank có những nội dung trọng tâm mà ngân hàng phải hướng tới là nâng cao năng lực tài chính, khắc phục triệt để các vấn đề còn hạn chế, hướng tới chuẩn mực an toàn mới và nâng cao chất lượng tài sản có.
Phát biểu tại Hội nghị Triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2020, ông Lê Đức Thọ, Chủ tịch Hội đồng Quản trị VietinBank, lại một lần nữa khẩn thiết đề xuất về vấn đề tăng vốn, đây là một trong những bài toán khó của VietinBank tại thời điểm hiện tại.
VietinBank là ngân hàng duy nhất trong nhóm nhà băng quốc doanh chưa tìm được lời giải cho bài toán tăng vốn
Trong nhóm ngân hàng có vốn Nhà nước hiện tại, VietinBank là ngân hàng duy nhất vẫn đang tìm lời giải cho bài toán tăng vốn.
Khác so với các ngân hàng trên, dư địa tăng vốn của VietinBank có phần "khiêm tốn" hơn. Tỷ lệ sở hữu Nhà nước tại ngân hàng đã xuống dưới 65%, trong khi tỷ lệ sở hữu của cổ đông nước ngoài và cổ đông chiến lược đã gần mức tối đa cho phép.
Việc tăng vốn qua phát hành riêng lẻ cho đối tác nước ngoài với VietinBank là điều không thể thực hiện, theo những quy định hiện nay.
Với room ngoại đã đầy, phương án tăng vốn khả dĩ nhất hiện tại của VietinBank là tăng vốn nhờ nguồn lợi nhuận để lại.
Ông Lê Đức Thọ - Chủ tịch Hội đồng quản trị VietinBank cũng đề xuất: "Về tăng vốn điều lệ nâng cao năng lực hiện đã được Thủ tướng chính phủ và Chính phủ chấp nhận về mặt chủ trương.
VietinBank mong muốn được cải thiện nhanh chóng. Tuy nhiên, nguồn tăng vốn từ lợi nhuận để lại hàng năm của các ngân hàng thương mại nhà nước nói chung và riêng với VietinBank thì mới chỉ đạt 1/3 mức độ tăng trưởng cần thiết để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng của nền kinh tế.
Sau khi được Chính phủ phê duyệt phương án tăng vốn điều lệ, chúng tôi sẽ tiếp tục đề xuất với Ngân hàng Nhà nước, bộ ngành, Chính phủ để có những phương án tăng vốn mới. Đề nghị Chính phủ phê chuẩn để VietinBank có đủ năng lực tài chính phục vụ cho kinh tế đất nước”.
Tương tự, Chủ tịch Vietcombank Nghiêm Xuân Thành cũng tái đề nghị được chia cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn.
Về vấn đề này, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho hay, Thủ tướng đã yêu cầu Bộ Tài chính sửa đổi Nghị định 91/2015/NĐ-CP. Sau khi sửa Nghị định, Chính phủ sẽ sớm giải quyết vấn đề tăng vốn cho ba ngân hàng Vietcombank, BIDV và VietinBank. Riêng việc tăng vốn cho Agribank sẽ được trình Quốc hội năm 2020.