Trong vài ngày trở lại đây, một thông tin đáng chú ý được lan truyền trên mạng và các phương tiện thông tin đại chúng là việc 52 tỷ đồng của một khách hàng gửi tại ngân hàng không cánh mà bay. Thông tin này đáng chú vì kênh đầu tư phổ biến và cơ bản của người dân Việt Nam lâu nay vẫn là gửi ngân hàng. Dù lãi suất giảm sâu trong năm 2020 nhưng tăng trưởng huy động tiền gửi của ngành ngân hàng vẫn không giảm nếu so với tăng trưởng tín dụng - một đặc thù trong văn hoá đầu tư Việt Nam.
Song song với thông tin trên là việc Viện KSND TP. Hà Nội đã công bố cáo trạng truy tố Nguyễn Thị Hà Thành (SN 1984, ở quận Hoàng Mai, Hà Nội) và Nguyễn Thanh Tùng (SN 1977, Giám đốc Cty TNHH cơ điện, xây dựng Jeongho Landmark Việt Nam) cùng 23 bị can khác về các tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản"; "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" và "Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự".
Cụ thể, Nguyễn Thị Hà Thành đã thực hiện giả mạo chữ ký hồ sơ của người gửi tiền cùng với các hành vi "giúp sức" của một số cán bộ ngân hàng để thực hiện 26 vụ lừa đảo, chiếm đoạt hơn 430 tỷ đồng của các Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB), Ngân hàng TMCP Việt Á (VAB) và Ngân hàng Đại Chúng (PVcomBank).
Theo cáo trạng, tại ngân hàng NCB, giữa năm 2018, Hà Thành vay của ông Đặng Nghĩa Toàn (ở Hoàn Kiếm, Hà Nội) 50 tỷ đồng bằng hình thức yêu cầu ông Toàn gửi tiền tiết kiệm rồi đưa sổ cho mình giữ. Sau đó, Thành cùng với ông Nguyễn Thanh Tùng lập khống hồ sơ vay vốn thế chấp bằng sổ tiết kiệm của ông Toàn. Lợi dụng sự thiếu trách nhiệm của nhân viên ngân hàng, bà Thành và ông Tùng đã ký giả chữ ký của vợ chồng ông Toàn để cầm cố sổ tiết kiệm vay 47,5 tỷ đồng của NCB.
Bằng thủ đoạn tương tự, cũng trong năm 2018, bà Thành tiếp tục vay tiền ông Toàn 52 tỷ đồng bằng hình thức như sau: Ông Toàn gửi 52 tỷ đồng vào PVcomBank (chia làm 3 sổ, 1 sổ giá trị 12 tỷ mang tên ông và 2 sổ giá trị 40 tỷ mang tên vợ) sau đó đưa sổ tiết kiệm cho bà Thành giữ và nhận lãi tiền mặt 4,2%/tháng, tương đương khoảng 50,4%/năm. Thành và đồng phạm đã làm giả hồ sơ thông qua pháp nhân các doanh nghiệp là Công ty Jeongho và Công ty Hoàng Nguyên để vay PVcomBank hơn 49 tỷ đồng với tài sản thế chấp là 3 sổ tiết kiệm đứng tên vợ chồng ông Toàn, bà Trang.
Tại Ngân hàng TMCP Việt Á, Thành nhờ sự giúp sức của một số cán bộ ngân hàng đã giả mạo chữ ký của hàng loạt khách hàng gửi tiền chiếm đoạt hơn 270 tỷ đồng của VietABank và lừa 4 cá nhân khác khoảng 60 tỷ đồng.
Giai đoạn 2016-2018 là thời điểm sóng gió của nhiều ngân hàng, khi hàng loạt các vụ án liên quan tới nhân viên ngân hàng lừa đảo, chiếm đoạt tài sản ngân hàng, liên đới tới khách hàng với số tiền thiệt hại nhỏ thì vài tỷ, lớn thì hàng chục, hàng trăm tỷ đồng. Khách hàng từ khách VIP trở thành "con nợ" quanh năm vác đơn đi kiện khắp nơi hòng đòi lại tiền đã gửi ngân hàng.
Với kinh nghiệm quan sát và tham gia vào các vụ án giai đoạn này, luật sư Trương Thanh Đức nhận định, nói ngược nói xuôi ngân hàng phải chịu trách nhiệm với việc tiền của khách hàng gửi vào ngân hàng.
Ông Đức nhấn mạnh, khách hàng có thể đúng có thể sai nhưng xét trong những tình huống này thì khách hàng đúng hay sai cũng không quan trọng. Vì khách hàng có lỗi cũng không mất được tiền mà chỉ có ngân hàng làm việc thiếu nguyên tắc mới dẫn tới mất tiền. Nói một cách dễ hiểu là "khách hàng có quyền làm sai còn ngân hàng có nghĩa vụ làm đúng".
"Quan trọng nhất của ngân hàng là an toàn, chính xác. Điều này được nhắc đi nhắc lại trong Luật Tổ chức tín dụng, các quy trình, quy chế, quy định của NHNN và từng ngân hàng", ông Đức nói.
Theo đó, chính vì tin vào ngân hàng nên người dân mới gửi tiền, dù lãi suất USD 0% thì người dân vẫn mang tiền gửi ngân hàng. "Về cơ bản ngân hàng tồn tại dựa trên lòng tin, người dân tin mới gửi tiền, tin thì mới cho vay. Vì vậy, tiền đã vào ngân hàng là phải tuyệt đối an toàn và nếu khách hàng không "đích thân" tới ngân hàng rút tiền thì có trăm năm tiền vẫn phải ở nguyên đó", ông Đức khẳng định.
Phân tích về lý luận cho rằng: Nhân viên ngân hàng lừa đảo thì nhân viên ngân hàng phải chịu trách nhiệm trước khách hàng và khách hàng cũng phải "chạy theo" nhân viên ngân hàng mà đòi tiền, ông Đức cho rằng đó là cách lý luận "lừa đảo". "Cần phải có cách hiểu đúng rằng, pháp nhân là không có mặt mũi, đầu óc, lương tri nên phải dựa vào nhân viên, giao dịch viên hay Tổng Giám đốc để hành động. Hành động, việc làm của nhân viên ngân hàng là hành động của pháp nhân ngân hàng. Ngân hàng có quyền kiện nhân viên để đòi tiền khi bị nhân viên chiếm đoạt tiền trong ngân hàng, là quan hệ nội bộ, còn không thể phủi trách nhiệm giữ tiền, trả tiền với khách hàng", ông Đức nói.
Qua việc xét xử các vụ án tương tự, ông Đức cho biết có 2 án lệ khác nhau. Một là sẽ quy trách nhiệm cho cá nhân nhân viên, khách hàng không có lỗi liên quan tới an toàn, không ký khống nhưng vẫn mất tiền như trong vụ án Huyền Như, nhân viên ngân hàng Vietinbank lừa đảo, chiếm đoạt hơn 4.000 tỷ đồng; và án lệ là khách hàng được ngân hàng trả lại toàn bộ cả gốc và lãi dù khách hàng bị nhân viên ngân hàng lừa ký khống giấy tờ như vụ án của Eximbank và Oceanbank gần đây.
Riêng với vụ án này, luật sư Trương Thanh Đức cho rằng, cần thống nhất quan điểm rằng, đối tượng mà Hà Thành lừa đảo là ngân hàng chứ không phải khách hàng và tiền mất là tiền của ngân hàng không phải mất tiền của khách hàng. Vì thế, ngân hàng đã nhận tiền gửi của khách hàng thì phải hoàn trả. Còn khách hàng sai hay đúng như thế nào lại là vấn đề khác.
"Việc đảm bảo khách hàng gửi tiền vào ngân hàng là phải an toàn tuyệt đối, không cần kiểm tra là nghĩa vụ của ngân hàng. Làm được như vậy mới giữ được niềm tin của khách hàng với hệ thống ngân hàng", ông Đức nhấn mạnh.