Tỷ giá hối đoái là gì?
Hối đoái (exchange) là công cụ để thanh toán tiền mua hàng hóa và dịch vụ trên một thị trường.
Tỷ giá hối đoái (còn được gọi là tỷ giá trao đổi ngoại tệ hoặc tỷ giá) là tỷ lệ trao đổi giữa hai đồng tiền của hai nước, là giá cả một đơn vị tiền tệ của một nước được tính bằng tiền của nước khác hay nói khác đi, là số lượng đơn vị tiền tệ cần thiết để mua một đơn vị ngoại tệ.
Thị trường hối đoái là nơi thực hiện việc mua và bán, trao đổi ngoại hối. |
Riêng ở Mỹ và Anh thì thuật ngữ này được sử dụng theo nghĩa ngược lại: Số lượng đơn vị ngoại tệ (nước ngoài) cần thiết để mua một đồng Đô la hoặc một đồng bảng Anh.
Luật Ngân hàng Nhà Nước Việt Nam (1997) định nghĩa tỷ giá hối đoái là tỷ lệ giữa giá trị của đồng Việt Nam với giá trị của đồng tiền nước ngoài, có sự điều tiết của Nhà Nước trên thị trường và do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xác định và công bố. Ví dụ: Tỷ giá USD/VND = 22.000 hay 1USD = 22.000 VND.
Tìm hiểu về thị trường hối đoái
Thị trường hối đoái là nơi thực hiện việc mua và bán, trao đổi ngoại hối, trong đó chủ yếu là trao đổi, mua bán ngoại tệ và các phương tiện thanh toán quốc tế, mà giá cả ngoại tệ được hình thành trên cơ sở cung cầu.
Hoặc có thể nói thị trường hối đoái là nơi chuyên môn hóa về trao đổi mua bán ngoại tệ, thông qua sự cọ sát giữa cung và cầu ngoại tệ để thỏa mãn nhu cầu của các chủ thể kinh tế đồng thời xác định các điều kiện giao dịch tức là giá cả và số lượng ngoại tệ mua bán.
Quá trình hình thành và phát triển của thị trường hối đoái trên thế giới đã hình thành hai tổ chức khác nhau: hệ thống hối đoái Anh – Mỹ và hệ thống hối đoái châu Âu.
Theo hệ thống Anh – Mỹ thì thị trường hối đoái có tính chất biểu tượng, chỉ giao dịch ngoại hối thường xuyên giữa một số ngân hàng và người môi giới, quan hệ này có thể là trực tiếp, nhưng chủ yếu là thông qua điện thoại, telex.
Theo hệ thống lục địa châu Âu thì thị trường hối đoái có địa điểm nhất định, hàng ngày những người mua bán ngoại hối tới đó để giao dịch và ký hợp đồng. Các ngân hàng thương mại lớn có chi nhánh ở nước ngoài có vai trò quan trọng trong thị trường hối đoái. Các ngân hàng này kinh doanh ngoại hối là chủ yếu, các ngân hàng khác đóng vai trò phụ thuộc vào hoạt động kinh doanh dưới sự chỉ đạo của các ngân hàng lớn.
Phân loại tỷ giá hối đoái
Trên thị trường hối đoái, có nhiều loại tỷ giá khác nhau. Dưới đây là một số cách phân chia tỷ giá hối đoái:
Căn cứ vào đối tượng xác định tỷ giá
Chia làm 2 loại như sau:
- Tỷ giá chính thức: Là tỷ giá do Ngân hàng trung ương của nước đó xác định. Trên cơ sở của tỷ giá này các ngân hàng thương mại và các tổ chức tín dụng sẽ ấn định tỷ giá mua bán ngoại tệ giao ngay, có kỳ hạn, hoán đổi.
- Tỷ giá thị trường: Là tỷ giá được hình thành trên có sở quan hệ cung cầu trên thị trường hối đoái.
Căn cứ vào kỳ hạn thanh toán
Có thể chia làm 2 loại sau:
- Tỷ giá giao ngay (SPOT): Là tỷ giá do tổ chức tín dụng yết giá tại thời điểm giao dịch hoặc do hai bên thỏa thuận nhưng phải đảm bảo trong biểu độ do ngân hàng nhà nước quy định. Việc thanh toán giữa các bên phải được thực hiện trong vòng hai ngày làm việc tiếp theo, sau ngày cam kết mua hoặc bán.
- Tỷ giá giao dịch kỳ hạn (FORWARDS): Là tỷ giá giao dịch do tổ chức tín dụng tự tính toán và thỏa thuận với nhau nhưng phải đảm bảo trong biên độ quy định về tỷ giá kỳ hạn hiện hành của Ngân hàng Nhà nước tại thời điểm ký hợp đồng.
Căn cứ vào giá trị của tỷ giá
-
Tỷ giá hối đoái danh nghĩa: Là tỷ giá của một loại tiền tệ được biểu hiện theo giá hiện tại, không tính đến bất kỳ ảnh hưởng nào của lạm phát.
- Tỷ giá hối đoái thực: Là tỷ giá có tính đến tác động của lạm phát và sức mua trong một cặp tiền tệ phản ánh giá cả hàng hóa tương quan có thể bán ra nước ngoài và hàng tiêu thụ trong nước. Tỷ giá này đại diện cho khả năng cạnh tranh quốc tế của nước đó.
Căn cứ vào phương thức chuyển ngoại hối
- Tỷ giá điện hối: Là tỷ giá thường được niêm yết tại ngân hàng. Đó là tỷ giá chuyển ngoại hối bằng điện. Tỷ giá điện hối là tỷ giá cơ sở để xác định các loại tỷ giá khác.
- Tỷ giá thư hối: Tức là tỷ giá chuyển ngoại hối bằng thư. Tỷ giá điện hối thường cao hơn tỷ giá thư hối.
Căn cứ vào thời điểm mua/bán ngoại hối
- Tỷ giá mua: Là tỷ giá của ngân hàng mua ngoại hối vào.
- Tỷ giá bán: Là tỷ giá của ngân hàng bán ngoại hối ra.
Tỷ giá mua bao giờ cũng thấp hơn tỷ giá bán và khoản chênh lệch đó là lợi nhuận kinh doanh ngoại hối của ngân hàng.
Ngoài ra còn có 2 loại tỷ giá mà bạn cần quan tâm đó là:
Tỷ giá hối đoái song phương
Tỷ giá hối đoái song phương (Bilateral Exchange Rate): Là giá của một đồng tiền so với đồng tiền khác mà chưa đề cập đến lạm phát giữa hai nước.
Nếu NEER > 1 thì đồng tiền được xem là giảm giá (mất giá) đối với tất cả đồng tiền còn lại , nếu NEER < 1 thì đồng tiền được xem là lên giá (được giá) đối với tất cả đồng tiền còn lại.
Tỷ giá hối đoái hiệu dụng
Tỷ giá hối đoái hiệu dụng hay còn gọi là tỷ giá danh nghĩa đa phương hay là tỷ giá danh nghĩa hiệu dụng (NEER–Nominal Efective Exchange rate): Thực chất NEER là một chỉ số chứ không phải là tỷ giá, là chỉ số trung bình của một đồng tiền so với đồng tiền còn lại.
Theo VietQ