Giao dịch thanh toán điện tử liên ngân hàng đạt 40 tỷ USD mỗi ngày
Mới đây, Ngân hàng Nhà nước cho biết, mỗi ngày hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng xử lý bình quân khoảng 40 tỉ USD một cách thông suốt. Điều này cho thấy, một bước chuyển rất lớn trong thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam.
Ảnh minh họa |
Theo ông Phạm Anh Tuấn, vụ trưởng Vụ Thanh toán, các chỉ số thanh toán không dùng tiền mặt tăng cao về số lượng và giá trị giao dịch. Cụ thể, so với cùng kỳ năm 2022, 4 tháng đầu năm 2023 thanh toán không dùng tiền mặt tăng 52,8% về số lượng; qua kênh Internet tăng 83,76% về số lượng và 2,83% về giá trị; qua kênh điện thoại di động tăng tương ứng 64,84% và 9,47%; qua phương thức QR code tăng 161,6% và 36,62%; qua POS tăng 33,98% và 29,15%; qua ATM giảm 3,49% về số lượng và 5,45% về giá trị, phản ánh xu hướng dịch chuyển sang thanh toán điện tử.
"Việt Nam có tới 73% người trưởng thành có tài khoản tại ngân hàng. Tuy nhiên, dịch vụ công khó được thực hiện hoàn hảo nếu người dân không có tài khoản ngân hàng mà vẫn giao dịch bằng tiền mặt. Do đó, mục tiêu của Ngân hàng Nhà nước sắp tới là phủ rộng khả năng tiếp cận tài chính toàn diện, tin cậy với chi phí hợp lý trong mọi lĩnh vực, ngóc ngách cuộc sống", ông Tuấn nói.
Bên cạnh đó, hạ tầng dữ liệu, pháp lý để phát triển thanh toán không dùng tiền mặt cũng đang hoàn thiện. Đến tháng 4/2023, NHNN đã phối hợp với Bộ Công an (C06) hoàn thành xác thực hơn 25/51 triệu thông tin tín dụng khách hàng vay với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (tăng hơn 7 triệu thông tin so với tháng 3/2023), trong đó đã có 21,3 triệu thông tin khách hàng trùng khớp (đạt tỷ lệ hơn 83%).
Theo Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Tiến Dũng, dữ liệu và việc phân tích, khai thác, kết nối dữ liệu là yếu tố quyết định tạo nên thành công của quá trình thúc đẩy thanh toán không tiền mặt và hoạt động chuyển đổi số trong ngành ngân hàng.
"Ngoài việc giúp hiểu khách hàng hơn thì việc kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư còn góp phần ngăn chặn hành vi gian lận, lừa đảo, tăng cường công tác quản trị rủi ro của ngân hàng", ông Dũng cho biết thêm.
BVBank khai trương hai chi nhánh mới
Ngân hàng Bản Việt (BVBank) vừa khai trương hai điểm giao dịch mới là BVBank Thuận An (Bình Dương) và BVBank Chư Sê (Gia Lai).
BVBank Thuận An tọa lạc tại số 108 Nguyễn Văn Tiết, khu phố Đông Tư, phường Lái Thiêu, TP Thuận An, tỉnh Bình Dương, bắt đầu hoạt động ngày 15/6. Đây là chi nhánh đầu tiên của BVBank tại TP Thuận An và là chi nhánh thứ 5 tại Bình Dương, thứ 113 trên toàn hệ thống.
Tiếp sau đó, BVBank tiếp tục khai trương BVBank Chư Sê tại số 856 Hùng Vương, thị trấn Chư Sê, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai, bắt đầu hoạt động ngày 16/6. Đây là đơn vị thứ tư tại Gia Lai sau BVBank Gia Lai, BVBank Đăk Đoa, BVBank Pleiku.
Hai điểm giao dịch mới của BVBank đều tọa lạc ngay khu vực đông dân cư, với không gian giao dịch được thiết kế và xây dựng hiện đại, thân thiện, hứa hẹn tiếp tục là địa chỉ thu hút khách hàng. Bên cạnh đó, với sản phẩm dịch vụ phong phú, các chương trình ưu đãi hấp dẫn, thiết thực, cùng đội ngũ nhân viên chuyên nghiệp, BVBank Thuận An và BVBank Chư Sê mang kỳ vọng sẽ tạo nhiều trải nghiệm tốt cho khách hàng trong khu vực.
Với hai đơn vị mở mới này, mạng lưới đơn vị kinh doanh của BVBank đã nâng lên tổng cộng 114 điểm trên 31 tỉnh thành.
Đại diện ngân hàng cho biết, trong hoạt động bán lẻ, việc mở rộng mạng lưới để đến gần với khách hàng hơn là một trong các chiến lược hoạt động quan trọng của BVBank. Trong tháng 6, nhà băng đưa vào hoạt động 4 điểm kinh doanh mới là BVBank Móng Cái, BVBank Thuận An, BVBank Chư Sê và BVBank Nam Đà Nẵng (dự kiến khai trương ngày 23/6).
"Vừa qua, chúng tôi vừa được chấp thuận mở thêm 15 điểm giao dịch trong năm nay, sẽ nâng số đơn vị lên 131 tại 33 tỉnh thành. Đây là tín hiệu tích cực và là động lực để đội ngũ phục vụ khách hàng ngày một tốt hơn", đại diện BVBank chia sẻ.
Nhân dịp khai trương, BVBank dành nhiều phần quà, khuyến mãi cho khách hàng đến giao dịch. Cụ thể, người dùng gửi tiết kiệm sẽ nhận áo mưa, nón bảo hiểm, bình giữ nhiệt lock and lock... Ngoài ra, khi mở thẻ tín dụng JCB, Visa và Napas tại BVBank, khách hàng sẽ nhận được ưu đãi giảm đến 500.000 đồng tại Shopee, Lazada, Tiki, Sendo, Grab, ShopeeFood, Traveloka...
CII bảo lãnh khoản vay 900 tỷ đồng cho một công ty liên kết
Mới đây, Công ty cổ phần Kỹ thuật hạ tầng TP Hồ Chí Minh (HoSe: CII) thương thảo được với một ngân hàng để bảo lãnh khoản vay cho Công ty Đầu tư Năm Bảy Bảy.
Được biết, giá trị khoản bảo lãnh này là 900 tỷ đồng. Theo CII cho biết, động thái nằm trong các hoạt động tiếp tục thực hiện chương trình tái cấu trúc dòng tiền theo Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông của doanh nghiệp này.
Công ty Đầu tư Năm Bảy Bảy là một công ty liên kết của CII hoạt động lĩnh vực bất động sản, hiện nay CII đang nắm 37,52% cổ phần tại công ty này.
Ngoài Năm Bảy Bảy, CII hiện cũng đang sở hữu khá nhiều doanh nghiệp bất động sản khác, như Công ty Đầu tư Kinh doanh Địa ốc Lữ Gia, Công ty Đô thị xanh Sài Gòn - Long Khánh, Công ty Hạ tầng Trung Bộ…
Về tình hình kinh doanh của CII thời gian gần đây, công ty đạt doanh thu thuần hợp nhất quý II/2023 là 748 tỷ đồng, tăng nhẹ so với mức 712 tỷ đồng cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 34,8 tỷ đồng, giảm mạnh so với mức 685 tỷ đồng quý I/2022.
Dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh quý I/2023 âm gần 147 tỷ đồng (cùng kỳ dương 202 tỷ đồng); dòng tiền thuần từ hoạt động đầu tư quý I/2023 âm 571 tỷ đồng (cùng kỳ năm trước dương 619 tỷ đồng).
Agribank và Vietcombank giảm lãi suất tiền gửi về mức 6.3%/năm
Chiều ngày 19/6, Agribank và Vietcombank đã điều chỉnh giảm lãi suất tiền gửi tiết kiệm.
Theo đó, Agribank và Vietcombank đều giảm 0,5-0,7 điểm phần trăm lãi suất các kỳ hạn so với kỳ điều chỉnh ngay trước đó (31/05/2023). Hai ngân hàng này đưa lãi tiền gửi kỳ hạn 1-2 tháng xuống còn 3,4%/năm và kỳ hạn 3-5 tháng còn 4,1%/năm. Nếu gửi online, khách hàng sẽ nhận mức lãi suất cao hơn, dao động trong khoảng 4,3-4,5%/năm.
Vietcombank giảm lãi suất tiền gửi về mức 6,3%/năm. Ảnh minh họa |
Lãi suất tiền gửi tại quầy kỳ hạn 6-11 tháng của Agribank và Vietcombank đều đã giảm từ 5,5%/năm kỳ trước về 5%/năm; kỳ hạn 12 tháng trở lên áp dụng ở mức 6,3%/năm.
Trong khi đó, VietinBank và BIDV vẫn chưa thay đổi biểu lãi suất tiền gửi mới. Lãi suất kỳ hạn ngắn dưới 6 tháng vẫn ở mức 4,1-4,6%/năm, lãi suất kỳ hạn 6 tháng là 5,5%/năm, trong khi các mức lãi suất kỳ hạn dài từ 12 tháng trở lên đều được chấp nhận ở mức 6,8%/năm.
Techcombank cũng giảm 0,25 điểm % tại tất cả các kỳ hạn, đưa lãi suất niêm yết cao nhất về còn 6,9%/năm.
VPBank giảm 0,3 điểm % lãi suất huy động ở các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên. Hiện mức lãi suất tiền gửi cao nhất mà ngân hàng này áp dụng là 7,3%/năm cho các kỳ hạn 7 - 9 tháng, theo hình thức gửi tiền online.
ACB cũng giảm 0,4 - 0,6 điểm % lãi suất huy động các kỳ hạn dài, đưa mức cao nhất về còn 6,9%/năm, áp dụng cho các khoản tiền gửi trên 6 - 12 tháng với số tiền gửi tối thiểu 5 tỷ đồng.
Sau khi Ngân hàng Nhà nước tiếp tục giảm lãi suất điều hành lần thứ 4 tính từ đầu năm đến nay, sáng ngày 19/6 các ngân hàng thương mại đã đồng loạt điều chỉnh giảm lãi suất tiền gửi để phù hợp với quy định.
Theo Kinh tế Xây dựng