Hà Nội, Chủ nhật Ngày 24/11/2024

Thị trường hàng không: Không hãng nào 'đói' nếu làm ăn lành mạnh

Theo ANTĐ 07:50 12/12/2019

hị trường vận tải hàng không Việt Nam phát triển với tốc độ chóng mặt, lên tới 17%/năm. Hiện nay, đã có 8 hãng hàng không tham gia, nhưng theo nhận định, "miếng bánh" thị phần vẫn còn để chia, đảm bảo

Bay Nội Bài- Tân Sơn Nhất mỗi tháng bị kéo dài thêm 5 phút

Chia sẻ tại Hội nghị "Hàng không Việt Nam: Cơ hội và thách thức" do Bộ GTVT tổ chức sáng nay, 11/12, ông Đinh Việt Thắng, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam thừa nhận, thời gian qua, thị trường hàng không Việt có sự phát triển hết sức ấn tượng. Về thị trường, giai đoạn 2008 - 2019, tăng trưởng 17,1% về hành khách, và 13,8% về hàng hoá. Như vậy, sản lượng vận chuyển của tăng 4,86 lần về hành khách và 3,66 lần về hàng hoá. Về vận chuyển của hãng hàng không Việt Nam, so với năm 2008, tăng 5,2 lần về hành khách và 3,2 lần về hàng hoá.

Đội tàu bay so với năm 2008 tăng 3,5 lần. Mạng đường bay, so với 2008, đường bay nội địa tăng 2,4 lần, đường bay quốc tế tăng 2,44 lần. Ông Thắng nhìn nhận, tăng trưởng hàng không giai đoạn qua mạnh, nhưng vẫn hoàn toàn nằm trong tầm kiểm soát của quản lý Nhà nước.

Tạo ra một thị trường lành mạnh, có sự cạnh tranh, mang lại nhiều lợi ích cho hành khách cả về cơ hội đi lại, giá vé, chất lượng dịch vụ. Đi đôi với tăng trưởng, công tác đảm bảo an ninh an toàn giữ vững, ngành hàng không Việt Nam bước sang năm thứ 24 được giữ an toàn tuyệt đối, không xảy ra tai nạn gây chết người, không nhiều quốc gia có chỉ số tốt như vậy.

Tuy nhiên, dưới góc độ doanh nghiệp hàng không tham gia thị trường, ông Dương Trí Thành, Tổng giám đốc Vietnam Airlines thừa nhận, thị trường hàng không đang phát triển nóng, thời gian gần đây, mỗi chuyến bay từ Hà Nội đến Tân Sơn Nhất phải tăng thêm 5 phút, nguy cơ ảnh hưởng đến chất lượng và chi phí kinh tế. “Với mức phát triển khoảng 20%/năm thì các nguồn lực bổ sung để đáp ứng là không đơn giản. Cụ thể, để đào tạo người lái cũng phải mất 5-6 năm/người, nhanh nhất cũng phải mất 3 năm. Các hãng hàng không sẽ phải thuê phi công ngoại, làm gia tăng chi phí”- ông Thành cho hay.

Thêm vào đó, các hãng hàng không nước ngoài ồ ạt vào Việt Nam khai thác cũng tạo sức cạnh tranh lớn. “

Chúng tôi coi tăng trưởng vận chuyển hành khách là cơ hội lớn để phát triển hàng không. Vấn đề chúng ta cần có môi trường quản lý để phát triển nhanh, đồng bộ nhưng vẫn phải đảm bảo hiệu quả bền vững, chất lượng an toàn. Có như vậy cả hãng hàng không và khách hàng mới nhận được lợi ích dịch vụ ngày càng tốt và bền vững hơn”- ông Thành thông tin.

Hàng không phát triển nóng trong khi hạ tầng chưa đáp ứng kịp cũng đang là một nỗi lo của cơ quan quản lý, ông Lại Xuân Thanh, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) cho hay, năm 2019 năng lực tiếp nhận slot lại Tân Sơn Nhất chỉ tăng 2 - 3%. Do đó, tăng trưởng của Tân Sơn Nhất chỉ khoảng 5%.

“Không phải các hãng không có nhu cầu bay vào, mà là vì vấn đề an toàn và không thể bố trí được slot. Tân Sơn Nhất không thể chịu tải hơn được nữa vì vấn đề hạ tầng, vấn đề kiểm soát an toàn khai thác”- ông Thanh cho hay. Coi chừng cạnh tranh không lành mạnh Trong khi hạ tầng và nhân lực hàng không kỹ thuật cao đang là điểm nghẽn lớn thì thời gian qua, thị trường hàng không Việt dồn dập ghi nhận sự ra đời của hàng loạt hãng hàng không.

Chia sẻ về việc này, ông Đinh Việt Phương, Phó Tổng giám đốc Vietjet air cho hay, Việt Nam có 100 triệu dân, đội tàu bay mới có 200 chiếc, như vậy là không nhiều so với các quốc gia lân cận. Song, hạ tầng lại đang là điểm nghẽn, điểm khó. “Chúng tôi nhận được yêu cầu rất lớn của các địa phương là phải tăng tải. Nhưng giờ miếng bánh bé thế làm thế nào chia? Trách nhiệm ở đây là trách nhiệm quản lý Nhà nước của Bộ GTVT, của Cục Hàng không.

Chúng tôi vẫn đùa là “những người làm cha làm mẹ phải đẻ ra miếng bánh to hơn mới có thể chia cho các con”- ông Phương chia sẻ. Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho rằng, việc ra đời hãng hàng không mới là rất tốt. Thị trường Việt Nam có điều kiện phát triển. Chúng tôi dự báo đến 2025, thị trường hàng không của Việt Nam sẽ đạt khoảng 150 - 180 triệu hành khách/năm. Với thị trường tiềm năng như thế, việc ra đời hãng hàng không mới là xu thế tất yếu.

Các quốc gia lân cận đều đang hơn Việt Nam về số các hãng hàng không tham gia thị trường như Thái Lan hiện nay có 16 hãng; Singapore có 6 hãng; Malaysia 10 hãng; Indonesia 20 hãng; Phillippines 12 hãng. Trong khi chúng ta mới có 5 hãng. Như vậy, số hãng hàng không của chúng ta là rất khiêm tốn.

Hiện có 3 doanh nghiệp đang đề xuất thành lập hãng hàng không gồm Vinpearl Air, Kite Air và Vietravel Airlines. Như vậy, chúng ta mới có 8 hãng hàng không. So với các nước xung quanh chúng ta, về số lượng là chưa bằng. Tuy vậy, hãng hàng không mới ra, để đảm bảo phát triển bền vững phải làm rõ ra như thế nào, lộ trình nào, quy mô ra sao cần cân đối. “Có hãng hàng không mới, phải đảm bảo miếng bánh thị trường cho tất cả hãng đầy đủ. Miếng bánh thiếu, cạnh tranh sẽ không lành mạnh. Nhưng nhìn thực tế hiện nay và dự báo, sẽ không hãng hàng không nào đói nếu làm ăn lành mạnh”- ông Thắng khẳng định.

Bạn đang đọc bài viết Thị trường hàng không: Không hãng nào 'đói' nếu làm ăn lành mạnh tại chuyên mục Dịch vụ hàng không. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Dịch vụ hàng không