Cục An toàn Thực phẩm và Cục Quản lý Dược đã đăng tải trên website cơ sở cảnh báo về tình trạng một số tổ chức cá nhân vì lợi nhuận mà coi rẻ sức khỏe người tiêu dùng, vẫn để thành phần có chưa chất cấm gây hại vào sản phẩm.
Các đơn vị Bộ Y tế đã khuyến cáo rộng rãi về mức độ nguy hại của 2 hoạt chất Sibutramine và Phenolphthaleine đến sức khỏe con người như thế nào.
Tuy nhiên, thời gian gần đây trên thị trường xuất hiện hai sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe tăng cân G-Star và giảm cân L-Star đang nổi đình nổi đám với lời giới thiệu có cánh về công dụng đặc trị giảm béo, tăng cân.
Theo giới thiệu, viên uống G-Star, L-Star là dòng sản phẩm được nâng cấp từ sản phẩm viên uống tăng cân SQA có nguồn gốc Nhật Bản với 100% thành phần tự nhiên, không gây tác dụng phụ. Giá sản phẩm được niêm yết: G-Star là 850.000 đồng và 950.000 đồng với viên giảm cân L-Star.
Trên nhiều phương tiện truyền thông đều sử dụng giấy tiếp nhận đăng ký công bố sản phẩn số 13050/2019/ĐKSP ngày 30/11/2019 làm minh chứng cho việc sản phẩm trên được công nhận bởi Bộ Y tế. Tuy nhiên, tìm kiếm trên website của Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế thì không hề có thông tin gì về các sản phẩm G-Star và L-Star.
Từ những xác minh cũng như thông tin trên bao bì sản phẩm, Viên bổ thảo mộc G Star được phân phối bởi Công ty TNHH Thương mại & Dịch vụ C Star; còn viên uống giảm cân L-Star Original do Công ty TNHH Health Star phân phối và chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường.
Tuy nhiên, hai công ty trên đều có cùng một địa chỉ đăng ký kinh doanh tại số 228 Lệ Ninh kéo dài, phường Quán Bàu, TP.Vinh, Nghệ An; với cùng 1 người đại diện theo Pháp luật là bà Hoàng Thị Thuận.
G-Star, L-Star Original chứa chất cấm
Để làm rõ thông tin, PV đã mang 2 sản phẩm trên tới Trung tâm Chứng nhận phù hợp (Quacert) để kiểm nghiệm về thành phần cụ thể.
Kết quả hết sức bất ngờ khi trong thành phần của Viên bổ thảo mộc G-Star chứa hàm lượng chất Phenolphthalein; còn trong viên uống giảm cân L-Star Original chứa chất Sibutramine.
Phenolphthaleine là hóa chất thường được sử dụng trong việc đo độ kiềm/axit (pH) của dung dịch dựa vào khả năng đổi màu của nó. Chất này đã từng được sử dụng trong điều trị táo bón nhưng do các nghiên cứu cho thấy nó có khả năng là chất gây ung thư (carcinogen) nên đã bị FDA cấm lưu hành từ năm 1999. Hiện nay, chất này đã bị loại bỏ hoàn toàn khỏi thành phần hoạt tính của tất cả các loại thuốc lưu hành tại Mỹ.
Theo Sở hữu trí tuệ