Chính phủ vừa ban hành Nghị định 174/2025/NĐ-CP nhằm hướng dẫn thực hiện việc giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT) theo Nghị quyết 204/2025/QH15. Theo đó, từ tháng 7/2025, mức thuế GTGT đối với một số hàng hóa, dịch vụ đang chịu thuế suất 10% sẽ được điều chỉnh giảm xuống còn 8%. Đây là một trong những giải pháp tài khóa được kỳ vọng sẽ hỗ trợ doanh nghiệp và hộ kinh doanh phục hồi sản xuất – kinh doanh trong bối cảnh kinh tế cần thêm lực đẩy tiêu dùng.
Ảnh minh họa ( Nguồn Internet )
Cụ thể, doanh nghiệp áp dụng phương pháp khấu trừ sẽ được giảm thuế suất từ 10% xuống 8% đối với các mặt hàng, dịch vụ đủ điều kiện. Khi lập hóa đơn, doanh nghiệp cần ghi rõ thuế suất “8%”, số tiền thuế tương ứng và tổng số tiền thanh toán. Phía người bán và người mua đều phải kê khai thuế đúng theo số thuế GTGT đã được giảm để tránh sai sót và rủi ro về pháp lý.
Đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh tính thuế theo tỷ lệ % trên doanh thu, mức giảm được áp dụng là 20% trên tỷ lệ thuế GTGT đang chịu. Khi lập hóa đơn bán hàng, cần ghi đầy đủ giá trị trước giảm ở cột “Thành tiền”, và ghi rõ phần “Cộng tiền hàng hóa, dịch vụ” theo số đã giảm, kèm theo ghi chú: “đã giảm... tương ứng 20% mức tỷ lệ % để tính thuế GTGT theo Nghị quyết 204/2025/QH15”.
Tuy nhiên, không phải tất cả các ngành nghề đều được hưởng ưu đãi này. Các lĩnh vực như viễn thông, tài chính – ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán, kinh doanh bất động sản, khai khoáng (trừ than), sản phẩm kim loại và các hàng hóa chịu thuế tiêu thụ đặc biệt (trừ xăng) sẽ không được giảm thuế. Danh mục chi tiết các ngành nghề, mặt hàng không được giảm thuế đã được liệt kê rõ trong Phụ lục I và II ban hành kèm theo Nghị định.
Việc giảm thuế GTGT sẽ được áp dụng đồng bộ ở tất cả các khâu: từ nhập khẩu, sản xuất, gia công đến khâu thương mại. Những hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng thuế suất 5% hoặc không chịu thuế theo luật hiện hành sẽ không thuộc diện được giảm trong đợt này.
Các chuyên gia nhận định, nếu chính sách giảm thuế được triển khai hiệu quả, đồng bộ và minh bạch, sẽ góp phần giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp, thúc đẩy tiêu dùng nội địa và tạo động lực cho sự phục hồi kinh tế trong nửa cuối năm 2025.