Thời gian qua, căng thẳng giữa Nga - Ukraine đã và đang gây ra tác động tiêu cực đến hoạt động xuất nhập khẩu của nhiều doanh nghiệp Việt Nam sang thị trường Nga khi nhiều đơn hàng hiện nay bị ách tắc. Cùng với đó, một số ngân hàng lớn của Nga bị loại khỏi hệ thống thanh toán quốc tế, trước mắt đã gây ảnh hưởng đến việc thanh toán nhiều hợp đồng với đối tác Nga.
Giới chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh còn nhiều yếu tố bất định, cuộc xung đột này sẽ có những tác động trong trung hạn và dài hạn đến các hoạt động kinh tế nói chung cũng như doanh nghiệp xuất khẩu.
Vì vậy, để ứng phó với khủng hoảng các doanh nghiệp cần tính toán đa dạng hóa thị trường và nguồn cung, bởi việc chỉ tập trung vào một vài nơi đã cho thấy rõ những rủi ro thời gian qua. Cùng với đó, đa dạng hóa đồng tiền thanh toán để tránh tác động và rủi ro. Đồng thời, cần chủ động đàm phán với các đối tác về phương án vận chuyển hàng hóa, phương thức kinh doanh. Các doanh nghiệp phải rà soát lại hợp đồng và hồ sơ pháp lý để đảm bảo chủ động trong trường hợp xảy ra tranh chấp.
Theo ông Bùi Ngọc Sơn, Nguyên trưởng phòng Kinh tế quốc tế, Viện Kinh tế và chính trị thế giới, trong bối cảnh tác động từ xung đột Nga- Ukraine, các doanh nghiệp nên xác định rõ và chắc chắn thì mới tiến hành các dự án của mình. Nếu cảm thấy rủi ro phải thận trọng và khi triển khai có những phương án dự phòng. Bản thân doanh nghiệp nên có những kịch bản về quản trị rủi ro tài chính, đặc biệt phải mua bảo hiểm; dự phòng cho các kế hoạch sản xuất bởi lượng hàng tồn kho sẽ tăng lên, các đơn hàng có kế hoạch kéo dài thời gian hơn.
Mặc dù vậy, theo ông Sơn, cần nhìn rủi ro này là cơ hội để đa dạng hóa thị trường, tính lại cấu trúc giá sản phẩm. Đây cũng là thời điểm tốt để doanh nghiệp Việt Nam khẳng định được uy tín của mình khi bước ra thị trường thế giới.
“Các nước trên thế giới có thể tìm đến Việt Nam nhiều hơn do tính ổn định. Nhân lúc này doanh nghiệp đừng hướng tới những lợi ích ngắn hạn, mà cần phải tận dụng lúc này phải làm thật tốt. Bởi đây sẽ là thời gian quảng cáo không mất tiền, để lại danh tiếng về lâu dài về sau cho doanh nghiệp Việt. Khi đó, sau này thời cuộc qua đi, chúng ta mới có thể có được vườn rộng ra thế giới hơn nữa” - ông Bùi Ngọc Sơn nhận định.
Ngoài ra, nhiều ý kiến cũng cho rằng, trong trung và dài hạn, doanh nghiệp Việt Nam nên cơ cấu lại và nâng cấp hệ thống logistics, song song với đẩy nhanh và quyết liệt hơn, thực chất hơn cải cách thể chế, môi trường đầu tư kinh doanh. Cùng với đó, cần tăng tính tự lực tự cường, sức chống chịu của nền kinh tế trong bối cảnh thị trường có biến động; chủ động phân tích dự báo để tránh bị động, bất ngờ...