Hà Nội, Thứ Sáu Ngày 22/11/2024

Căng thẳng Nga - Ukraine: Nhà đầu tư trong nước nên làm gì?

nguoiduatin.vn 15:38 25/02/2022

Các chuyên gia cho rằng, những nhịp điều chỉnh sâu trong ngắn hạn là cơ hội để mua cổ phiếu, còn với giá vàng, việc “lướt sóng” cũng cần cẩn trọng.

Chứng khoán giảm là cơ hội tốt để mua vào

Ngày 24/2, truyền thông thế giới đồng loạt đưa tin về việc Nga chính thức tiến hành hoạt động quân sự tại 2 khu vực ly khai thuộc miền Đông Ukraine. Căng thẳng leo thang tại Ukraine ngay lập tức tác động tiêu cực đến nhiều chỉ số thị trường cũng như giá cả hàng hóa.

Phản ứng ngay lập tức với xung đột chính trị này, hầu hết thị trường chứng khoán toàn cầu giảm với biên độ 2-3%. Các chỉ số tương lai chứng khoán Mỹ, châu Âu sập trên 2%, S&P 500 giảm 1,85%; Dow Jones giảm 1,38%; Nasdaq giảm 2,57%. Thị trường chứng khoán châu Á cũng chứng kiến phiên giao dịch chỉ số giảm mạnh.

Trong khi đó, các tài sản tài chính có tính phòng thủ cao như vàng, dầu lại tăng giá mạnh. Phiên giao dịch ngày 24/2, giá dầu có lúc đã vượt 100 USD/thùng.

Dù căng thẳng ở Nga và Ukraine - vị trí địa lý khá xa so với Việt Nam nhưng ảnh hưởng tâm lý vẫn là đáng kể đối với các nhà đầu tư.

Trao đổi với Người Đưa Tin, ông Nguyễn Thế Minh - Giám đốc phân tích Khối khách hàng cá nhân, CTCK Yuanta Việt Nam nhìn nhận, tác động tiêu cực từ sự kiện căng thẳng chính trị leo thang tại Ukraine là có - với các nhà đầu tư trong nước trên thị trường chứng khoán. Đó chính là bị tác động tâm lý.

“Ảnh hưởng tâm lý trong ngắn hạn là có, tiêu cực là có nhưng sẽ không kéo dài và sẽ không ảnh hưởng lâu dài đến thị trường chứng khoán trong nước”, ông nói.

Xu hướng thị trường - Căng thẳng Nga - Ukraine: Nhà đầu tư trong nước nên làm gì?

VN-Index lao dốc mạnh trước khi có lực cầu giúp hồi phục một phần về cuối phiên 24/2 (Ảnh: TradingView).

Theo phân tích của vị chuyên gia này, thông thường, những tác động về địa chính trị hay Fed tăng lãi suất thì thường mang tính chất ngắn hạn và sau đó thị trường sẽ quay lại đà tăng trong dài hạn. Tức là nó sẽ phản ánh xong và ngay cho giai đoạn sau đó. Còn so với những cuộc khủng hoảng như khủng hoảng tài chính, khủng hoảng dịch bệnh thì ảnh hưởng sẽ nặng nề hơn.

Xét những phiên giao dịch vừa qua tại thị trường Việt Nam, mức sụt giảm của VN-Index đặt trong bối cảnh thị trường chứng khoán toàn cầu như vậy vẫn là bức tranh sáng và khá tích cực. Nhìn vào những chỉ số thì thấy rất là xấu, nhưng xét theo độ rộng thì thị trường lại rất là tốt.

"Các mã ngành được phân hoá rất là rõ nét, có những nhóm cổ phiếu vẫn tăng điểm rất mạnh, gần như không bị ảnh hưởng như cổ phiếu bản lẻ, lĩnh vực ngành hàng tiêu dùng, logistics…”, ông Minh phân tích và nhấn mạnh rằng, thị trường chứng khoán sẽ tiếp tục đi lên, dòng tiền đang rất khoẻ, luôn chờ chực vào những lúc thị trường giảm mạnh để lập tức quay lại sắc xanh.

Ông nói: “Khi mà thị trường chứng khoán bị ảnh hưởng bởi những tin địa chính trị thì thường biến động mạnh và có chiều hướng giảm. Tuy nhiên, xét ở hướng tích cực, đây lại là cơ hội các nhà đầu tư để mua vào để hưởng lợi đà tăng trưởng của chứng khoán và vĩ mô”.

Cùng đánh giá về vấn đề này, ông Lâm Minh Chánh - Chủ tịch Học viện Kinh doanh & Tài chính BizUni nói rằng, thị trường chứng khoán, tức là chỉ số VN-Index, giá cổ phiếu chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng bởi tin chiến tranh.

Tuy nhiên, giá cổ phiếu không hẳn cứ thế mà xuống, mà “sẽ xuống rồi lên, lên rồi xuống, nhảy múa tưng bừng. Giảm là có, nhưng giảm đến mức nào và sẽ khi nào sẽ phục hồi, thì khó ai đoán đúng”. Ông cho rằng, thị trường này “sẽ tạo sóng cho các anh tài lướt sóng”, nhưng ông khuyên các nhà đầu tư phải hết sức cẩn thận.

Cũng theo vị chuyên gia này, đối với các nhà đầu tư dài hạn thì nên tự đặt 2 câu hỏi để tự đánh giá. Thứ nhất, giá trị nội tại của các cổ phiếu/doanh nghiệp đang nắm giữ có thật sự bị ảnh hưởng bởi cuộc chiến Nga - Ukraine?

Với câu hỏi này, ông Chánh cho rằng, đối với những cổ phiếu/doanh nghiệp có giá trị nội tại - đo bằng giá trị hiện tại của dòng tiền lợi nhuận tự do - không bị ảnh hưởng nhiều, thì giá cổ phiếu có xuống theo thị trường, rồi cũng lên lại.

“Cổ phiếu có giá trị tốt sẽ bật tốt hơn thị trường sau khi hết bị ảnh hưởng của tin chiến tranh”, ông nhìn nhận.

Thứ hai, danh mục đầu tư có đủ đa dạng và có đều không, có bị lệch không? Với câu hỏi này, ông nhấn mạnh, danh mục càng đa dạng thì rủi ro càng thấp.

Có nên “lướt sóng” ngắn hạn với giá vàng thời điểm này?

Trên thực tế, phản ứng thường thấy của các nhà đầu tư khi thị trường phải hứng chịu một biến cố có độ rủi ro cao là vội vã tìm lại các kênh đầu tư an toàn hơn như vàng, trái phiếu.

Trước diễn biến tăng mạnh của thế giới, giá vàng trong nước cũng tăng dựng đứng trong qua (24/2) khi một số doanh nghiệp đã niêm yết giá bán ra vàng miếng vượt mốc 67 triệu/lượng.

Với diễn biến hiện nay, các chuyên gia đều cho rằng sẽ không bất ngờ nếu giá vàng phá đỉnh lịch sử này trong tuần này.

“Giá vàng sẽ phụ thuộc rất nhiều vào việc căng thẳng Nga - Ukraine sẽ kéo dài đến đâu. Với diễn biến hiện nay, vàng thế giới sẽ còn tăng mạnh và duy trì ở mức cao, ít nhất trong tuần này, khi căng thẳng giữa các bên chưa được giải quyết.

Nếu nhìn vào tuần tới, tôi nghiêng về kịch bản điều chỉnh giảm nhiều hơn. Bởi nó lên bằng cái gì thì nó phải hạ nhiệt bằng cái đó. Giá vàng vừa rồi lên bằng căng thẳng chính trị này, và rõ ràng, khi căng thẳng này hạ nhiệt thì giá vàng cũng sẽ hạ nhiệt theo”, Giám đốc phân tích của Yuanta Việt Nam Nguyễn Thế Minh đánh giá.

Chuyên gia Lâm Minh Chính cũng cho rằng, giá vàng đang có khuynh hướng tăng. “Vừa rồi, vàng ở Việt Nam đã ăn theo ngày thần tài và đã lên khá cao so với giá vàng thế giới. Nay có thêm tin chiến tranh, giá vàng Việt Nam còn lên mạnh. Đã có tính toán rằng sự cách biệt giá vàng trong nước so với giá thế giới là 10 - 11 triệu/lượng. Nếu chiến tranh Nga - Ukraine còn kéo dài, cộng thêm tính lo xa của người Việt thì giá vàng trong nước sẽ khó xuống”, ông nhìn nhận.

Tuy nhiên, các chuyên gia đều nhấn mạnh việc những nhà đầu tư không chuyên không nên tham gia thị trường vì sẽ chịu rất nhiều rủi ro. Tuy nhiên, với những nhà đầu tư theo dõi sát tình hình trong nước và quốc tế, có thể “lướt sóng” ngắn hạn với giá vàng thời điểm này.

Link gốc : https://www.nguoiduatin.vn/cang-thang-nga-ukraine-nha-dau-tu-trong-nuoc-nen-lam-gi-a544243.html

Bạn đang đọc bài viết Căng thẳng Nga - Ukraine: Nhà đầu tư trong nước nên làm gì? tại chuyên mục Thời sự. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Thời sự