Hà Nội, Chủ nhật Ngày 13/10/2024

Ông Phạm Tiến Dũng được bổ nhiệm làm Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN)

TDVN 07:58 25/03/2020

Để lại khoản nợ gần 7.000 tỷ đồng, cổ phiếu chạm đáy ở PV Drilling nhưng ngày 18/3, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã trao quyết định bổ nhiệm Phó Tổng giám đốc Tập đoàn đối với ông Phạm Tiến Dũng.

Ngày 18/3, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã tổ chức Lễ công bố và trao quyết định bổ nhiệm Phó Tổng giám đốc Tập đoàn đối với ông Phạm Tiến Dũng.

Chủ tịch bị bắt, Tổng giám đốc không sao

Hội đồng Thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) vừa có quyết định điều động và bổ nhiệm có thời hạn ông Phạm Tiến Dũng, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Cổ phần Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí (PV Drilling - Ma: PVD) giữ chức vụ Phó Tổng giám đốc Tập đoàn. Quyết định có hiệu lực kể từ ngày 18/3.

Ngoài các chức vụ trên, ông Phạm Tiến Dũng hiện cũng đồng thời làm Chủ tịch HĐTV của Công ty Liên doanh PV Drilling Overseas và Công ty TNHH Liên doanh Kỹ thuật giếng khoan PV Drilling và Baker Hughes (PV Drilling - Baker Hughes).

Ông Phạm Tiến Dũng, sinh năm 1967 ở Hà Nội. Kể từ tháng 8/2010 đến tháng 4/2019, ông Dũng là Thành viên HĐQT, Tổng Giám đốc PV Drilling. Từ tháng 4/2019 đến nay, ông Dũng đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch HĐQT PV Drilling.

Ban lãnh đạo của PV Drilling hiện nay.

Mặc dù, suốt trong quá trình nắm giữ chức vụ Tổng giám đốc, rồi đến Chủ tịch HĐQT, PV Drilling đã gặp vô vàn “sóng gió”, bão táp, hết sai phạm này đến sai phạm khác nhưng ông Phạm Tiến Dũng vẫn “đứng vững”, hiên ngang vượt qua.

Một trong những cơn “sóng giữ” đó là, ngày 18/12/2018, Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) - Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với ông Đỗ Văn Khạnh, Chủ tịch HĐQT PV Drilling, nguyên Tổng Giám đốc Tổng công ty Thăm dò, khai thác dầu khí (PVEP).

Ngày 18/12/2018, Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) - Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với ông Đỗ Văn Khạnh, Chủ tịch HĐQT PV Drilling.

Theo đó, ông Khạnh bị bắt tạm giam để điều tra về tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản, khi nhà chức trách mở rộng điều tra "đại án" OceanBank - Hà Văn Thắm. Cựu Tổng Giám đốc PVEP Đỗ Văn Khạnh được cho là có liên quan đến số tiền 4 tỷ đồng OceanBank đã thực hiện chi lãi ngoài, để đổi lại việc huy động tiền gửi từ PVEP.

Sau đó, PV Drilling có thông cáo nêu: “Việc khởi tố nói trên hoàn toàn không liên quan đến thời gian ông Khạnh làm việc tại Tổng công ty cổ phần Khoan và Dịch vụ khoan Dầu khí (PV Drilling) từ tháng 12/2015 đến 30/11/2018 và không ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh hiện nay của PV Drilling”.

Năm 2001, ông Khạnh được bổ nhiệm làm Bí thư Đảng ủy, Tổng Giám đốc Tổng CTCP Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí (PVDrilling). Ông được đánh giá là người đã có đóng góp lớn trong việc xây dựng PVDrilling trở thành một nhà thầu dịch vụ quốc tế.

Đến tháng 7/2010, ông trở thành Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Thành viên (HĐTV) Tổng Công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP), đơn vị được xem chủ lực của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực cốt lõi là thăm dò khai thác dầu khí. Sau đó, từ tháng 12/2015, ông trở lại PVDrilling với vai trò Chủ tịch Hội đồng Quản trị cho đến khi bị bắt.

Thua lỗ triền miên

Với kết quả kinh doanh thời gian qua, người ta không còn nhận ra hình bóng "ông vua" dầu khí - PVDrilling một thời.

Nợ phải trả của PVD hiện đang ở con số 6,8 ngàn tỷ đồng.

Kể từ thời điểm niêm yết năm 2003 đến 2014, PVD liên tục tăng trưởng về cả doanh thu lẫn lợi nhuận. Đỉnh điểm là năm 2014, doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế đạt cao nhất trong lịch sử với 20.884 tỷ và 2.539 tỷ đồng.

Tuy nhiên từ 2015, giá dầu giảm khiến kinh doanh tụt dốc, thảm nhất là giai đoạn gần đây.

Doanh thu cả năm 2017 chỉ đạt 3.890 tỷ đồng, tương đương 19% so với đỉnh điểm 2014, lợi nhuận sau thuế teo tóp còn gần 36 tỷ đồng.

Kết thúc quý I/2018, mặc dù doanh thu hợp nhất 1.106 tỷ đồng, tăng tới 120% so với cùng kỳ, Tổng công ty Cổ phần Dịch vụ Khoan Dầu khí (PV Drilling – Mã: PVD) tiếp tục báo lỗ nặng gần 240 tỷ.

Tiếp đến, báo cáo tài chính quý I/2019 với khoản lợi nhuận sau thuế âm 93,3 tỷ đồng, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh âm 85,3 tỷ đồng. Đây là năm thứ 3 liên tiếp PV Drilling lỗ trong quý kinh doanh đầu năm.

Khoản nợ xấu đến từ Công ty TNHH MTV Điều hành Thăm dò khai thác Dầu khí Trong nước là 45 tỷ đồng và Tổng công ty Thăm dò khai thác Dầu khí là 187 tỷ đồng.

Cũng theo thông tin được PV Drilling thể hiện trên báo cáo tài chính, doanh thu quý I/2019 của DN giảm 18%, từ 1.105,7 tỷ đồng xuống còn 909,5 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu tại Việt Nam là 743 tỷ đồng và doanh thu Malaysia là 166 tỷ đồng. PVD ghi nhận 293 tỷ đồng nợ xấu, trong đó nợ xấu tại PVEP là 188 tỷ đồng và nợ xấu tại Công ty TNHH MTV Điều hành thăm dò khai thác dầu khí trong nước (PVEP POC - công ty thành viên của PVEP) 91 tỷ đồng. PVD hiện đã trích lập dự phòng 254 tỷ đồng cho các khoản nợ xấu.

Tại báo cáo tài chính mới nhất (quý 4/2019) của PV Drilling cho thấy, năm 2019 là năm PVD đã triển khai thành công công tác phát triển dịch vụ khoan ra nước ngoài với 4 giàn khoan tự nâng đang làm việc tại Malaysia, đồng thời phát triển thêm một số dịch vụ ra nước ngoài.

Doanh thu của Công ty trong năm 2019 đạt 4.500 tỷ đồng, vượt 17% kế hoạch năm; lợi nhuận sau thuế ước đạt 88 tỷ đồng. Theo đó, PVD đã nộp ngân sách Nhà nước 460 tỷ đồng.

Tuy nhiên, “nợ phải trả” của PV Drilling đang ở con số gần 6,8 ngàn tỷ đồng, trong đó: ngắn hạn là 2,76 ngàn tỷ đồng (vay và nợ thuê tài chính là 521 tỷ đồng), dài hạn là hơn 4 ngàn tỷ đồng (3,2 ngàn tỷ đồng là vay và nợ thuê tài chính dài hạn).

Kết thúc năm 2019, PV Drilling đang có khoản nợ xấu hơn 255 tỷ đồng. Theo PV Drilling, đây là tổng giá trị các khoản phải thu, cho vay quá hạn thanh toán trên 6 tháng hoặc chưa quá hạn nhưng khó có khả năng thu hồi (trong đó, khoản nợ xấu đến từ Công ty TNHH MTV Điều hành Thăm dò khai thác Dầu khí Trong nước là 45 tỷ đồng và Tổng công ty Thăm dò khai thác Dầu khí là 187 tỷ đồng).

Cổ phiếu: Từ 130 ngàn đồng xuống còn 8 ngàn đồng/cp

Sau 1 năm khi hoạt động dưới mô hình công ty cổ phần, tháng 12/2006, PVD chính thức niêm yết cổ phiếu trên HoSE với giá chốt phiên chào sàn đạt 130.000 đồng/cp.

Vào năm 2007, cổ phiếu PVD xác lập đỉnh trong phiên giao dịch 3/2 với mức giá 295.000 đồng/cp. Đáng chú ý, từ khi niêm yết đến giai đoạn 2014, PVD liên tục tăng trưởng về cả doanh thu lẫn lợi nhuận.

Tháng 12/2006, PVD chính thức niêm yết cổ phiếu trên HoSE với giá chốt phiên chào sàn đạt 130.000 đồng/cp, hiện nay chỉ còn hơn 8.000 đồng/CP.

Đỉnh điểm là năm 2014, doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp đạt được những con số ấn tượng, cao nhất trong lịch sử với 20.884 tỷ đồng và 2.539 tỷ đồng. Kết quả kinh doanh năm 2014 cũng góp phần đẩy PVD lên đỉnh hơn 80.000 đồng/cp (đã điều chỉnh do phát hành thêm cổ phiếu).

Tuy nhiên, hiện nay cổ phiếu của PV Drilling (PVD) đã giảm sâu, chạm đáy chỉ ở mức hơn 8.000 đồng/cp. Tính từ đầu năm nay đến phiên gần đây, giá cổ phiếu PVD đã giảm trên 20%.

Gian lận thuế

Tháng 11/2019, Căn cứ theo Quyết định số 5760/QĐ-CT của Cục thuế TP HCM, Tổng công ty Cổ phần Khoan và Dịch vụ khoan Dầu khí (PV Drilling – mã chứng khoán PVD) công bố quyết định của Cục thuế TP HCM về xử lý vi phạm về thuế qua thanh tra việc chấp hành pháp luật về thuế.

Theo đó PV Drilling phải nộp bổ sung gần 79 triệu đồng tiền thuế gồm: Phạt do khai sai thuế TNCN dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp, số tiền 12.096.000 đồng; Phạt do vi phạm thủ tục về thuế, số tiền 2.100.000 đồng.

Theo đó PV Drilling phải nộp bổ sung gần 79 triệu đồng tiền thuế gồm: Phạt do khai sai thuế TNCN dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp, số tiền 12.096.000 đồng; Phạt do vi phạm thủ tục về thuế, số tiền 2.100.000 đồng.

Các hình thức khắc phục hậu quả: Truy thu thuế TNCN, số tiền 60.580.000 đồng; Tiền chậm nộp thuế TNCN, số tiền 4.082.400 đồng. Tiền chậm nộp thuế đã tính đến ngày 11/11/2019; Điều chỉnh giảm lỗ năm 2018, số tiền 59.514.580.014 đồng.

Trên BCTC hợp nhất kiểm toán năm 2018 của PV Drilling, doanh thu thuần năm 2018 đạt 5.500 tỷ đồng, tăng 41,4% so với năm trước đó. Lợi nhuận sau thuế đạt 172 tỷ đồng, gấp 4,8 lần cùng kỳ.

Như vậy, trong quá trình điều hành - lãnh đạo PV Drilling, ông Phạm Tiến Dũng không thấy dấu ấn về thành công, ngược lại còn để xảy ra nhiều sai phạm, kinh doanh thua lỗ triền miên, chứng khoán chạm đáy... Tuy nhiên, ông vẫn được bổ nhiệm Phó tổng giám đốc PVN là điều khiến nhiều người bất ngờ!

Theo Tin tức Việt Nam

Link gốc : https://tintucvietnam.vn/de-lai-khoan-no-gan-7000-ty-dong-co-phieu-cham-day-o-pv-drilling-ong-pham-tien-dung-len-pho-tong-pvn-d234338.html

Bạn đang đọc bài viết Ông Phạm Tiến Dũng được bổ nhiệm làm Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) tại chuyên mục Nhà nước. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Nhà nước
Nhiều ngành hàng được dự báo từ trước là sẽ ít bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 như sắt thép, xi măng… nhưng đến nay cũng bắt đầu “thấm đòn”, một số sản phẩm suy giảm mạnh đầu ra trên dưới 50%.