Muốn cao hơn phải nỗ lực hơn Dù còn hơn 1 tháng nữa mới kết thúc năm 2019, nhưng với những kết quả đã đạt được và những khó khăn bất cập còn hiện hữu, cộng thêm những chỉ tiêu không hề nhẹ đã được đặt ra cho năm 2020, giờ chính là lúc cần bắt tay ngay vào việc phân tích và nhận diện những thách thức khó khăn và tích lũy những động năng để tiếp tục đưa nền kinh tế vượt lên.
Phát biểu tại Diễn đàn kinh tế 2020: “Tích luỹ động năng cho chu kỳ tăng trưởng mới”, diễn ra ngày 5/12 tại Hà Nội, TS. Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, theo báo cáo mới đây của U.S. News & World Report, Việt Nam đã nhảy vọt từ vị trí 23 năm 2018 lên vị trí thứ 8 trong bảng xếp hạng các nền kinh tế tốt nhất thế giới để đầu tư”. Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam cũng thuộc mức cao so với các nước ở trong châu Á. Bên cạnh đó, các chỉ tiêu về lạm phát, thâm hụt ngân sách, quy mô dự trữ ngoại hối… đều được cải thiện trong thời gian vừa qua giúp tăng cường sức chống chịu với những cú sốc có thể diễn ra trong tương lai.
Toàn cảnh diễn đàn. |
“Chúng ta đang có một hệ số tương đối yên lòng để có thể phát triển trong thời gian tới. Nhưng chúng ta mong muốn có sự phát triển hơn nữa thì cần phải nỗ lực hơn nữa”, Chủ tịch VCCI nhấn mạnh: “Là nền kinh tế có độ mở cao, Việt Nam sẽ phải dè chừng nguy cơ từ xu thế tăng trưởng chậm lại của nền kinh tế thế giới trong thập niên tới. Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, mâu thuẫn địa chính trị, chính sách tiền tệ khó dự đoán của các nước, chủ nghĩa bảo hộ và sự bế tắc của chủ nghĩa đa phương, sự biến đổi khí hậu và sự già hoá dân số… sẽ mang đến những thách thức khó lường và là những nhân tố tác động cản trở tới tăng trưởng của Việt Nam trong thời gian tới.
Niềm tin và sự đầu tư của cộng đồng doanh nghiệp sẽ quyết định sự tăng trưởng của nền kinh tế”. TS. Vũ Tiến Lộc cũng nhận định, cơ hội đầu tư và tăng trưởng trong giai đoạn 2020-2030 sẽ nằm ở những ngành có lợi thế so sánh truyền thống (như dệt may, da giày, đồ gỗ, điện tử; nông thủy sản…); lĩnh vực phục vụ tiêu dùng (phân phối bán lẻ, du lịch, giải trí, giáo dục, y tế); các dịch vụ hỗ trợ mạng sản xuất, gia tăng chuỗi giá trị (dịch vụ hỗ trợ, logistics, công nghiệp hỗ trợ..). Bên cạnh đó, tiềm năng cũng nằm ở những lĩnh vực mới nổi (kinh tế xanh, kinh tế sáng tạo, kinh tế số…). Lĩnh vực kết cấu hạ tầng và bất động sản (nhà ở, văn phòng, bất động sản du lịch, bán lẻ, logistics, khu công nghiệp)... cũng có nhiều cơ hội cho giới đầu tư trong và ngoài nước khai phá.
Dự báo cụ thể hơn về các ngành, lĩnh vực sẽ “lên ngôi” trong năm 2020, ông Nguyễn Đức Hùng Linh – Kinh tế trưởng kiêm Giám đốc khối Nghiên cứu & Phát triển của Công ty chứng khoán SSI đã đề cập đến 5 lĩnh vực chính, trong đó lĩnh vực đầu tiên được nhắc tới là ngành hàng tiêu dùng.
Thị trường 100 triệu dân của Việt Nam đang là thị trường vô cùng hấp dẫn với các NĐT nước ngoài, đặc biệt là các NĐT từ các nước trong khu vực. “Hiện các NĐT Thái Lan đang tận dụng cơ hội đầu tư vào lĩnh vực này. Khi chúng tôi tiếp xúc với doanh nghiệp Thái Lan sang tìm cơ hội đầu tư cổ phiếu Việt Nam thì họ thường quan tâm tới ngành hàng tiêu dùng với các doanh nghiệp như PNJ, Vinamilk… là chính. Điều đó chứng tỏ rằng tiềm năng của những ngành hàng này là rất lớn”, ông Linh dẫn chứng. Bên cạnh đó, ngành du lịch (và những ngành phát triển hưởng lợi từ du lịch); ngành xây dựng và vật liệu xây dựng cũng sẽ là những lĩnh vực sẽ có tăng trưởng cao.
Việc khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 11 vừa đạt 1,8 triệu lượt khách, tăng 39% so với cùng kỳ và ghi nhận mức tăng trưởng cao nhất 23 tháng là một dấu hiệu cho thấy dự báo này là có cơ sở. Ngành xây dựng và vật liệu xây dựng cũng kỳ vọng sẽ tăng trưởng cao hơn trong năm 2020 khi các khó khăn liên quan đến giải ngân đầu tư công được tháo gỡ, cùng với đó là dòng vốn từ khu vực tư nhân sẽ tạo ra bước đệm lớn cho ngành này. Ngành vận tải logistics dự báo cũng sẽ có sự tăng trưởng tích cực trong thời gian tới, nhất là trên nền tăng trưởng xuất nhập khẩu tích cực trong những năm gần đây đã tạo ra lưu lượng hàng hoá giao thương lớn. Doanh nghiệp Việt Nam có thể tận dụng cơ hội này, bởi ở lĩnh vực này các nhà đầu tư vào thị trường Việt Nam còn rất ít. Ngoài ra, ngành nông nghiệp và các dịch vụ hỗ trợ cho nông nghiệp cũng kỳ vọng sẽ chuyển biến tích cực trong năm 2020.
“Năm 2019, tăng trưởng của ngành có chậm lại vì nhiều nguyên nhân, trong đó có yếu tố thời tiết với một năm khô hạn. Nhưng thường sau một năm khô hạn thì năm sau sẽ tốt hơn, kéo theo những ngành liên quan cũng sẽ tích cực hơn”, ông Linh dự báo. Bức tranh sáng sủa của nền kinh tế Việt Nam trong năm 2019 đang tạo sức bật để kinh tế 2020 có thể về đích để qua đó không chỉ góp phần hoàn thành Kế hoạch 5 năm 2016-2020 và Chiến lược 10 năm 2011-2020 mà còn tạo nền tảng cho kế hoạch 5 năm sau đó. Mặc dù chúng ta đã có được nền tảng tốt và thuận lợi để nền kinh tế tiếp tục phát triển tuy nhiên những rủi ro, bất định từ môi trường bên ngoài, cũng như những thách thức, yếu kém nội tại vẫn cần được quan tâm hóa giải.
Theo các chuyên gia, tiếp tục quyết liệt cải cách thể chế, tháo gỡ những vướng mắc trong môi trường đầu tư kinh doanh… là những ưu tiên cần tập trung trong thời gian tới. Trong đó, ông Phan Đức Hiếu - Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, yếu tố thể chế vẫn là mấu chốt quyết định hiệu quả của nền kinh tế. Và sự hài lòng của doanh nghiệp mới là thước đo chính xác nhất hiệu quả của cải cách. “Có những cải cách được bộ ngành tiến hành nhưng lại chưa được doanh nghiệp công nhận”, ông Hiếu dẫn chứng. Để duy trì và thúc đẩy cải cách ông Phan Đức Hiếu cho rằng tiến tới cần có một cơ quan giám sát thực thi cải cách. “Đây là cơ quan hiện Việt Nam đang thiếu và tôi cho rằng, phải có một cơ quan được trao quyền như vậy thì mới là động lực để duy trì và thúc đẩy cải cách một cách dài hạn”, ông Hiếu đề xuất.