Theo tìm hiểu của VTC News, chỉ từ đầu năm 2021 đến nay, Công ty cổ phần Sao Thái Dương (Công ty Sao Thái Dương, P.Vĩnh Hưng, Q.Hoàng Mai, TP.Hà Nội) trúng liên tiếp 5 gói thầu tại nhiều bệnh viện, trung tâm kiểm soát bệnh tật các tỉnh với giá trị nhiều tỷ đồng. Đáng chú ý, hầu hết các gói thầu đơn vị này trúng là chỉ định thầu hoặc mua sắm trực tiếp, không qua mạng.
Cụ thể, ngày 23/6, bà Ngô Thị Xuân - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bắc Ninh - ký quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu gói thầu “Mua sắm 10.000 test sinh phẩm Realtime RT-PCR" của nhà thầu Sao Thái Dương. Gói thầu này có giá 3 tỷ đồng, nguồn vốn từ ngân sách nhà nước. Công ty Sao Thái Dương được chỉ định thầu.
Hai ngày trước đó, vẫn tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bắc Ninh, bà Xuân cũng ký quyết định lựa chọn Công ty Sao Thái Dương cho gói thầu “Mua sắm 15.000 test sinh phẩm Realtimes RT-LAMP COVID-19". Theo hồ sơ, gói thầu có giá hơn 5,7 tỷ đồng, vốn ngân sách. Nhà thầu được chỉ định rút gọn, không sơ tuyển, không qua mạng. Trong tháng 6, Công ty Sao Thái Dương cũng trúng gói “Hóa chất xét nghiệm COVID-19” tại Bệnh viện Bạch Mai với giá hơn 5,4 tỷ đồng. Đây là gói thầu được ông Nguyễn Quang Tuấn – Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai – phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu tại quyết định số 173 ngày 20/5, tổng giá trị hơn 31,3 tỷ đồng. Vốn từ nguồn thu dịch vụ khám chữa bệnh. Nhà thầu được lựa chọn theo hình thức mua sắm trực tiếp.
Cùng với Sao Thái Dương, một số doanh nghiệp được “chỉ định” là Công ty Thiết bị Y tế Phương Đông (gói mua sắm thiết bị trị giá hơn 9,1 tỷ đồng), Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á (gói mua sắm hơn 8,9 tỷ đồng), Công ty TNHH Khoa học Kỹ thuật Kiến Đức (hơn 7,8 tỷ đồng)…
Tại Bệnh viện Đa khoa Hà Đông, ngày 25/6, Liên danh Công ty Thái Dương, Công ty cổ phần Y tế Đức Minh, Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á, Công ty TNHH Thiết bị Y tế Phương Đông trúng gói “Hóa chất xét nghiệm sàng lọc COVID-19” với tổng giá trị hơn 25,1 tỷ đồng.
Ngoài hai bệnh viện trên, ngày 4/3, Công ty Sao Thái Dương trúng gói thầu số 2 “Hóa chất xét nghiệm Sars-Covi-2 với giá 2,4 tỷ đồng. Gói thầu do ông Nguyễn Văn Thường – Giám đốc Bệnh viện Đức Giang– phê duyệt theo hình thức mua sắm trực tiếp, trong nước không sơ tuyển, không qua mạng.
Hầu hết những gói thầu mua sắm trên, Công ty Sao Thái Dương đều trúng với giá bằng giá gói thầu.
Gần đây, Sao Thái Dương được dư luận nhắc đến nhiều khi có sản phẩm nằm trong danh sách 12 loại thuốc cổ truyền có tác dụng phòng và hỗ trợ điều trị COVID-19 do Bộ Y tế công bố. Đó là thực phẩm bảo vệ sức khỏe Viên nang cứng Kovir.
Trên một số trang mạng thời gian trước cho thấy, Viên nang cứng Kovir được bán với giá 245.000 - 350.000 đồng/hộp 40 viên. Tuy nhiên, trong vài ngày gần đây sản phẩm tăng giá chóng mặt. Thậm chí, ngày 19/7, tức là trước ngày Bộ Y tế ban hành công văn 5944, Công ty Sao Thái Dương ra văn bản thông báo giá bán Viên nang cứng Kovir (2 vỉ x15 viên) là 1 triệu đồng/hộp, tăng nhiều lần so với giá cũ.
Trước lùm xùm đẩy giá thuốc, đại diện Công ty Cổ phần Sao Thái Dương cho biết, sản phẩm viên nang cứng Kovir giá 1 triệu đồng/hộp là sản phẩm của công ty mới ra lò vào tháng 7/2021. Đây cũng là sản phẩm khác với sản phẩm viên Kovir cũ.
Ngoài chuyện giá cả tăng vọt thì dư luận còn thắc mắc là dù được giới thiệu trong công văn 5944 hướng dẫn của Cục Quản lý y dược học cổ truyền gửi các tỉnh phía Nam ngày 24/6 nhưng đến ngày 25/6 Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế mới cấp giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm viên nang cứng. Điều đó có nghĩa Cục Quản lý y dược học cổ truyền hướng dẫn sử dụng sản phẩm trước khi được phép lưu hành?
Thậm chí trước đó, ngày 20/9/2020, Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế từng phát đi cảnh báo với thông tin quảng cáo sản phẩm này. Theo Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), “một số phương tiện thông tin đại chúng và trang mạng xã hội có đưa thông tin sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Kovir có thể làm người tiêu dùng hiểu lầm sản phẩm trên có công dụng: hiệu quả cao đối với các bệnh virus từ sau lần uống đầu tiên, hỗ trợ điều trị COVID-19”.
Cục An toàn thực phẩm khẳng định, thông tin như vậy là không chính xác, không có loại thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe nào có công dụng dự phòng, điều trị hoặc hỗ trợ điều trị COVID -19.
Ngày 24/7, Bộ Y tế ban hành công văn 5944 về tăng cường phòng, chống bệnh dịch bệnh COVID-19 bằng thuốc cổ truyền và sản phẩm từ dược liệu để góp phần phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Trong công văn Bộ Y tế liệt kê danh sách 12 loại thuốc cổ truyền, sản phẩm phòng, hỗ trợ điều trị COVID-19, gồm sản phẩm Kovir của Công ty Sao Thái Dương.
Bộ Y tế yêu cầu căn cứ vào diễn biến lâm sàng của người bệnh, tùy mức độ mà sử dụng thuốc cổ truyền và các sản phẩm từ dược liệu.
Ngoài ra, Bộ Y tế cũng công bố 9 sản phẩm được liệt kê vào nhóm thuốc sát khuẩn không khí, thuốc xịt họng, sát khuẩn tay trong phòng COVID-19; 5 sản phẩm hỗ trợ nâng cao sức khỏe.
Tuy nhiên, ngay khi công văn được ban hành đã nhận nhiều kiến trái chiều. Trước một số nội dung chưa phù hợp nên ngày 26/7, Bộ Y tế quyết định thu hồi công văn này. Lý do là do có một số nội dung chưa phù hợp.