Ngày 24/7, Bộ Y tế ban hành công văn 5944 về việc tăng cường phòng chống dịch bệnh Covid-19 bằng thuốc cổ truyền và sản phẩm từ dược liệu kèm theo danh mục 12 sản phẩm hỗ trợ điều trị Covid-19.
Nhiều loại thuốc cổ truyền tăng giá chóng mặt. |
Tuy nhiên, ngay khi có công văn, nhiều người dân đổ xô đi tìm mua thuốc khiến nhiều mặt hàng thuốc trở nên khan hiếm. Sản phẩm Xuyên tâm liên tăng từ 50.000 - 100.000 đồng/hộp.
Đáng chú ý, một số sản phẩm thuốc tăng giá “chóng mặt” trước khi văn bản của Bộ Y tế vài ngày.
Cụ thể, sản phẩm viên nang Kovir của Công ty Sao Thái Dương ghi rõ là phòng và điều trị các bệnh lý do virus lây lan qua đường hô hấp, tăng cường miễn dịch, điều hoà miễn dịch trong các bệnh lý virus tăng giá sốc. Viên nang cứng Kovir tăng lên tới 1 triệu đồng/2 vỉ 15 viên; viên nang mềm hộp 5 vỉ có giá 1.250.000 đồng áp dụng từ 19/7/2021. Trước đó viên nang cứng Kovir chỉ có giá dao động từ 100.000 - 250.000 đồng/hộp.
Sản phẩm Nobel tăng cường miễn dịch của của Công ty Sao Thái Dương tăng từ 300.000 đồng/hộp lên tới 1,25 triệu đồng.
Tuy nhiên, chỉ 2 ngày sau, ngày 26/7, Bộ Y tế đã thu hồi công văn. Ông Nguyễn Thế Thịnh, Cục trưởng Cục Quản lý Y Dược cổ truyền - Bộ Y tế cho biết: Sau khi công văn 5944 được ban hành, chúng tôi đã nhận được một số thông tin phản ánh về một số nội dung chưa phù hợp, gây hiểu nhầm, có nguy cơ tích trữ, nâng giá bán, làm ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch và tâm lý người dân.
Với vai trò là cơ quan tham mưu, Cục Quản lý Y Dược cổ truyền nhận thấy đây là sơ suất trong quá trình soạn thảo, tham mưu trình lãnh đạo Bộ ban hành, dẫn đến một số nội dung chưa phù hợp, chưa đầy đủ, chưa rõ ràng.
Cục đã phối hợp với các Vụ/Cục liên quan rà soát, báo cáo, đề xuất lãnh đạo Bộ Y tế thực hiện thủ tục thu hồi công văn theo đúng quy định.
Bình luận về sự việc trên, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long tỏ ra bất bình trước việc tăng giá này. Ông Long cho rằng, trong sự việc này có sự thao túng của cơ quan chức năng để doanh nghiệp nâng giá sản phẩm, gây khó khăn cho người tiêu dùng.
“Thực tế, những sản phẩm này không có tác dụng như quảng cáo. Nếu cơ quan chức năng chỉ khuyến khích sử dụng sản phẩm để doanh nghiệp đẩy mạnh bán hàng thì chưa chuẩn. Nhưng nhân cơ hội này, doanh nghiệp lại lợi dụng đẩy mạnh tăng giá. Đây có thể là hành động đồng hành, tiếp tay”, ông Long phân tích.
Theo ông Long, tâm lý của người tiêu dùng là tin tưởng sự chỉ dẫn của cơ quan chức năng, cơ quan y tế. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp, người dân đang phải oằn mình lên chống chọi dịch bệnh, doanh nghiệp lợi dụng tăng giá sản phẩm để trục lợi là tội ác.
Ông Long đề nghị cơ quan chức năng cần vào cuộc điều tra về hành vi này. Yêu cầu người đứng đầu cơ quan y tế phải giải trình rõ. Đặc biệt cần thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật. Nếu có dấu hiệu vi phạm có thể xử lý hình sự là bài học răn đe cho các đối tượng khác lợi dụng dịch bệnh để trục lợi.
Không lợi dụng tình hình dịch bệnh tăng giá thuốc Ngày 10/7, Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế có công văn gửi Sở Y tế các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương; Giám đốc các bệnh viện, các cơ sở sản xuất, nhập khẩu thuốc về việc đảm bảo cung ứng, bình ổn giá thuốc phòng, chống Covid-19. Sở Y tế chỉ đạo các bệnh viện, các doanh nghiệp kinh doanh thuốc trên địa bàn triển khai kế hoạch dự trữ đầy đủ và thực hiện nghiêm các quy định của nhà nước về quản lý giá thuốc (niêm yết giá thuốc và bán theo giá niêm yết, mua thuốc theo giá không cao hơn giá kê khai, kê khai lại đã công bố). Đặc biệt, không được lợi dụng tình hình dịch Covid-19 để đầu cơ, găm hàng và đẩy giá thuốc tăng cao. Cục Quản lý Dược cũng yêu cầu các công ty thực hiện nghiêm túc việc kê khai, kê khai lại và bán thuốc không cao hơn giá kê khai, kê khai lại; không được lợi dụng tình hình dịch Covid-19 để tăng giá bán. |