Như Sức khỏe Cộng đồng đã thông tin trong bài “Nhiều khách hàng “tố” nhân viên bảo hiểm Dai-Ichi tư vấn sai gây hiểu nhầm” nói về việc tư vấn viên bảo hiểm Dai-Ichi tại Việt Lập, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang tư vấn sai thông tin của rất nhiều hợp đồng, dẫn đến tình trạng bức xúc của khách hàng kéo dài trong thời gian qua.
Sau bài phản ánh, công ty bảo hiểm Dai-ichi đã cử đại diện, cùng tư vấn viên đến làm việc với người dân đã tham gia đóng bảo hiểm của công ty này tại Bắc Giang.
Theo ghi nhận tại buổi làm việc, lần này số lượng người thắc mắc và nội dung khiếu nại về tư vấn của tư vấn viên bán bảo hiểm dai – ichi ngày một nhiều hơn. Ngoài tư vấn sai về thời gian tham gia hợp đồng, không giải thích cho người mua bảo hiểm đầy đủ thông tin trong mô tả quyền lợi, các quy tắc,… thì trong buổi làm việc này khách hàng tiếp tục phản ánh nhiều dấu hiệu sai phạm khác của tư vấn viên. Những điều này đã ảnh hưởng đến quyền lợi của người tham gia bảo hiểm.
Tư vấn viên bị tố làm liều: Giả mạo chữ ký, ký thay người mua bảo hiểm
Đó là trường hợp của bà Trần Thị Ngoan, người đã tham gia mua bảo hiểm theo sự tư vấn của bà Nguyễn Thanh Thức (tư vấn viên của bảo hiểm Dai-Ichi). Do tin tưởng “người tư vấn”, bà Ngoan đã mua một sản phẩm bảo hiểm của Dai-ichi, và thực hiện đóng tiền đầy đủ theo nghĩa vụ (có ký các phiếu thu tiền) định kỳ. Thậm chí một thời gian sau tư vấn viên Thức đến mượn lại bộ hợp đồng của bà Ngoan, bà cũng đưa cho người này, rồi nhận lại và cất đi.
Trước những thông tin lùm xùm về tư vấn viên Nguyễn Thanh Thức tư vấn sai cho nhiều hợp đồng, bà Ngoan đã kiểm tra lại hợp đồng của mình thì bà thấy bộ hợp đồng mà bà Thức trả lại không phải là hợp đồng trước đó mình ký. Bà Ngoan nói: “chữ ký của tôi tôi biết, không ai giả chữ ký của tôi được, giả là tôi biết”.
Ảnh bên trái – Chữ ký trong hợp đồng được bà Trần Thị Ngoan cho rằng đã bị giả mạo. |
Bà Ngoan thông tin thêm: bà cũng đã nói với tư vấn viên Thức rằng đây không phải bộ hợp đồng do bà ký ngày trước, chữ ký này là giả và yêu cầu trả lại bộ hợp lúc ban đầu bà ký thì bà Thức không thừa nhận việc này. Sự việc chữ ký tiếp tục bị “ký thay” vào các phiếu nộp tiền vì nợ nần cá nhân, khi bà Ngoan cho biết: do nhà bà Thức có nợ tiền nhà mình nên đã thống nhất để bà Thức đóng tiền bảo hiểm để trừ vào tiền nợ.
Theo nghi nhận của PV thì có một số phiếu thu tiền có chữ ký bà Ngoan nhưng bà khẳng định không giống chữ ký của bà, mà khả năng bà Thức nộp tiền và ký luôn!
Ảnh bên trái – Một số phiếu thu tiền bà Thức đã ký thay bà Ngoan. |
Đại diện một hộ gia đình thắc mắc, con trai bà là Nguyễn Anh Tuấn là người mua bảo hiểm, nhưng do không có nhà nên lúc ký kết hợp đồng đã đồng ý cho bà Thức (tư vấn viên) ký hộ vào hợp đồng, như vậy sau này hết thời hạn hợp đồng có được rút tiềt về và khi có sự cố bảo hiểm có được chi trả không? Về việc này ông Lê Xuân Hưởng – Giám đốc Dai-Ichi Bắc Giang cho biết sẽ vẫn được quyền lợi và sẽ làm thủ tục thay đổi chữ ký cho hợp đồng này.
Hợp đồng của ông Nguyễn Anh Tuấn được bà Thức ký thay.-- |
Người tư vấn chưa làm hết trách nhiệm, hay cố ý cung cấp sai thông tin?
Trong buổi làm việc, người dân đồng loạt phản ánh trong quá trình tư vấn bà Nguyễn Thanh Thức khi tư vấn đều không nói bảng mô tả quyền lợi hay giải thích các thông tin trong hợp đồng cho chúng tôi được biết. Tất cả các hộ dân đều khẳng định: ông Lê Xuân Hưởng và Nguyễn Thanh Thức (người tư vấn) đều nói các hợp đồng người dân khi tham gia là mười năm, mua các sản phẩm bảo hiểm này vừa được lãi, vừa được bảo vệ.
Tại buổi làm việc bà Thức đã phủ định việc tư vấn hợp đồng có thời hạn mười năm và nói lúc đó đều tư vấn mười lăm năm, sau đó bà lấy lý do bận công việc và rời khỏi buổi làm việc. Còn ông Hưởng thì cho rằng lúc đó ông nói từ mười tới mười lăm năm, ông Hưởng cũng thừa nhận mình chưa nói chi tiết hết các mức quyền lợi trong bảng mô tả.
Về việc này sau khi nghe phản ánh của người đóng bảo hiểm, ông Vũ – quản lý cấp cao – đại diện Công ty bảo hiểm Dai-Ichi cho biết: nếu có tình trạng này thì người tư vấn chưa tròn trách nhiệm, tư vấn như vậy là chưa đầy đủ.
Người dân trong buổi làm việc với Công ty Dai-Ichi (ảnh cắt từ video). |
Kết luận lại buổi làm việc, đại diện Công ty bảo hiểm Dai-Ichi không có câu trả lời thỏa đáng về quyền lợi của các cá nhân đã tham gia đóng bảo hiểm. Biên bản làm việc chỉ ghi nhận lại những thông tin của khách hàng phản ánh và sẽ trả lời những thắc mắc cho khách hàng trong thời gian sắp tới.
Trước cách giải thích vẫn còn vòng vo, thiếu trách nhiệm của Công ty bảo hiểm Dai-Ichi, người dân tại đây nói họ không còn tin tưởng vào bảo hiểm Dai-Ichi nữa, nếu biết trước và được tư vấn rõ ràng ngay từ đầu như thế này thì không ai mua bảo hiểm. Người dân cho biết thêm, chúng tôi sẽ cùng nhau ký vào đơn để khởi kiện vụ việc này.
Người dân trong buổi làm việc với Công ty Dai-Ichi (ảnh cắt từ video). |
Khách hàng có được đình chỉ hợp đồng bảo hiểm hay không?
Trong Khoản 1 điều 19 Luật kinh doanh bảo hiểm năm 2000 quy định: “Khi giao kết hợp đồng bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm có trách nhiệm cung cấp đầy đủ thông tin liên quan đến hợp đồng bảo hiểm, giải thích các điều kiện, điều khoản bảo hiểm cho bên mua bảo hiểm; bên mua bảo hiểm có trách nhiệm cung cấp đầy đủ thông tin liên quan đến đối tượng bảo hiểm cho doanh nghiệp bảo hiểm. Các bên chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực của thông tin đó. Doanh nghiệp bảo hiểm có trách nhiệm giữ bí mật về thông tin do bên mua bảo hiểm cung cấp”.
Theo điểm c, Khoản 1, Điều 18 Luật kinh doanh bảo hiểm năm 2000: “Người mua bảo hiểm có quyền đính chỉ hợp đồng trong trường hợp doanh nghiệp bảo hiểm cố ý cung cấp thông tin sai sự thật nhằm giao kết hợp đồng bảo hiểm thì bên mua bảo hiểm có quyền đơn phương đình chỉ thực hiện hợp đồng bảo hiểm; doanh nghiệp bảo hiểm phải bồi thường thiệt hại phát sinh cho bên mua bảo hiểm do việc cung cấp thông tin sai sự thật”.
Vậy tư vấn viên của Công ty Bảo hiểm Dai – Ichi đã tư vấn cho khách hàng đã đúng quy định hay chưa? Có phải họ có ý tư vấn sai để ký kết hợp đồng hay không? Nếu những phản ánh của khách hàng là sự thực thì có sai phạm hay không và ai là người chịu trách nhiệm.
Cơ quan chức năng sẽ thực hiện chức năng giám sát và quản lý về hoạt động của các công ty bảo hiểm khi xảy ra các tranh chấp, khiếu nại là như thế nào?
Liên quan tới các vấn đề này Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm cũng đã có ý kiến như sau:
– Theo quy định tại Điều 3 Thông tư 50/2017/TT-BTC quy định về nguyên tắc chung trong kinh doanh và khai thác bảo hiểm của doanh nghiệp bảo hiểm như sau:
1. Trung thực, công khai và minh bạch, tránh để khách hàng hiểu sai về sản phẩm, dịch vụ do doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài cung cấp.
2. Trước khi giao kết hợp đồng bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài phải tìm hiểu các thông tin cần thiết về khách hàng, cân nhắc khả năng tài chính và năng lực chuyên môn của mình, đảm bảo duy trì các nguồn lực tài chính, khả năng thanh toán và các hệ thống quản lý rủi ro; đảm bảo không phân biệt đối xử về điều kiện bảo hiểm và mức phí bảo hiểm giữa các đối tượng bảo hiểm có cùng mức độ rủi ro.
3. Tài liệu giới thiệu sản phẩm của doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài phải rõ ràng, phản ánh thông tin cơ bản tại quy tắc, điều khoản của sản phẩm bảo hiểm mà doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài được phép cung cấp, nêu rõ các quyền lợi bảo hiểm và loại trừ trách nhiệm bảo hiểm. Doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài chịu trách nhiệm cập nhật các tài liệu giới thiệu sản phẩm, tài liệu minh họa bán hàng và các tài liệu bán hàng khác của mình trong suốt thời gian sử dụng.
4. Khi giao kết hợp đồng bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài có trách nhiệm cung cấp đầy đủ thông tin liên quan đến hợp đồng bảo hiểm, giải thích các quy tắc, điều khoản bảo hiểm cho bên mua bảo hiểm. Bên mua bảo hiểm có trách nhiệm cung cấp đầy đủ thông tin liên quan đến đối tượng được bảo hiểm cho doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài.
– Ngoài những nguyên tắc chung tại quy định nêu trên, theo quy định tại Điều 4 Thông tư 50/2017/TT-BTC, doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ còn phải đảm bảo các nguyên tắc sau đây:
1. Tài liệu minh họa bán hàng cung cấp cho bên mua bảo hiểm:
a) Có sự chấp thuận của chuyên gia tính toán về các giả định dùng để tính toán trước khi sử dụng để cung cấp cho bên mua bảo hiểm;
b) Đối với những sản phẩm có giá trị hoàn lại, tài liệu minh họa bán hàng trình bày những điều kiện để được nhận giá trị hoàn lại và những quyền lợi, kèm theo số tiền cụ thể mà bên mua bảo hiểm được hưởng khi nhận giá trị hoàn lại, nêu rõ những quyền lợi này là có đảm bảo hay không có đảm bảo.
2. Giải thích rõ và đưa ra các yêu cầu cung cấp thông tin cụ thể cho bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm; tiếp nhận và lưu giữ thông tin do bên mua bảo hiểm hoặc người được bên mua bảo hiểm ủy quyền kê khai trên hồ sơ yêu cầu bảo hiểm.
3. Phân tích nhu cầu và khả năng tài chính của bên mua bảo hiểm để tư vấn cho bên mua bảo hiểm những sản phẩm bảo hiểm phù hợp.
4. Khi cấp đơn bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ phải thông báo cho bên mua bảo hiểm bằng văn bản những thông tin sau:
a) Thời hạn, kỳ đóng phí bảo hiểm, phương thức đóng phí (nếu có);
b) Tên, địa chỉ liên hệ của cá nhân hoặc đơn vị trực thuộc của doanh nghiệp bảo hiểm chịu trách nhiệm việc giải quyết khiếu nại, thắc mắc, tranh chấp liên quan đến việc giao kết, thực hiện và chấm dứt hợp đồng bảo hiểm của khách hàng;
c) Trách nhiệm cung cấp thông tin đầy đủ, trung thực và chính xác; những thay đổi cần thông báo ngay cho doanh nghiệp bảo hiểm;
d) Quyền lợi bảo hiểm của sản phẩm; các điểm loại trừ trách nhiệm bảo hiểm và các trường hợp khác phải lưu ý;
đ) Việc giao kết các hợp đồng bảo hiểm bổ trợ kèm theo các hợp đồng bảo hiểm chính không phải là điều kiện bắt buộc để duy trì hiệu lực của hợp đồng bảo hiểm chính;
e) Đối với các sản phẩm bảo hiểm có giá trị hoàn lại, hợp đồng bảo hiểm nhân thọ phải nêu rõ thời điểm có giá trị hoàn lại;
g) Doanh nghiệp bảo hiểm được quyền khấu trừ các khoản nợ chưa được hoàn trả trước khi thanh toán giá trị hoàn lại, trả quyền lợi bảo hiểm theo hợp đồng bảo hiểm.
Theo Kinh doanh và Pháp luật