Hà Nội, Chủ nhật Ngày 15/09/2024

Những dự án chỉ định thầu trăm tỷ tại VNPT Net

TDVN 14:34 05/04/2020

Kết quả chỉ định thầu tại Tổng Công ty Hạ Tầng mạng - VNPT Net (thuộc Tập đoàn Bưu chính Viễn Thông Việt Nam - VNPT) của các dự án mua sắm thiết bị vô tuyến với giá trị lên tới hàng trăm tỷ đồng.

Điều dư luận quân tâm là chủ đầu tư này thường xuyên áp dụng những hình thức lựa chọn nhà thầu đặc biệt như chỉ định thầu mà hiếm khi áp dụng các hình thức đấu thầu công khai để tăng tính cạnh tranh trong hoạt động mua sắm hàng hoá của doanh nghiệp mình, nhất là VNPT Net là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước.

Khó hiểu lý do chỉ định thầu?

Cuối năm 2016 và những tháng đầu năm 2017, với lý do mở rộng kinh doanh, VNPT Net tiến hành tổ chức đấu thầu 06 gói thầu thiết kế và cung cấp thiết bị vô tuyến thuộc các dự án phát triển mạng Vinaphone gồm: 1. Dự án phát triển mạng vô tuyến 07 tỉnh miền Trung giai đoạn 2016-2017; 2. Dự án phát triển mạng vô tuyến các tỉnh phía Bắc mạng Vinaphone giai đoạn 2016-2017; 3. Dự án phát triển mạng vô tuyến khu vực TP.HCM mạng Vinaphone giai đoạn 2016-2017; 4. Dự án phát triển mạng vô tuyến 06 tỉnh phía Nam mạng Vinaphone giai đoạn 2016-2017; 5. Dự án phát triển mạng vô tuyến các tỉnh trọng điểm phía Nam mạng Vinaphone giai đoạn 2016 – 2017; và 6. Dự án phát triển mạng vô tuyến tại TP.Hà Nội mạng Vinaphone giai đoạn 2016 – 2017.

Các nhà thầu trúng thầu lần lượt gồm Liên danh ZTE corporation và Công ty Cổ phần dịch vụ kỹ thuật viễn Thông (TST) với giá trúng thầu 24.182.160.084 VND+2.578.010,52 USD (gói thầu số 1); Liên danh Huawei Technologies Co Ltd và CT-IN với giá trúng thầu 65.305.802.400VND+8.148.081,10USD (gói thầu số 2); Liên danh Ericsson AB và công ty tư vấn chuyển giao công nghệ ITC với giá trúng thầu 88.569.800.000 VND+11.102.294,83 USD (với gói thầu số 3); Liên danh Nokia solutions and networks OY, Nokia solutions and Networks Technical service VN company và Vietnam post and telecommunication industry technology joint Stock company với giá trúng thầu 106.976.779.000+10.124.463,71 USD (gói thầu số 4); Liên danh Nokia solutions and networks OY, Nokia solutions and Networks Technical service VN company và Vietnam Post and telecommunication industry Technology joint Stock company với giá trúng thầu 192.627.234.868 VND + 20.706.952,82 USD (gói thầu số 5); Liên danh Nokia solutions and networks OY (đứng đầu liên danh), Nokia solutions and Networks Technical service VN company và Vietnam post and telecommunication industry technology joint Stock company (gói thầu số 6).

Theo tài liệu mà PV có được, mặc dù các gói thầu trên đều là gói thầu thuộc các dự án phát triển mạng lưới của VNPT và VNPT Net, có cùng một tính chất (gói thầu hỗn hợp), cùng một nội dung và phạm vi công việc (thiết bị vô tuyến) trong khi áp dụng đấu thầu hạn chế đối với các gói thầu số 1, 2, 4, gói thầu số 6 (mua sắm trực tiếp); nhưng không hiểu vì lý do gì VNPT Net lại áp dụng chỉ định thầu quốc tế đối với Gói thầu số 03 thuộc dự án phát triển mạng vô tuyến khu vực TP.HCM.

Một chi tiết cũng cần lưu ý, nhà thầu trúng thầu gói thầu số 3 thông qua hình thức chỉ định thầu quốc tế là liên danh Ericsson AB và công ty tư vấn chuyển giao công nghệ ITC cũng trúng rất nhiều gói thầu mua sắm thiết bị vô tuyến tại các dự án do VNPT Net là chủ đầu tư, đặc biệt là nhà thầu nước ngoài Ericsson AB. Và các gói thầu mà nhà thầu này trúng thầu chủ yếu thông qua hình thức chỉ định thầu quốc tế.

Giải thích về lý do chỉ định thầu cho nhà thầu Ericsson AB trúng hàng loạt gói thầu mua sắm thiết bị vô tuyến (đối với các gói thầu hỗn hợp và mua sắm hàng hoá) nói riêng, và với các gói thầu trang bị thiết bị vô tuyến nói chung, đại diện VNPT Net cho rằng, việc áp dụng chỉ định thầu đối với các dự án cung cấp thiết bị vô tuyến, “đối với thiết bị vô tuyến mạng 2G, 3G, 4G trên toàn thế giới chỉ có 4 nhà sản xuất và cung cấp thiết bị bao gồm Ericsson, Huawei, Nokia và ZTE (Samsung và một số hãng Nhật Bản cung cấp thiết bị chỉ dùng nội địa với tiêu chuẩn riêng). Trên mạng Viettel hay Mobifone cũng như Vinaphone chỉ có thiết bị của 4 hãng cung cấp này. Do vậy các dự toán mua sắm này được thực hiện theo hình thức chỉ định thầu quốc tế là hoàn toàn tuân thủ theo qui định hiện hành”.

Tuy nhiên, nếu căn cứ vào giải thích trên của đại diện VNPT Net thì vì sao VNPT Net lại chỉ định thầu đối với Gói thầu số 3 để nhà thầu liên danh Ericsson AB và công ty tư vấn chuyển giao công nghệ ITC trúng thầu, trong khi VNPT Net không áp dụng chỉ thầu đối với 05 gói thầu còn lại?

Hơn thế nữa, trong danh sách ngắn nhà thầu tham dự nhiều gói thầu đấu thầu hạn chế, VNPT Net vẫn tiếp tục lựa chọn nhà thầu Ericsson AB để tham gia đấu thầu cùng một số nhà thầu khác. Và VNPT Net phê duyệt Ericsson AB trúng thầu gói thầu số 3 thông qua hình thức chỉ định thầu chỉ cách thời điểm Ericsson AB được VNPT Net lựa chọn vào danh sách ngắn nhà thầu tham gia dự thầu các gói thầu hạn chế chỉ ít ngày.

Theo điểm h mục 4 Thông tư 10/2015/TT-BKH ngày 26/10/2015 quy định chi tiết về kế hoạch lựa chọn nhà thầu, nghiêm cấm việc áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu không phải là hình thức đấu thầu rộng rãi khi không đủ điều kiện theo quy định của Luật đấu thầu số43/2013/QH13.

Nếu căn cứ vào quy định trên, việc áp dụng chỉ định thầu để nhà thầu Ericsson AB trúng thầu đã đúng quy định với Luật Đấu thầu chưa? Trong khi 06 gói thầu được VNPT tổ chức lựa chọn nhà thầu thuộc những dự án đầu tư phát triển rất quan trọng của VNPT nói chung và VNPT Net nói riêng.

Vì sao tổ chức đấu thầu quốc tế?

Chỉ thị số 13/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 4/4/2017 về việc tăng cường sử dụng vật tư, hàng hóa sản xuất trong nước trong công tác đấu thầu các dự án đầu tư phát triển và hoạt động mua sắm thường xuyên sử dụng vốn nhà nước quy định rõ: Trường hợp hàng hóa thông dụng, đã được nhập khẩu và chào bán tại Việt Nam thì không được tổ chức đấu thầu quốc tế.

Chỉ thị 13 cũng quy định, trong trường hợp gói thầu áp dụng đấu thầu quốc tế thì trong hồ sơ mời thầu cần quy định rõ: Nhà thầu nước ngoài khi tham dự thầu phải liên danh với nhà thầu trong nước hoặc sử dụng nhà thầu phụ trong nước, trừ trường hợp nhà thầu trong nước không đủ năng lực tham gia vào bất kỳ phần công việc nào của gói thầu.

Tuy nhiên, năm 2018, trong số các gói thầu về cung cấp trang thiết bị hệ thống vô tuyến do VNPT Net làm chủ đầu tư, có ít nhất 2 gói thầu mà nhà thầu trong nước đã trúng thầu với tư cách nhà thầu độc lập thông qua chỉ định thầu quốc tế. Cụ thể: Gói thầu "Thiết kế kỹ thuật và cung cấp hệ thống vô tuyến khu vực 18 tỉnh miền bắc mạng Vinaphone năm 2018” thuộc dự án Mở rộng mạng vô tuyến khu vực khu vực 18 tỉnh miền Bắc mạng Vinaphone năm 2018. Nhà thầu trúng thầu: Công ty cổ phần viễn thông tin học Bưu điện (Quyết định số 638/QĐ-VNPTNET-KHDT-PTM ngày 27/3/2018).

Gói thầu "Cung cấp hệ thống vô tuyến” thuộc dự án Trang bị thiết bị vô tuyến phục vụ phát triển nóng khu vực 18 tỉnh miền Bắc mạng Vinaphone năm 2018”. Nhà thầu trúng thầu: Công ty cổ phần viễn thông tin học Bưu điện (Quyết định số 169/ QĐ-VNPTNET-KHDT-PTM ngày 16/1/2019).

Ông Nguyễn Như Thông, Phó Tổng Giám đốc VNPT Net cho biết về các quyết định phê duyệt Công ty cổ phần viễn thông tin học Bưu điện trúng thầu 02 gói thầu trên mà không phải là nhà “thầu ngoại” trúng thầu, là do khi VNPT Net (bên mời thầu) gửi thư mời nhà thầu liên danh Huawei_CTIN (Công ty cổ phần viễn thông tin học Bưu điện) tham dự. Hãng Huawei gửi thư ủy quyền cho CTIN thực hiện các gói thầu trên, giấy phép bán hàng hệ thống thiết bị Huawei chính hãng cùng các cam kết hỗ trợ từ nhà sản xuất. Trên cơ sở đánh giá hồ sơ năng lực, kinh nghiệm của nhà thầu CTIN đảm bảo thực hiện gói thầu và đề xuất miễn phí các chi phí liên quan đến nhập khẩu, vận chuyển và bảo hiểm thiết bị từ cảng về kho của VNPT Net. VNPT Net chấp thuận nhà thầu CTIN thực hiện gói thầu với tư cách độc lập.

Tuy nhiên, theo Luật sư Lê Văn Chước, Công ty Luật Minh Gia, Điều 43 Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13 quy định nhà thầu cung cấp dịch vụ phi tư vấn, mua sắm hàng hóa, xây lắp, hỗn hợp được xem xét, đề nghị trúng thầu khi đáp ứng đủ các điều kiện. Có hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất hợp lệ; Có năng lực và kinh nghiệm đáp ứng yêu cầu; Có đề xuất về kỹ thuật đáp ứng yêu cầu.

Bên cạnh đó, Điều 55 Nghị định 63/2014/NĐ – CP quy định về Quy trình chỉ định thầu thông thường có quy định rất rõ: Đối với trường hợp gói thầu áp dụng hình thức chỉ định thầu thì nhà thầu được đề nghị chỉ định thầu phải có đủ năng lực, kinh nghiệm thực hiện gói thầu, có tư cách hợp lệ đáp ứng các điều kiện theo quy định tại khoản 1, Điều 5 Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13 trừ quy định về bảo đảm cạnh tranh trong đấu thầu theo quy định tại Điều 6 Luật Đấu thầu.

Thực tế là CTIN đã được VNPT Net phê duyệt trúng thầu tại các quyết định số 638/QĐ-VNPTNET-KHDT-PTM ngày 27/3/2018; Quyết định số 169/ QĐ-VNPTNET-KHDT-PTM ngày 16/1/2019. Nội dung bao gồm cả phần thiết kế và cung cấp thiết bị, được VNPT Net phê duyệt với tư cách nhà thầu độc lập.

Với kết quả trúng thầu trên, vì sao VNPT Net vẫn khẳng định nhà thầu “nội” không đáp ứng được năng lực và kinh nghiệm nên vẫn phải tổ chức đấu thầu quốc tế?

Theo VietQ

Link gốc : http://vietq.vn/nhung-du-an-chi-dinh-thau-tram-ty-tai-vnpt-net-d159377.html

Bạn đang đọc bài viết Những dự án chỉ định thầu trăm tỷ tại VNPT Net tại chuyên mục Pháp luật. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Pháp luật