Hà Nội, Thứ Bảy Ngày 20/04/2024

“Vén màn” bí mật công trường khai thác cát núp bóng dự án nạo vét

Nguyễn Triệu 06:18 30/04/2020

Sự thật bên trong của công trình “nạo vét” tại huyện Duy Xuyên (tỉnh Quảng Nam) khiến ai cũng phải giật mình về cái gọi là “quy trình” hoàn hảo của nó để ra con số tiền hàng chục tỷ đồng.

Nạo vét khơi thông dòng chảy… nhưng chỉ ở bờ sông?

Trước đó, Tòa soạn Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử đã phản ánh qua bài viết “Quảng Nam: “Đại công trường khai thác cát “núp” bóng dự án nạo vét?” đang xảy ra ở huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam thời gian qua khiến dư luật bất bình và đặt câu hỏi về tính nghiêm minh của dự án mang tên “Nạo vét khơi thông dòng chảy khu vực hạ lưu cầu Chìm huyện Duy Xuyên”.

Điều khá rõ ràng là bất kể một người dân bình thường cũng nhận ra sự “nạo vét” khá kỳ lạ, bởi các ghe bơm cát từ sông lên bờ không “nạo vét” ở khu vực giữa sông mà chỉ “nạo vét” hai bên bờ sông với công suất hết cỡ để đưa hàng ngàn khối cát lên bờ.

Tại sao lại không “nạo vét” khu vực giữa sông để lưu thông dòng chảy, hay do khu vực giữa sông chỉ là cát bẩn, cát sạn không phục vụ được cho các nhà máy trạm trộn bê tông và các công trình xây dựng?.

Nạo vét khai thông dòng chảy ở "bờ".
Các cơ quan chức năng cần vào cuộc kiểm tra cos độ sâu và phạm vi được phép nạo vét.

Thậm chí, những ghe hút cát nằm ngay bờ kè sông để “nạo vét” và ai dám khẳng định là với trận mưa lớn nước chảy siết thì bờ kè sông có hàng trăm hộ dân đang sinh sống gần đó và đặc biệt công trình khu thương mại-dịch vụ và dân cư cầu chìm sẽ đảm bảo bảo an toàn?.

Những sự việc trên với vai trò trách nhiệm của UBND huyện Duy Xuyên được UBND tỉnh Quảng Nam giao nhiệm vụ tổ chức kiểm tra, giám sát hoạt động khai thác, vận chuyển… có biết các ghe hút cát của Công ty CP Xây dựng phát triển công nghệ Thanh Quảng hút cát có đúng về độ sâu điểm đầu là -2,4m, điểm cuối là -2,63m theo quy định hay không? Khi mà đang bơm hàng ngàn khối cát ngay chân bờ kè để đưa cát lên trên bờ?.

Hàng ngàn khối cát được đưa lên bờ mỗi ngày.

Chưa nói gì đến từ máy múc, ghe hút cát, xe vận chuyển đều vượt quá cho phép so với chỉ đạo của UBND tỉnh Quảng Nam, câu hỏi này dành cho UBND huyện Duy Xuyên với vai trò tổ chức kiểm tra, giám sát hoạt động khai thác, vận chuyển…

Cái “bắt tay” bỏ túi gần 40 tỷ?

Bởi sự “bắt tay” không qua hình thức đấu thầu là UBND huyện xin chủ trương và Công ty CP Xây dựng phát triển công nghệ Thanh Quảng đóng trên địa bàn tỉnh Quảng Nam “đề nghị” xin làm dự án.

Nhưng điều khiến dư luận quan tâm là 19/12/2018 UBND huyện Duy Xuyên do ông Nguyễn Công Dũng khi đó là Chủ tịch UBND huyện (nay là Bí thư Huyện ủy) có tờ trình xin UBND tỉnh Quảng Nam phê duyệt dự án “Nạo vét khơi thông dòng chảy khu vực hạ lưu cầu Chìm với kinh phí dự tính là 6.930.920.024 đồng (Sáu tỷ chín trăm ba mươi triệu, chín trăm hai mươi ngàn, không trăm hai tư đồng) và đề xuất thực hiện dự án 12 tháng, tổng khối lượng nạo vét khoảng 212,246,3 mét khối cát, kinh phí thực hiện là tận thu để bù trừ chi phí thực hiện.

Các loại xe 30 tấn sai với quy định 10 tấn vẫn ngang nhiên vào chở cát ra ngoài.

Để tìm hiểu rõ vụ việc, chỉ cần bỏ ra hơn 6 tỷ là có thể vô tư “nạo vét” với khối lượng cát lớn mỗi ngày thu về hàng trăm triệu đồng.

PV trong vai một nhà xây dựng cần mua một ngàn khối cát/ngày thì được một người đàn ông điều tiết xe tại “mỏ” nạo vét cát khẳng định: “Ngày một ngàn khối dư sức, có ba bến cát mà, hàng ngày vẫn bán ngàn khối được mà...”.

Tiếp tục tìm hiểu, PV Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử đã liên hệ với các nhà xe đang vận chuyển cát tại “bến” nạo vét thì các nhà xe đều cho biết, họ chỉ là vận chuyển thuê cát từ “bến” nạo vét ở cầu Chìm đến các trạm trộn bê tông và các công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.

Để xác minh vụ việc, PV trong vai người mua cát đã liên hệ với một người tên Tuấn được cho là quản lý tại khu vực nạo vét để mua cát, thì ông Tuấn cho biết cát ở đây là cát xây dựng và trộn được bê tông, còn giá thì ông Tuấn cho rằng đến nhà ông làm việc giá.

Nhưng theo xác minh của PV từ một người đang làm trong công trường “nạo vét” thì giá cát xây dựng bán tại “mỏ” là 125 ngàn đồng/ khối.

Cả một đoạn sông các ghe hút cát đều đang "nạo vét" ở bờ sông.

Theo xác minh của PV, thì Công ty CP Xây dựng phát triển công nghệ Thanh Quảng đã nộp thuế cho việc “nạo vét” này là hơn 01 tỷ và hợp đồng phải nộp vào ngân sách UBND huyện Duy Xuyên 5 tỷ (chưa nộp-PV), tổng cộng mới hơn 6 tỷ đồng mà mỗi ngày bán hàng ngàn khối cát với giá hơn 100 ngàn đồng/khối thì sau 12 tháng dự án “nạo vét” này sẽ đem về gần 40 tỷ đồng cho đơn vị “nạo vét”?.

Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng của UBND tỉnh Quảng Nam cần vào cuộc xác minh làm rõ việc khai thác tài nguyên khoáng sản vô tội vạ tại dự án “Nạo vét khơi thông dòng chảy khu vực hạ lưu cầu Chìm huyện Duy Xuyên” về diện tích khai thác, có hút cát cho phép và số lượng máy múc, máy hút, xe vận chuyển đều đang sai với quy định cho phép của UBND tỉnh chỉ đạo.

Theo Môi Trường Đô Thị

Link gốc : /ven-man-bi-mat-cong-truong-khai-thac-cat-nup-bong-du-an-nao-vet-

Bạn đang đọc bài viết “Vén màn” bí mật công trường khai thác cát núp bóng dự án nạo vét tại chuyên mục Pháp luật. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Pháp luật