Ngày 28/10, Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) tổ chức Hội thảo tham vấn cho dự thảo Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021-2030, với chủ đề “Quan điểm, mục tiêu, các đột phá chiến lược và định hướng phát triển khu vực kinh tế tư nhân, doanh nghiệp ngoài nhà nước đến năm 2030”.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho hay, theo “Sách trắng doanh nghiệp Việt Nam 2020”, tính tới cuối năm 2019, Việt Nam có hơn 758 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động, bên cạnh đó là hơn 5 triệu hộ kinh doanh. Tuyệt đại đa số doanh nghiệp Việt Nam hiện nay có quy mô siêu nhỏ, nhỏ và vừa (97,2%). Trong số này, doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ chiếm 93,7% (doanh nghiệp siêu nhỏ lại chiếm tới 62,6%).
Theo bà Phạm Chi Lan, khu vực kinh tế tư nhân có quy mô nhỏ, nguồn lực tự có khan hiếm, khó chuyên môn hóa… Đặc biệt tốc độ chuyển dịch từ hộ gia đình lên doanh nghiệp, từ phi chính thức sang chính thức… còn chậm.
“Nhiều người tham gia kinh doanh với mục đích kiếm đủ, lại không có niềm tin năng lực kinh doanh, môi trường kinh doanh và sự bảo vệ của pháp luật còn hạn chế khiến họ không tự lớn, không muốn lớn lên”, bà Lan nhấn mạnh.
Cũng liên quan đến vấn đề này, TS Nguyễn Đình Cung cho rằng, doanh nghiệp tư nhân Việt Nam không lớn lên được và sợ lớn. Điều đó là do thể chế và phân bố nguồn lực. Doanh nghiệp tư nhân không tiếp cận được nguồn lực khiến họ không lớn được.
“Việc tiếp cận nguồn lực hiện nay không công bằng. Những người có sáng kiến, dự án tốt, có khả năng phát triển tốt chưa chắc đã tiếp cận được nguồn lực. Vì vậy khó có khả năng phát triển mạnh”, TS Nguyễn Đình Cung nói.
Bên cạnh đó, bà Phạm Chi Lan cho rằng, các doanh nghiệp tư nhân hiện tại đang cạnh tranh không bình đẳng với doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Doanh nghiệp FDI được hưởng chính sách ưu đãi nhiều, lại không phải chịu các điều kiện như doanh nghiệp tư nhân trong nước.
"Doanh nghiệp tư nhân chịu đến hàng nghìn điều kiện kinh doanh và các quy định vô lý. Nếu doanh nghiệp FDI phải chịu những điều kiện như vậy thì họ đã rời khỏi Việt Nam lâu rồi", bà Lan khẳng định.