Theo công bố thông tin mà tỷ phú Trần Bá Dương vừa gửi UBCK Nhà nước, Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE), ông Dương và Công ty TNHH Sản xuất và Thương Mại Trân Oanh – nơi ông giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng thành viên, đã đồng loạt bán sạch hơn 19,8 triệu cổ phiếu HVG của Công ty CP Hùng Vương. Giao dịch được thực hiện trong ngày 2/7 vừa qua.
Cụ thể, ông Trần Bá Dương đã thoái toàn bộ 11,3 triệu cổ phiếu (4,96% vốn) và Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Trân Oanh cũng thoái toàn 8,6 triệu cp (3,79% vốn) tại HVG. Sau giao dịch, ông Dương và công ty liên quan không còn là cổ đông của HVG.
Trước đó vào đầu tháng 4/2021, ông Nguyễn Phúc Thịnh, Ủy viên HĐQT cũng đã bán ra 36,62 triệu cổ phiếu nhằm cơ cấu lại tài chính cá nhân. Theo đó, ông Thịnh không còn là cổ đông lớn HVG sau khoảng 5 tháng đầu tư.
Về HVG, từng nổi trội là ‘tay chơi’ M&A khét tiếng trên thị trường, việc chạy đua huy động vốn đã khiến HVG lao đao, kể từ năm 2015 (khi toàn ngành thủy sản gặp khủng hoảng) cho đến thời điểm hiện tại. Bị từ chối giãn nợ bởi nhà băng, HVG giai đoạn 2018-2019 liên tục bán đứt những công ty con, liên kết nhằm duy trì hoạt động.
Sang năm 2020, Thaco chính thức đầu tư giải cứu HVG thông qua công ty con Thadi. Theo nội dung hợp tác chiến lược được ký vào ngày 9/1/2020, Thadi sẽ sở hữu 35% vốn HVG và nắm 65% vốn trong liên doanh giữa HVG và Thadi phát triển mảng sản xuất heo giống.
Về kết quả kinh doanh của Thủy sản Hùng Vương, báo cáo tài chính giai đoạn từ 2009 – 2019 cho thấy, việc sử dụng đòn bẩy tài chính quá lớn (vay nợ để mở rộng hoạt động kinh doanh, tài trợ cho các hoạt động đầu tư, M&A…) trong lúc tình hình thị trường cá tra không mấy thuận lợi đã khiến cho HVG phải trả giá đắt.
Các khoản nợ phải trả (chủ yếu là nợ ngắn hạn) không ngừng tăng, từ mức 2.014 tỷ đồng (2009), tăng lên tới 7.109 tỷ đồng (2019); trong đó, giai đoạn 2015-2017 là "khủng nhất", lần lượt là các con số: 11.138 tỷ đồng, 13.336 tỷ đồng và 11.378 tỷ đồng.
Gánh nặng nợ vay đã khiến sức chịu đựng của HVG cận kiệt, vì thế, thời điểm cuối năm 2017, HVG đã lần lượt bán vốn ở các công ty con có kết quả kinh doanh khả quan như: Bán hết hơn 54% vốn tại Công ty CP Thực phẩm Sao Ta (HOSE: FMC) cho nhóm cổ đông SSI, thu hồi về 487 tỷ đồng; thoái trên 50% vốn tại Công ty CP Thức ăn chăn nuôi Việt Thắng (VTF), thu hồi 501 tỷ đồng. Ngoài ra, HVG còn thanh lý loạt các dự án bất động sản và giải thể Công ty CP Địa ốc An Lạc.
Dù đã phải thoái vốn ở nhiều công ty con nhưng gánh nặng nợ vay vẫn tiếp tục đè nặng lên HVG. Tính đến năm 2019, HVG tiếp tục báo lỗ hơn ngàn tỷ (1.075 tỷ đồng), đây là con số lỗ cao nhất tính từ khi niêm yết của HVG. Kết quả đó khiến HVG phải ôm khoản lỗ lũy kế hơn 1.489 tỷ đồng (tính đến 30/9/2019).
"Khó khăn tài chính 3 năm liền HVG vấp phải là do chậm vốn từ ngân hàng. Do đó qua việc hợp tác với Thadi thì chúng tôi thay đổi cuộc chơi. Từ chỗ HVG nắm đàn heo thì Thadi lúc này sẽ nắm, vì vấn đề thiếu sót HVG nằm ở chỗ xây dựng chuồng trại. Lộ trình HVG-Thadi dự tới tháng 6/2020 có chuồng trại cho 18.000 con bố mẹ, kế hoạch tăng đàn bố mẹ năm 2020 dự lên đến 30.000-45.000 con.
Đáng lẽ chúng tôi đã làm được kế hoạch này 3 năm trước, nhưng do dòng vốn từ ngân hàng chậm trễ nên không thể làm, không được sự ủng hộ của ngân hàng dẫn đến cái ‘tham’ cái ‘muốn’ của tôi trở thành cái tai hại", ông Dương Ngọc Minh – Chủ tịch HVG - phát biểu tại Đại hội năm 2020.
Theo Doanh nhân Việt Nam