Hà Nội, Thứ Sáu Ngày 22/11/2024

Tập đoàn Trường Tiền: Đổi tên khó đổi vận

TDVN 15:17 28/06/2021

Tập đoàn Trường Tiền dự kiến đổi tên, chuyển hướng sang một số ngành nghề kinh doanh mới ngay trong năm 2021, tuy nhiên, kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp này lại chưa thấy điểm sáng nào.

Công ty vắng bóng chủ sở hữu

Theo kế hoạch, ngày 25/6, CTCP Tập đoàn Trường Tiền (mã MPT, UpCoM) tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2021. Nếu kỳ họp này diễn ra bất thành thì Trường Tiền sẽ tổ chức kỳ họp lần 2 vào ngày 2/7 hoặc lần 3 vào ngày 9/7.

Việc Hội đồng Quản trị “lo xa” như vậy là bởi, cơ cấu cổ đông hiện nay của Trường Tiền không có cổ đông lớn nắm quyền chi phối. Các thành viên Hội đồng Quản trị, Ban giám đốc đều đã thoái sạch vốn trước thời điểm chốt danh sách cổ đông tham dự đại hội thường niên.

Tình trạng doanh nghiệp không có cổ đông lớn, cổ đông chi phối không phải là điều mới lạ đối với các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường. Tuy nhiên, điều này khiến Hội đồng Quản trị trở thành người đi làm thuê, lợi ích không gắn chặt với lợi ích doanh nghiệp.

Tập đoàn Trường Tiền được thành lập năm 2008, tiền thân là Công ty cổ phần May Phú Thành, với vốn điều lệ ban đầu là 1,5 tỷ đồng. Kể từ khi niêm yết trên sàn HNX (tháng 1/2016), hoạt động kinh doanh của May Phú Thành duy trì ổn định, lãi sau thuế trong 2 năm 2016 và 2017 lần lượt là 5,8 tỷ đồng và 4 tỷ đồng.

Bước ngoặt đối với doanh nghiệp này bắt đầu từ khi nhóm của ông Lê Khánh Trình, cựu Chủ tịch Hội đồng Quản trị và hiện là Phó tổng giám đốc cùng 2 công ty có liên quan thâu tóm và trở thành cổ đông lớn vào năm 2018. Sau Đại hội đồng cổ đông bất thường ngày 18/11/2018, May Phú Thành đã đổi tên thành Tập đoàn Trường Tiền, mở rộng thêm nhiều lĩnh vực, hướng đến xây dựng thành tập đoàn cung cấp các sản phẩm đẳng cấp quốc tế và đa ngành nghề. Cũng trong năm 2018, Trường Tiền ghi nhận lãi sau thuế tăng cao, đạt 26,3 tỷ đồng. Tuy nhiên, lãi sau thuế của doanh nghiệp này đã giảm mạnh xuống còn 2,47 tỷ đồng vào năm 2019, dù doanh thu thuần tăng 40%, lên hơn 163 tỷ đồng.

Đáng chú ý là đến đầu quý IV/2020, ông Lê Khánh Trình và 2 doanh nghiệp liên quan đồng loạt thoái vốn nhằm mục đích cơ cấu lại danh mục đầu tư, giảm tỷ lệ sở hữu tại Trường Tiền xuống còn 0%. Trước ông Lê Khánh Trình, một số cổ đông lớn khác là các ông Bùi Cảnh Hoàng, Vũ Hoài Vũ, Bùi Việt Quân cũng đã thoái toàn bộ vốn tại thời điểm quý III/2020.

Ông Nguyễn Gia Khoa, Chủ tịch Hội đồng Quản trị hiện nay của Trường Tiền được bầu lên thay ông Lê Khánh Trình tại Đại hội đồng cổ đông bất thường cuối năm 2020, cũng đã thoái hết vốn tại Trường Tiền hồi cuối tháng 3/2021.

Thay vỏ, đổi tên

Báo cáo Hoạt động kinh doanh năm 2020 và kế hoạch kinh doanh năm 2021 mà Hội đồng Quản trị Tập đoàn Trường Tiền dự kiến trình bày tại kỳ đại hội tới đây cũng đã thừa nhận: “Do sự không ổn định về nhân sự cao cấp đã ảnh hưởng không nhỏ đến công tác điều hành công ty”.

Trong năm 2020, Trường Tiền ghi nhận doanh thu 13,9 tỷ đồng, giảm 91,5% so với năm 2019 và cách rất xa mục tiêu 190 tỷ đồng đề ra trước đó. Cũng trong năm 2020, Trường Tiền lỗ 1,1 tỷ đồng. Ngoài yếu tố khách quan là đại dịch Covid-19, nguyên nhân chủ yếu dẫn tới kết quả kinh doanh bết bát nói trên là bởi, doanh nghiệp đã không có kế hoạch để chuyển hướng kinh doanh sang lĩnh vực khác trước khi dừng toàn bộ hoạt động sản xuất truyền thống (may quần áo, bít tất), không thu hồi được các khoản phải thu và tạm ứng.

Trong báo cáo tài chính năm 2020 của Trường Tiền, đơn vị kiểm toán là Công ty TNHH Kiểm toán - Tư vấn Đất Việt lưu ý, do không thể chứng kiến kiểm kê hàng tồn kho, không thể xác định được khả năng thu hồi các khoản công nợ, dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của công ty.

Trong các tờ trình được đưa ra tại kỳ họp tới đây, Hội đồng Quản trị của Trường Tiền xin ý kiến cổ đông về việc đổi tên thành CTCP Tập đoàn MPT, đồng thời bổ sung một số ngành nghề kinh doanh mới, bao gồm bán buôn thực phẩm, máy móc thiết bị, bán lẻ thực phẩm, đồ uống, thuốc lá…

Đề ra phương hướng và kế hoạch hoạt động cho Công ty trong năm 2021, Hội đồng Quản trị cho biết, sẽ đẩy mạnh công tác thu hồi công nợ, tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư với các đối tác tiềm năng trong lĩnh vực bất động sản. Trường Tiền đặt mục tiêu doanh thu vỏn vẹn 6 tỷ đồng, lỗ 4,47 tỷ đồng trong năm 2021.

Trái ngược với phương hướng tưởng chừng sẽ giúp Trường Tiền thoát ra khỏi khó khăn, Công ty tiếp tục đưa ra kế hoạch kinh doanh năm 2021 kém khả quan. Ban lãnh đạo đều là những người đi làm thuê sẽ khiến cổ đông càng thêm lo ngại với tương lai của Trường Tiền.

Theo Kinh tế chứng khoán

Link gốc : https://kinhtechungkhoan.vn/tap-doan-truong-tien-doi-ten-kho-doi-van-96732.html

Bạn đang đọc bài viết Tập đoàn Trường Tiền: Đổi tên khó đổi vận tại chuyên mục Tập đoàn, cổ phần, tư nhân. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Tập đoàn, cổ phần, tư nhân