Ban Cán sự đảng UBND tỉnh Quảng Nam đã có văn bản gửi Sở Công thương và các cơ quan, liên quan đến quy hoạch các dự án thủy điện trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh thống nhất chủ trương các chủ đầu tư dự án thủy điện (đã được cấp Quyết định chủ trương đầu tư và đang thực hiện thủ tục đầu tư xây dựng, đang triển khai thi công) được tiếp tục thực hiện các thủ tục đầu tư xây dựng trên cơ sở phải vấn đề bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai phải được đảm bảo và giải quyết kịp thời các vấn đề phát sinh.
Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Công Thương sẽ làm theo chỉ đạo của Ban Cán sự Đảng làm việc với chủ đầu tư hai dự án thủy điện A Vương 5 và Sông Bung 3A. Yêu cầu chủ đầu tư hai dự án thực hiện cam kết, trong trường hợp không đảm bảo điều kiện đầu tư thì cơ quan quản lý các cấp có quyền đình chỉ, thu hồi và loại khỏi quy hoạch theo quy định.
Một công trình thủy điện tại Quảng Nam |
Ban Cán sự Đảng cũng chấp thuận chủ trương điều chỉnh, loại khỏi quy hoạch 6 dự án. Bao gồm A Vương 4, Sông Bung 3, Đăk Di 4, A Banh, Chà Vàl, Đăk Pring 2. Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương liên quan kiểm tra, rà soát kỹ các điều kiện, cơ sở pháp lý để thực hiện theo quy định hiện hành. Góp ý, tham mưu UBND tỉnh báo cáo HĐND tỉnh tại kỳ họp thứ 3, khóa X để xem xét theo thẩm quyền.
Được biết, quy hoạch thủy điện của tỉnh gồm 64 dự án, được phê duyệt từ năm 2007. Đến thời điểm hiện tại, đã có 22 dự án đi vào vận hành, 8 dự án đang thi công xây dựng, 16 dự án đang trong giai đoạn đầu tư. Các dự án thủy điện triển khai trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đã gây tranh cãi trong dư luận bởi xây dựng trên nền rừng tự nhiên, đồng nghĩa có thể kéo theo hậu quả nghiêm trọng.
Bên cạnh đó, một vài dự án còn vướng các sai phạm khác. Mới đây, vào ngày 23/6/2021, hai dự án thủy điện Đắk Di 1 và Đắk Di 2 đã bị Sở GTVT kiến nghị đình chỉ và xem xét dừng hoạt động. Bởi chủ đầu tư tự ý thi công các công trình đấu nối vào Quốc lộ 40B tại các vị trí độ dốc dọc lớn và đường cong nên gây nguy hiểm, không đảm bảo các điều kiện để tổ chức đấu nối tạm và lâu dài, gây nguy cơ tai nạn giao thông rất lớn.
Ngoài ra, còn dự án thủy điện gần 2000 nghìn tỷ tại địa phương này vẫn chưa thể hoạt động theo kế hoạch đã đề ra, bởi vướng giải phóng mặt bằng trong lòng hồ cho 18 hộ dân.
Trước loạt vấn đề phát sinh tại các dự án thủy điện về môi trường, an sinh xã hội, trong buổi họp báo về định hướng phát triển của tỉnh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam nói rằng địa phương sẽ không phát triển thêm thuỷ điện nào nữa.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam này còn khằng định rằng những dự thủy điện sẽ có bước phục hồi lại phần cây sinh thái nếu trong quá trình xây dựng gây ảnh hưởng đến rừng tự nhiên và sạt lở do quá trình mở các đường công vụ, ảnh hưởng hạ lưu và hệ thủy sinh.