Theo Reuters, dữ liệu từ bộ Y tế Thái Lan công bố ngày 4/8 cho thấy, nước này ghi nhận thêm 20.200 ca nhiễm và 188 trường hợp tử vong do đại dịch COVID-19 trong 24 giờ qua. Đây đều là số ca nhiễm và tử vong trong một ngày cao nhất kể từ khi dịch bệnh xuất hiện tại Thái Lan.
Hiện tại, Thái Lan có tổng cộng 672.385 ca nhiễm COVID-19 và 5.503 trường hợp tử vong.
Trung tâm Quản lý tình hình COVID-19 (CCSA) của Thái Lan hôm 2/8 thông báo gia hạn lệnh giới nghiêm từ 21h - 4h và các biện pháp hạn chế khắt khe khác tại thủ đô Bangkok cùng 28 tỉnh thêm 2 tuần nữa, bắt đầu từ ngày 3/8.
Ngoài ra, thêm 16 tỉnh sẽ bị đưa vào danh sách "vùng đỏ đậm hoặc vùng kiểm soát khắt khe và tối đa", nơi bị ảnh hưởng dịch COVID-19 nặng nhất ở Thái Lan. Các biện pháp hiện được áp dụng tại các vùng đỏ đậm, gồm hạn chế đi lại liên tỉnh, vẫn được duy trì.
CCSA dự kiến đánh giá lại tình hình dịch vào ngày 18/8 và không loại trừ khả năng tiếp tục gia hạn phong tỏa, giới nghiêm.
Dịch bệnh đã mang đến những ảnh hưởng tiêu cực trực tiếp đến nền kinh tế Thái Lan, đặc biết là ngành hàng không và du lịch.
Theo CCTV, hãng hàng không quốc gia Thái Lan (Thai Airways) ngày 3/8 thông báo rằng họ đã chào mời người mua đấu giá để bán 10 bất động sản ở những vị trí đắc địa của hãng, để có thể tiếp tục duy trì hoạt động.
Thai Airways đang đối mặt với "bài toàn kinh tế" khó khăn giữa đại dịch. Ảnh minh họa |
Thai Airways là một gã khổng lồ trong ngành hàng không Thái Lan và là một doanh nghiệp nhà nước lớn với lịch sử 60 năm. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, sự bành trướng mù quáng và quản lý yếu kém đã dẫn đến tình trạng thua lỗ liên tiếp nhiều năm.
Thêm vào đó, dịch COVID-19 bùng phát đã đẩy Thai Airways vào tình trạng tồi tệ hơn, với khoản nợ tích lũy vượt quá 330 tỷ baht (gần 230 nghìn tỷ đồng), trong đó có gần một nửa là chủ nợ nước ngoài.
Cuối tháng 5/2020, Thai Airways đã phải đệ đơn phá sản lên tòa án Phá sản Trung ương Thái Lan và đã được tòa án chấp thuận.
Phó Thủ tướng Thái Lan, Wissanu Krea-ngam khi đó cho biết, quyết định của tòa án đã giúp cho Thai Airways vẫn có thể tiếp tục tồn tại, đồng thời ngăn các chủ nợ kiện hãng hàng không này ở Thái Lan cũng như chỉ có thể nộp đơn kiến nghị doanh nghiệp này trả nợ.
Đến ngày 14/9 cùng năm, Tòa án Phá sản Trung ương Thái Lan đã chấp thuận cho Thai Airways tham gia quá trình tái tổ chức phá sản.
Tháng 6 vừa qua, Tòa án Phá sản Trung ương đã phê duyệt kế hoạch phục hồi của Thai Airways. Việc bán bất động sản nằm trong kế hoạch phục hồi, sau khi Thai Airways cũng bán một số máy bay của hãng trước đó.