"Vận đen"
RTW Retalwinds, hãng bán lẻ thời trang 102 tuổi tại Mỹ có công nợ hơn 166 tỷ với Công ty CP May Sông Hồng của Việt Nam vừa nộp đơn phá sản hôm đầu tuần này.
Sở hữu các thương hiệu như New York & Co., Fashion to Figure, Kate Hudson, Happy x Nature, hãng bán lẻ RTW Retalwinds phá sản cũng đồng nghĩa với "vận đen" đổ lên các nhà cung cấp nằm trong chuỗi cung ứng.
Trong hồ sơ xin phá sản, công ty liệt kê tổng tài sản trị giá khoảng 412 triệu USD và nợ xấp xỉ 400 triệu USD. Tình hình hoạt động bắt đầu khó khăn từ năm ngoái, khi doanh số giảm 7% và ghi nhận lỗ ròng xấp xỉ 62 triệu USD. Cao điểm dịch bệnh vào tháng 3/2020, Công ty phải tạm thời đóng cửa nhiều cửa hàng, dẫn đến khủng hoảng nghiêm trọng.
Tại Việt Nam, RTW Retalwinds là khách hàng truyền thống của Công ty cổ phần May Sông Hồng. Các đơn hàng từ RTW Retalwinds thông qua thương hiệu New York & Co năm ngoái đóng góp 13% tổng doanh thu của May Sông Hồng. Báo cáo cập nhật mới nhất vào 31/3/2020 của May Sông Hồng cho thấy, Công ty đang có khoản phải thu khách hàng 439 tỷ trong đó khoản phải thu của New York & Co là 166 tỷ đồng (chiếm 37,8% khoản phải thu khách hàng và chiếm 6,7% tổng tài sản của May Sông Hồng).
Khoản nợ phải thu của May Sồng Hồng tại New York & Co chiếm 166 tỷ đồng tính đến 31/3/2020. |
Lãnh đạo Công ty CP May Sông Hồng cũng xác nhận đối tác Mỹ đã thông báo phá sản, đồng thời cho biết, Công ty đang nỗ lực tham gia vào quá trình giải quyết thủ tục phá sản của Toà án Mỹ để thu hồi các khoản phải thu với New York & Co và cập nhật các thông tin về kết quả giải quyết khi có thông báo chính thức.
May Sông Hồng hợp tác với RTW Retalwinds theo phương thức FOB, có nghĩa là cung ứng hàng hóa theo kiểu mua đứt bán đoạn. Các doanh nghiệp thực hiện hợp đồng sẽ tham gia vào khâu tìm nguồn cung ứng đầu vào hoặc nhập nguyên liệu từ một số đơn vị do đối tác chỉ định. Phương thức FOB cũng đóng góp 60% doanh thu cho May Sông Hồng với thị trường xuất khẩu chính là Mỹ.
RTW Retalwinds không phải hãng bán lẻ duy nhất lâm vào cảnh phá sản trước "cơn bão" Covid-19. Vài tháng trước, nhà bán lẻ hàng dệt may hàng đầu của Mỹ là JC Penney cũng đệ đơn xin phá sản.
Được thành lập năm 1902, JC Penney là chuỗi cửa hàng bán lẻ tên tuổi ở Mỹ. Tính đến tháng 2 vừa qua, JCPenney có khoảng 90.000 nhân viên và gần 850 cửa hàng trên khắp nước Mỹ. Do tình hình kinh doanh ngày một khó khăn, JCPenney không thể trụ nổi lại trên thị trường.
Đối tác phá sản đã kéo theo hệ lụy dây chuyền trong chuỗi sản xuất, điều này như một lẽ tất yếu. Nếu DN của Việt Nam đã bán hàng, giao hàng thành công mà đối tác ngoại chưa thanh toán hết tiền thì phải tham gia vào thủ tục tuyên bố phá sản của tòa án nước sở tại.
Đơn cử, năm 2018, khi hãng bán lẻ Sears Holdings của Mỹ phá sản, Công ty CP Dệt may – Đầu tư Thương mại Thành Công (TCM) có giao dịch với 2 công ty con của Công ty Sears là Roebuck & Co và Công ty Kmart Corporation đã bị thiệt hại khoản tiển lớn, trong đó khoản nợ phải thu từ Công ty Sears, Roebuck & Co là 63,86 tỷ đồng và từ Kmart Corporation là hơn 37 tỷ đồng.
Đến cuối năm 2019, số nợ phải thu được ghi nhận tại 2 công ty trên hầu như không thay đổi, tổng cộng hơn 100 tỷ đồng. Mới nhất tại Báo cáo tài chính quý 1/2020 của dệt may Thành Công, số nợ phải thu từ 2 công ty thuộc Sears Holdings vẫn còn nguyên. Điều này cho thấy kết quả là Dệt may Thành Công đã bị mất trọn khoản tiền nêu trên khi đối tác bị phá sản.
Khủng hoảng chưa dừng lại
Giống như nhiều ngành sản xuất khác, ngành dệt may đã "ngấm đòn" dịch bệnh, xuất khẩu 6 tháng chỉ đạt 12,8 tỷ USD, giảm 15,5% so với cùng kỳ. Cộng cả xơ sợi, vải, nguyên phụ liệu, tổng kim ngạch xuất khẩu chỉ đạt 15,5 tỷ USD.
Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Vitas nhận định, tình trạng sẽ còn khó khăn hơn nữa ở quý III và còn tiếp tục kéo dài sang năm 2021, kim ngạch xuất khẩu toàn ngành năm nay dự kiến sẽ chỉ đạt khoảng 32 tỷ USD, giảm 7 tỷ USD so với thực hiện của năm 2019 và hụt 10 tỷ USD so với kế hoạch đề ra từ đầu năm.
“Nếu đến tháng 12/2020 thế giới không kiểm soát được đại dịch, nhu cầu may mặc toàn cầu sẽ giảm sâu vào cuối năm 2021. Kỳ vọng kiểm soát được thì có thể nghĩ đến khả năng hồi phục vào cuối Quý 4/2021 và ảnh hưởng vẫn còn kéo sang năm 2022. Đại dịch chắc chắn sẽ vẫn là thách thức trong vòng 2 năm tới”, ông Giang nhấn mạnh.
Cơ cấu công nợ phải thu của khách hàng tại May Sông Hồng, New York & Co chiếm 166 tỷ đồng tại thời điểm 31/3/2020. |
Nhu cầu tiêu dùng xuống thấp, dòng chảy thương mại bị tắc nghẽn do bán lẻ chưa được mở lại tại nhiều thị trường lớn như Mỹ, EU…, doanh nghiệp lớn, nhỏ đều không đứng ngoài sự sụt giảm kinh doanh.
Thị trường xuất khẩu chủ lực là Mỹ đang có sức mua hàng may mặc xuống thấp, đơn hàng ít, khiến doanh thu của Công ty CP May Sông Hồng (Mã Ck: MSH) sụt giảm rất mạnh. Doanh thu quý I giảm 3,4% so với cùng kỳ, xuống 939,5 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế gần 62 tỷ đồng, giảm 28,6%.
Trong năm nay, May Sông Hồng đặt kế hoạch 3.200 tỷ doanh thu (giảm 27%) và lợi nhuận trước thuế đạt 250 tỷ đồng (giảm 54%).
Hiện Sông Hồng vẫn cầm cự được nhưng từ giờ đến cuối năm rất đáng lo ngại trong bối cảnh thị trường Mỹ vẫn đang oằn mình chống dịch, các hoạt động bán lẻ bị gián đoạn.
Ngành may mặc vốn hoạt động theo chuỗi giá trị toàn cầu, một khi thị trường tiêu thụ lớn bị sụt giảm thì bất kể mắt xích nào trong chuỗi đều bị tác động.
Hàng hoá dệt may chưa nằm ở mức thiết yếu cao như thực phẩm, thuốc men, các thiết bị bảo vệ con người… nhưng cũng thuộc nhóm các sản phẩm có nhu cầu thiết yếu. Chính vì vậy, sau khi đại dịch Covid-19 đi qua cũng sẽ là một trong các nhóm hàng hoá có thể phục hồi sớm. 3 yếu tố đo sự phục hồi của nhu cầu hàng dệt may là: Hoàn cảnh kinh tế, nhận thức, niềm tin và thái độ.
"Các mặt hàng cơ bản, giá rẻ sẽ phục hồi trước và chiếm tỷ lệ bán chính trong quý III, quý IV/2020, các doanh nghiệp có vị trí tốt hơn trong chuỗi cung ứng sẽ có đơn hàng trước.. Khả năng phục hồi các mặt hàng cao cấp phụ thuộc vào tiến trình tạo việc làm mới tại EU và Mỹ, nếu phục hồi tốt có thể hy vọng sự phục hồi mặt hàng cấp trung trở lên vào lễ Giáng sinh 2020", Vitas dự báo.
Theo Báo đầu tư