Hà Nội, Thứ Năm Ngày 12/12/2024

Xu hướng mua hàng Tết của người dân có sự thay đổi

TDVN 09:30 11/12/2024

Còn chưa đầy 2 tháng đến Tết Nguyên đán, nhiều doanh nghiệp đang gấp rút chuẩn bị hàng hóa phục vụ nhu cầu. Năm nay, người tiêu dùng thận trọng hơn, ưu tiên hàng thiết yếu với chi phí hợp lý.

Tích trữ hàng sớm, tăng khuyến mại

Ông Nguyễn Phúc Khoa - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (Vissan) - cho biết, doanh nghiệp đang khẩn trương chuẩn bị hàng hóa phục vụ dịp Tết năm nay, với sản lượng hàng hóa tăng khoảng 15% so với Tết năm ngoái.

Theo đó, doanh nghiệp dự kiến sẽ cung ứng ra thị trường dịp Tết năm 2025 khoảng 930 tấn thực phẩm tươi sống, 3.700 tấn thực phẩm; dự trữ thêm 10-20% sản lượng hàng hóa để dự phòng trường hợp khan hiếm hàng hóa.

Theo ông Khoa, cuối năm nay, do ảnh hưởng của thời tiết cực đoan, gây mất mùa và ảnh hưởng đến nguồn cung rau củ và trái cây. Nắm bắt được yếu tố này, doanh nghiệp lên kế hoạch chuẩn bị nguồn cung sớm hơn mọi năm.

"Hiện tại, doanh nghiệp đã bắt tay vào sản xuất một số mặt hàng có hạn sử dụng dài như thực phẩm đóng hộp, còn những mặt hàng có hạn sử dụng ngắn và cuốn chiếu dần dần. Đặc biệt, với thịt lợn, trong năm nay do chịu tác động của dịch tả lợn châu Phi và ảnh hưởng của cơn bão số 3, có lúc giá lợn tăng cao, song doanh nghiệp cam kết cung ứng đủ với mức giá bình ổn trong dịp Tết", ông Khoa cho hay.

Doanh nghiệp tăng tốc chuẩn bị sớm hàng dịp Tết.

Đại diện siêu thị WinMart Thăng Long chia sẻ, hệ thống WinMart/WinMart+ đến thời điểm này đã chuẩn bị kỹ để đáp ứng nhu cầu hàng hóa trong những tháng cuối năm. Theo vị này, năm nay người tiêu dùng có xu hướng chi tiêu dè dặt và thận trọng hơn trước, do đó với các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, thực phẩm tươi sống và hàng hóa, siêu thị cam kết đảm bảo bình ổn giá.

Đặc biệt, để kích cầu mua sắm, siêu thị sớm triển khai nhiều chương trình ưu đãi dịp cuối năm để đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng. Riêng đối với thịt lợn, thịt gà và rau củ quả phục vụ dịp cuối năm và Tết Nguyên đán, hệ thống WinMart/WinMart+ đã đàm phán và làm việc với các nhà cung cấp từ 2-3 tháng trước Tết để thu mua sản lượng lớn.

Ông Nguyễn Ngọc Thắng - Phó Tổng Giám đốc Saigon Co.op - cho biết, các xưởng sản xuất, chế biến của công ty cũng đang tăng cường sản xuất, nhằm cung ứng ra thị trường gần 1.200 tấn thực phẩm tươi sống và 4.000 tấn thực phẩm chế biến cho hơn 120.000 điểm bán hàng trên cả nước.

Hệ thống siêu thị này cũng bày tỏ kỳ vọng sức mua dịp Tết tăng 20-30% so với sức mua các tháng trước đó, và đã lên kế hoạch dự trữ trị giá 10.000 tỷ đồng để đáp ứng nhu cầu.
Đại diện nhiều đơn vị bán lẻ đều khẳng định sẽ cung cấp đủ nguồn hàng phục vụ dịp cuối năm, cao điểm Tết, trong đó sẽ tính toán khuyến mại kéo dài đối với thịt, trứng, rau củ...

Hàng thiết thực, chi phí hợp lý lên ngôi

Nói về xu hướng lựa chọn hàng Tết năm nay, bà Nguyễn Phương Nga - Giám đốc Phát triển kinh doanh cấp cao, Công ty nghiên cứu thị trường Kantar Việt Nam - đánh giá, dù kinh tế Việt Nam đã hồi phục tích cực trong năm 2024 nhưng niềm tin tiêu dùng vẫn chưa hồi phục hoàn toàn. Tác động xấu của cơn bão Yagi vừa qua cũng khiến người tiêu dùng cân nhắc hơn trong chi tiêu.

Dự báo năm nay người tiêu dùng có xu hướng lựa chọn bộ quà thiết thực và chi phí hợp lý.

Theo bà Nga, các sản phẩm thiết yếu và hữu ích như đồ gia dụng, dụng cụ nấu ăn, sản phẩm chăm sóc cá nhân và thực phẩm đồ uống không cồn sẽ là những lựa chọn được người tiêu dùng ưu tiên trong mùa mua sắm Tết 2025.

Nghiên cứu của Kantar Việt Nam cũng chỉ ra rằng, tỷ trọng đóng góp của ngành hàng tiêu dùng nhanh trong 2 tháng trước Tết đang có dấu hiệu giảm dần qua từng năm, do người tiêu dùng có xu hướng đơn giản hóa những thủ tục ngày Tết.

"Người tiêu dùng không còn chờ tới Tết mới mua sắm như trước kia nên việc lựa chọn các sản phẩm sẽ trở nên đơn giản hơn. Đại diện các doanh nghiệp cần nắm bắt được xu hướng này và phát triển sản phẩm phù hợp”, bà Nga nhận định.

Bà Vũ Kim Hạnh - Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao - đánh giá, hiện tại, các doanh nghiệp đều thực hiện chương trình khuyến mại rất rộng, nhưng thị trường bán lẻ năm nay được đánh giá khó đoán hơn những năm trước và xu hướng hành vi người tiêu dùng thay đổi nhanh chóng.

Theo bà Hạnh, trong mùa mua sắm Tết 2025, các đơn vị sản xuất kinh doanh không thể chủ quan trong cạnh tranh thị phần và phải bám sát thị trường mới có thể tăng doanh số như kỳ vọng. Do đó, để nâng cao năng lực cạnh tranh mùa mua sắm Tết, ngoài việc cải thiện chất lượng, ưu đãi về giá, doanh nghiệp cần tập trung vào khâu giao nhận; đổi mới mẫu mã sản phẩm…

Theo Tiền Phong

Link gốc : https://tienphong.vn/xu-huong-mua-hang-tet-cua-nguoi-dan-co-su-thay-doi-post1698978.tpo

Bạn đang đọc bài viết Xu hướng mua hàng Tết của người dân có sự thay đổi tại chuyên mục Doanh nghiệp. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Doanh nghiệp