Hà Nội, Thứ Sáu Ngày 26/04/2024

Công ty Đại Hưng và Ecopark có mối liên hệ như thế nào ở dự án chui 200 biệt thự?

Theo SKCĐ 10:23 13/02/2020

Có thông tin cho rằng, Chủ tịch của công ty Đại Hưng – ông Nguyễn Công Huy là thiếu gia của đại gia bất động sản Nguyễn Công Hồng. Ông Hồng hiện là Phó Tống giám đốc Tập đoàn Ecopark

Hàng trăm căn biệt thự, nhà liền kề tại dự án Khu biệt thự và nhà phố Vườn Vạn Tuế (Sago Palm Garden) được bán khi chưa đủ điều kiện phát lý để xây dựng.

Từ nhà máy gạch được chuyển đổi "thần tốc" thành dự án biệt thự, nhà phố

Tại Quyết định số 979/QĐ-UBND ngày 18/4/2018, UBND tỉnh Hưng Yên phê duyệt Điều chỉnh Quy hoạch chi tiết xây dựng 1/500 khu biệt thự và nhà phố vườn Vạn Tuế (Sago Palm Garden) do Công ty CP thương mại sản xuất vật liệu xây dựng Đại Hưng (Công ty Đại Hưng) làm chủ đầu tư có quy mô 60.317m2 toạ lạc tại hai xã Phụng Công và Xuân Quan, huyện Văn Giang (Hưng Yên). Trong đó, đất ở gần 30.000m2; đất thương mại dịch vụ gần 2.200m2.

Có thông tin cho rằng, Chủ tịch của công ty Đại Hưng – ông Nguyễn Công Huy là thiếu gia của đại gia bất động sản Nguyễn Công Hồng. Ông Hồng hiện là Phó Tống giám đốc Tập đoàn Ecopark kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư và phát triển đô thị TDH Ecoland.

Khu đất Công ty Đại Hưng xây dựng dự án Sago Palm Garden trước đây được UBND tỉnh Hưng Yên cho Công ty Đại Hưng thuê đất 50 năm để xây dựng nhà máy sản xuất gạch Tuynel.

Sau chưa đến 1 năm có quyết định chủ trương đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất gạch ngói Tuynel (ngày 29/2/2016) Công ty Đại Hưng đã xin chuyển đối mục đích sử dụng đất xây dựng nhà máy thành đất xây dựng đô thị và được UBND tỉnh Hưng Yên đồng ý về chủ trương, điều chỉnh tên, mục tiêu dự án đầu tư.

Thông báo Kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên ngày 20/11/2016, về việc điều chỉnh dự án đầu tư của Công ty Đại Hưng, UBND tỉnh Hưng Yên đồng ý về chủ trương để Công ty Đại Hưng điều chỉnh dự án trên địa bàn huyện Văn Giang để xây dựng khu biệt thự và nhà phố vườn Vạn Tuế - Sago Palm Garden.

UBND tỉnh Hưng Yên yêu cầu: “Các bước thực hiện dự án cần phải phù hợp với quy hoạch cũng như kế hoạch sử dụng đất của huyện Văn Giang; có quy hoạch chi tiết xây dựng, kiến trúc cảnh quan đô thị và kết cấu hạ tầng đồng bộ, tuân thủ quy định về đăng ký biến động đất đai, chủ đầu tư phải hoàn thành các thủ tục pháp lý… trước khi thực hiện các bước tiếp theo của dự án”.

Chưa đủ cơ sở pháp lý đã xây dựng và rao bán

Ông Đỗ Văn Dũng, Chủ tịch UBND xã Phụng Công, huyện Văn Giang cho biết, khi cấp tỉnh có quyết định thu hồi đất của xã giao cho Công ty CP Vật liệu Xây dựng Văn Giang làm chủ đầu tư Dự án Nhà máy sản xuất gạch ngói tunnel và cả khi chuyển giao cho Công ty Đại Hưng thì chỉ chuyển cho xã một thông báo. Sau đó, việc khởi công dự án khu biệt thự và nhà phố Vườn Vạn Tuế cũng không được thông báo tới xã.

Liên quan đến nội dung triển khai dự án Vườn Vạn Tuế, ông Trịnh Văn Diễn, Giám đốc Sở Kế hoạch & Đầu tư tỉnh Hưng Yên, từng trả lời báo chí trong tháng 11/2019 rằng: “Về quyết định chủ trương đầu tư của dự án vẫn chưa được hoàn thiện. Sự việc này đang vượt quá tầm của Sở. Tỉnh Hưng Yên đã có chỉ đạo đối với nội dung này và Sở đang thực hiện”.

Chưa hoàn thiện các thủ tục pháp lý, điều kiện cần thiết thực hiện xây dưng nhưng hiện nay, hơn 200 công trình biệt thự liền kề Vườn Vạn Tuế đã được xây dựng xong phần thô, các hạng mục hạ tầng như đường, điện, cây xanh… đang được công nhân hoàn thiện.

Các cổng vào của dự án được kết nối trực tiếp với hạ tầng của Khu đô thị Ecopark và có bảo vệ gác chắn.

Trên thị trường bất động sản đã xuất hiện các thông tin rao bán dự án Khu biệt thự và nhà phố Vườn Vạn Tuế - Sago Palm Garden. Các sản phẩm được rao bán là nhà phố diện tích từ 80m2, 100m2 và 135m2; biệt thự diện tích từ 162m2 đến hơn 200m2. Các căn nhà tại dự án Vườn Vạn Tuế có giá bán trên thị trường khoảng 4-6 tỷ đồng.

Trao đổi với báo chí, ông Lương Anh Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng Hưng Yên cho biết, nguyên nhân chủ đầu tư chậm hoàn thiện thủ tục pháp lý là do mắc trong khâu định giá đất.

Được biết, từ năm 2018, Công ty Đại Hưng đã ký hợp đồng mua bán với khách hàng mua các căn biệt thự, liền kề của dự án Vườn Vạn Tuế. Đại diện bên bán là ông Nguyễn Công Huy, Chủ tịch HĐQT Công ty Đại Hưng.

Tháng 8/2019, UBND tỉnh Hưng Yên phát hành văn bản yêu cầu Công ty Đại Hưng dừng ngay các hoạt động đầu tư xây dựng công trình, các giao dịch, mua bán, kinh doanh bất động sản của dự án đầu tư xây dựng khu biệt thự và nhà phố Vạn Tuế - Sago Palm Garden khi chưa hoàn thiện thủ tục theo quy định của pháp luật.

Bí ẩn về thiếu gia của đại gia Nguyễn Công Hồng?

Theo thông tin phóng viên có được, chủ đầu tư dự án 200 căn biệt thự, liền kề xây “chui”, bán công khai ở Hưng Yên là Công ty CP Thương mại Sản xuất vật liệu xây dựng Đại Hưng.

Chủ tịch của Đại Hưng là đại gia Nguyễn Công Huy, sinh năm 1990. Công ty có trụ sở tại Thôn Đầu, xã Phụng Công, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên, vốn điều lệ khoảng 30 tỷ đồng. Lần tăng vốn gần nhất của Đại Hưng là năm 2015: từ 25 tỷ đồng lên 30 tỷ đồng.

Công ty CP Vật liệu xây dựng Văn Giang (VMC) được thành lập từ năm 2002 với vốn điều lệ ban đầu chỉ 3,5 tỷ đồng là tiền thân của Công ty Đại Hưng.

Từ thời gian đầu thành lập, ông Nguyễn Tiến Mạnh (1946) giữ vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc Công ty Đại Hưng. Ông Mạnh cũng là người đại diện phần vốn tại VMC do Công ty Tân Xuyên nắm giữ.

Công ty Tân Xuyên được biết đến với thương hiệu TAXUCO, chuyển đổi từ doanh nghiệp Nhà nước là Công ty Tân Xuyên thuộc Tổng công ty Thuỷ tinh và Gốm xây dựng (Viglacera) năm 2004.

Từ sau năm 2011, vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty Đại Hưng liên tục thay đổi song ông Nguyễn Tiến Mạnh vẫn đang là Tổng giám đốc công ty.

Theo đó, năm 2011 - 2013 - 2014 - 2015 các vị trí này được thay đổi lần lượt cho các ông/bà Nguyễn Khoát Hải - Đào Xuân Ban - Phạm Bá Đại - Nguyễn Thị Chiến. Tới tháng 7/2016 đến nay, vị trí Chủ tịch được chuyển lại cho ông Nguyễn Công Huy.

Cũng theo tìm hiểu của phóng viên, ông Nguyễn Công Huy sinh năm 1990 có địa chỉ thường trú tại tổ 33 phố Lạc Trung, phường Vĩnh Tuy (Hai Bà Trưng – TP. Hà Nội) là người đại diện pháp luật với chức danh Chủ tịch HĐQT. Doanh nghiệp này có vốn điều lệ chỉ 30 tỷ đồng.

Không nhiều thông tin về ông Nguyễn Công Huy. Tuy nhiên, với dự án khu biêt thự và nhà phố Vạn Tuế (Sago Palm Garden) có thể khẳng định doanh nghiệp của vị Chủ tịch trẻ tuổi này đang sở hữu một khối tài sản không phải là nhỏ.

Có thông tin cho rằng, Chủ tịch của công ty Đại Hưng – ông Nguyễn Công Huy là thiếu gia của đại gia bất động sản Nguyễn Công Hồng.

Được biết, ông Nguyễn Công Hồng sinh năm 1960. Ông Hồng hiện là Phó Tống giám đốc Tập đoàn Ecopark kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư và phát triển đô thị TDH Ecoland.

Ai cũng biết, không phải đơn giản mà Công ty Đại Hưng dám xây “chui” 200 công trình biệt thự liền kề Vườn Vạn Tuế để bán. Một người dân, xây sai phép vài mét vuông hoặc thêm 1 cái tum, chính quyền đã đến “xử lý”, cả đại công trường trên diện tích hàng chục ngàn mét vuông như dự án Vườn Vạn Tuế các cấp chính quyền từ xã đến tỉnh Hưng Yên lại không biết? Câu chuyện “con voi chui lọt lỗ kim” là có thật, ngay bên cạnh khu đô thị Ecopark.

Bạn đang đọc bài viết Công ty Đại Hưng và Ecopark có mối liên hệ như thế nào ở dự án chui 200 biệt thự? tại chuyên mục Pháp lý bất động sản. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Pháp lý bất động sản