Đầu năm 2021, Công ty CP Đầu tư và Phát triển Sài Gòn (SDI) đã cho khởi công dự án Khu đô thị Sài Gòn - Bình An sau hơn 2 thập kỷ nằm "bất động".
Chặng đường 20 năm của siêu dự án tỷ đô
Khu đô thị Sài Gòn - Bình An, từng có đến 3 cái tên khác nhau, có quy mô diện tích lên tới 1.174.221 m2 (hơn 117 ha).
Dự án giáp đường Đỗ Xuân Hợp phía Đông, phía Tây giáp dự án Sài Gòn Sports City do Keppel Land (Singapore) và Chiap Hua (Hồng Kông), phía Nam giáp đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh- Long Thành - Dầu Giây.
Khởi đầu từ tháng 1/1999, UBND TP. Hồ Chí Minh đã chấp thuận chủ trương cho Công ty TNHH Thương mại Xây dựng Sản xuất Thiên Hải (Thiên Hải) cùng các công ty khác liên doanh để thực hiện dự án trên diện tích 120ha thuộc địa bàn phường An Phú.
Đến đầu năm 2001, Chính phủ có quyết định cho phép SDI, do Thiên Hải là cổ đông, sử dụng đất để đầu tư xây dựng dự án Khu liên hợp sân Golf – Thể dục thể thao và nhà ở (Saigon Golf, Country Club and Residences) tại phường An Phú, TP. Hồ Chí Minh.
Saigon Golf, Country Club and Residences ban đầu được lập dự án với vốn đầu tư khoảng 500 triệu USD. Theo quy hoạch chi tiết, dự án này được phép xây dựng sân golf 18 lỗ tiêu chuẩn thi đấu quốc tế, khu dân cư sang trọng với 193 biệt thự, 132 căn hộ cao cấp, một khách sạn - căn hộ cho thuê và câu lâc bộ thể thao hiện đại.
Do tiến độ triển khai dự án không như kế hoạch, đến cuối năm 2014, TP. Hồ Chí Minh đề nghị đưa sân golf này ra khỏi danh mục các sân golf dự kiến phát triển. Đề xuất này được Thủ tưởng Chính phủ chấp thuận.
Sau khi bỏ quy hoạch sân golf, đầu tháng 11/2015, thành phố đã duyệt nhiệm vụ quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 Khu đô thị - Bình An (điều chỉnh từ dự án Saigon Golf Country Club and Residences). Tính chất là khu đô thị mới quy hoạch xây dựng theo các tiêu chí đô thị sinh thái hiện đại.
Tiếp đó, đến ngày 30/11/2015, UBND TP. Hồ Chí Minh đã ban hành Quyết định số 6292 phê duyệt đồ án điều chỉnh quy hoạch chi tiết Khu đô thị Sài Gòn - Bình An, với quy mô diện tích và giới hạn quy hoạch như đã được đề cập phía trên. Chủ đầu tư dự án vẫn là SDI.
Đường về tay Masterise
Trong suốt nhiều năm, SDI được biết đến là thành viên của tập đoàn Him Lam.
Siêu dự án Sài Gòn - Bình An ở Quận 2 (trước đây) được giới thiệu rộng rãi với tên gọi Him Lam Bình An và từng được thế chấp tại Sacombank với giá trị định giá lên tới 19.500 tỷ đồng.
Tuy nhiên, vào đầu năm 2020, nhiều dấu hiệu cho thấy siêu dự án tỷ đô này đã đổi chủ. Dấu hiệu rõ nhất là ông Bùi Đức Khoa ngồi vào ghế Chủ tịch HĐQT và thay thế ông Dương Minh Hùng làm người đại diện theo pháp luật.
Ông Bùi Đức Khoa là một nhân vật quan trọng trong hệ sinh thái của Vạn Thịnh Phát - nhà phát triển bất động sản nổi danh tại TP. Hồ Chí Minh.
Doanh nhân sinh năm 1974 này đứng tên tại nhiều công ty thành viên khác trong cùng hệ sinh thái như Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Đô thị Ngọc Viễn Đông, Công ty CP Pupreme Power, Công ty CP Star Hill, Công ty CP Natural Hill...
Giữa năm 2021, bà Mai Thị Kim Oanh (SN 1980) trở thành Chủ tịch HĐQT của SDI thay cho ông Bùi Đức Khoa.
Bà Mai Thị Kim Oanh, là Trưởng Ban kiểm soát Tập đoàn Masterise.
Ông Bùi Đức Khoa rời ghế Chủ tịch nhưng vẫn giữ vai trò Tổng Giám đốc SDI.
Bà Mai Thị Kim Oanh, là Trưởng Ban kiểm soát Tập đoàn Masterise.
Với diễn biến mới, giới đầu tư đã đồn đoán về khả năng đổi chủ, hoặc hợp tác đầu tư giữa hai tập đoàn này tại siêu dự án Sài Gòn Bình An.
Hoặc có thể, việc bổ nhiệm bà Mai Thị Kim Oanh là bước đi đầu tiên cho việc tiếp quản dự án của Masterise - nhà phát triển bất động sản hạng sang đang nổi lên như một thế lực lớn trên thị trường.
Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh vừa công khai danh sách 30 doanh nghiệp nợ thuế với tổng số tiền thuế nợ, tiền phạt, tiền chậm nộp lên đến hơn 1.910 tỷ đồng:
Trong danh sách này có cái tên lớn trong lĩnh vực bất động sản là Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Sài Gòn (SDI) với số nợ thuế lên tới 404,5 tỷ đồng.
Trước đó, trong danh sách doanh nghiệp nợ thuế tháng 8/2019 của Cục thuế TP. Hồ Chí Minh cũng có tên SDI với tổng số nợ thuế là 455,5 tỷ đồng. SDI là doanh nghiệp có số nợ thuế lớn nhất trên địa bàn khi đó, chiếm 16,5% tổng số nợ.