Hà Nội, Thứ Bảy Ngày 20/04/2024

Giá đất tăng tác động thế nào đến thị trường bất động sản?

TDVN 17:40 06/12/2019

Các chuyên gia, doanh nghiệp lo ngại rằng, việc tăng giá đất sẽ tạo nên sự biến động lớn cho toàn thị trường bất động sản.

Mới đây, UBND TP. Hà Nội đã đề xuất tăng bình quân 30% giá các loại đất. Trong khi đó, Hiệp hội BĐS TP. Hồ Chí Minh (HoREA) vừa có văn bản góp ý về khung giá đất giai đoạn 2019 - 2024 gửi UBND thành phố và Bộ TN&MT, đề xuất khung giá đất mới sẽ giữ nguyên mức giá tối thiểu, mức giá tối đa thì tăng khoảng 1/3 so với hiện nay.

Theo UBND thành phố Hà Nội, việc điều chỉnh tăng giá đất ở sẽ tăng thuế sử dụng đất phi nông nghiệp; tăng số thu từ tiền sử dụng đất đối với việc chuyển mục đích sử dụng đất, công nhận quyền sử dụng đất đối với hộ gia đình, cá nhân; tăng nguồn thu từ thuế thu nhập từ hoạt động chuyển quyền sử dụng đất và lệ phí trước bạ về đất.

Đặc biệt, việc điều chỉnh bảng giá đất có thể tác động gián tiếp đến thị trường bất động sản, đến công tác giải phóng mặt bằng thực hiện các dự án trên địa bàn thành phố do yếu tố tâm lý như các chủ đầu tư "tranh thủ" tăng giá bán bất động sản tại dự án với lý giải do các khoản thuế, phí tăng. Các hộ nằm trong phạm vi thu hồi đất, giải phóng mặt bằng trông chờ giá bồi thường tăng.

Theo Cục Thuế Hà Nội, dự kiến với phương án điều chỉnh tăng giá đất bình quân 15% trong giai đoạn 5 năm tới, bảng giá các loại đất điều chỉnh tăng sẽ làm tăng thu cho ngân sách đối với các loại thuế, phí, tiền thuê đất tương ứng khoảng 3.810 tỷ đồng. Điều này làm tăng chi phí với người dân và doanh nghiệp trên địa bàn.

Giá đất tăng sẽ tác động lên giá nhà. Ảnh minh họa: Internet.

Theo các chuyên gia, việc tăng giá đất sẽ tác động lên thị trường bất động sản. Chia sẻ với VTCNews, bà Trần Thị Khánh Linh - Trưởng bộ phận Định giá, Savills TP.HCM cho rằng, các đề xuất của UBND thành phố Hà Nội và HoREA đều có cơ sở riêng, dựa trên thực tiễn khảo sát từ thị trường. Theo tôi, đề xuất tăng là hoàn toàn hợp lý vì giá nhà đất thay đổi chóng mặt kể từ năm 2014 cho đến nay.

HoREA đưa ra phương án giữ nguyên mức giá tối thiểu và tăng 1/3 mức giá tối đa, trên cơ sở dựa vào hệ số điều chỉnh tối đa hiện nay tại TP.HCM là 2.5 lần. Theo đó giá đất ở tối đa sau điều chỉnh và tính toán hệ số là 700 triệu đồng/m2, cũng là mức giá gần với thực tế giao dịch ở những vị trí đắt đỏ nhất hiện nay ở TP.HCM.

Theo bà, nếu theo luật đất đai 2013, các dự án bất động sản có giá trị trên 30 tỷ đồng đều không căn cứ vào bảng giá đất mà phải sử dụng cơ sở định giá thị trường để xác định nghĩa vụ tài chính. Nên việc điều chỉnh khung giá đất Nhà nước cũng không ảnh hưởng nhiều đến chi phí đầu vào của các dự án bất động sản, từ đó giá thành các sản phẩm bất động sản cũng không bị ảnh hưởng nhiều.

Trong khi đó, PGS.TS Ngô Trí Long đồng tình với việc tăng giá đất khi cho rằng, giá đất của Nhà nước hầu như thoát ly khỏi giá cả thị trường, điều này đã dẫn đến bất cập khi thu hồi đất, khiến công tác giải phóng mặt bằng gặp khó khi giá đền bù quá chênh lệch với giá thị trường. Điều đó khiến người bị thu hồi đất thiệt thòi và không đồng thuận. Vì thế, khi thực hiện các dự án phát triển kinh tế xã hội, mặt bằng luôn là một trong những điểm nghẽn khiến các công trình chậm tiến độ.

Nhật Hạ (T.H)/theo Tài chính DN

Bạn đang đọc bài viết Giá đất tăng tác động thế nào đến thị trường bất động sản? tại chuyên mục Pháp lý bất động sản. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]