Chủ tịch UBND TP. Hà Nội đã phê duyệt đề án đầu tư xây dựng 4 huyện Gia Lâm, Đông Anh, Thanh Trì, Đan Phượng thành quận đến năm 2025. Riêng Hoài Đức sẽ lên quận vào năm 2020.
Trước thông tin này, trao đổi với báo chí, bà Đỗ Thị Thu Hằng, Giám đốc bộ phận Nghiên cứu & Tư vấn Savills Hà Nội cho biết, việc Hà Nội có thêm 5 quận là một tin đáng mừng cho thị trường bất động sản (BĐS) của các huyện. Với đề xuất đầu tư xây dựng này, từng huyện sẽ có định hướng phát triển và nâng tiêu chuẩn để phù hợp với mức độ đô thị hóa cao hơn của tên gọi cấp hành chính mới.
“Những động thái đầu tư xây dựng này chắc chắn sẽ thúc đẩy hơn nữa tốc độ đô thị hóa của các huyện, phát triển hạ tầng kỹ thuật - xã hội và đem lại tác động tích cực cho thị trường BĐS khu vực”, bà Hằng cho biết.
Bà Hằng cũng lưu ý quá trình đầu tư xây dựng các huyện này lên quận không diễn ra trong ngày một ngày hai mà sẽ kéo dài từ nay đến 2025. Vì vậy, giá bất động sản những khu vực này có thể tăng lên nhưng sẽ theo lộ trình.
“Những hiện tượng tăng giá đột biến nhiều khả năng chỉ mang tính nhất thời. Đó cũng là kinh nghiệm các nhà đầu tư có được từ các thị trường đi trước. Các hiện tượng sốt đất trước đây đã cho họ nhiều bài học; đã có những người đầu tư vào đất huyện chờ tăng giá khi lên quận nhưng sớm phải rút khi thị trường suy giảm. Bởi có những trải nghiệm như vậy của các nhà đầu tư nên tôi cho rằng trước thông tin này, thị trường bất động sản tại các huyện không cần quá lo”, bà Hằng cho biết.
Nhận định về thực trạng sốt đất tại một số vùng ở các huyện sắp lên quận, bà Hằng cho rằng từng khu vực có thể sẽ có mức tăng giá khác nhau, tùy thuộc vào mức độ đầu tư, thời điểm đầu tư vào cơ sở hạ tầng và tiện ích.
Tuy vậy, vị chuyên gia của Savills khẳng định “nếu thị trường ghi nhận tình trạng tăng giá quá nhanh thì đây là tình trạng sốt đất ảo”.
“Lộ trình 4 huyện này lên quân sẽ diễn ra từ nay đến 2025. Như vậy sẽ phải mất vài năm để thị trường bất động sản phản ánh rõ rệt sự thay đổi, khác biệt lên giá bất động sản và để mức tăng giá này bền vững, thị trường tại các địa phương cần hội tụ đầy đủ và đồng bộ các yếu tố như quy mô dân số, đầu tư cơ sở hạ tầng, quy tụ các cơ quan ban ngành... Nếu nhìn vào các huyện sẽ lên quận hiện nay, chúng ta có thể thấy đây là một chặng đường dài. Vì vậy, các hiện tưởng thổi giá hay tạo sốt đất ảo nếu có xảy ra, theo thời gian sẽ được thị trường điều chỉnh để phản ánh giá trị thực”, bà Hằng nói.
Lấy ví dụ thị trường nhà đất huyện Đông Anh, bà Hằng cho hay trước thông tin Đông Anh lên quận, các đợt sốt đất xuất hiện nhưng sau đó đã lắng xuống sau đó. Đã có những nhà đầu tư tìm kiếm cơ hội ở thị trường bất động sản khu vực này nhưng đã không có được lợi nhuận như kỳ vọng do thị trường suy giảm.
“Đây là bài học cho các thị trường khác: các nhà đầu tư đang muốn đầu tư lướt sóng cần xem xét rủi ro thanh khoản của bất động sản tại những khu vực này”.
Bà Hằng khuyến nghị các nhà đầu tư đang muốn đầu tư lướt sóng ở các huyện được quy hoạch lên quận cần xem xét rủi ro thanh khoản của bất động sản tại những khu vực này. Để an toàn, nhà đầu tư nên có tầm nhìn từ trung đến dài hạn, tuy nhiên cũng cần có một mức lợi nhuận kỳ vọng hợp lý.
"Mức lợi nhuận trung bình hàng năm có thể không quá lớn, nhưng nếu cao hơn hẳn lãi suất ngân hàng để phản ánh mức rủi ro cao hơn của hoạt động đầu tư bất động sản thì đây vẫn có thể là một khoản đầu tư hợp lý", chuyên gia nói.
Trước đó, khi thông tin 5 huyện Hà Nội sắp lên quận, nhiều chuyên gia cũng cho rằng, giá đất chỉ tăng nhẹ và đây là thời điểm quá sớm để nhà đầu tư muốn xuống tiền “ôm” đất, đón sóng đô thị, bởi đầu tư để đón đầu việc cải thiện cơ sở hạ tầng hoặc có cơ sở hạ tầng mới buộc nhà đầu tư phải biết được quy hoạch khu vực đó tới đây sẽ như thế nào.
Hơn nữa, để xác định được khu nào được đầu tư hạ tầng tốt hơn cần tìm hiểu rõ ràng thông tin. Chỉ khi nào có thông tin quy hoạch điều chỉnh sử dụng đất của từng huyện rõ ràng thì mới nên đầu tư để tránh rủi ro.
Bảo My (T.H)/Theo Tài chính DN