Không gian đọc sách ý nghĩa này của ông Huỳnh Thanh Hưng - chủ nông trại Doctor Farm ở xã Long Thạnh (huyện Giồng Riềng, Kiên Giang).
Từ trung tâm TP Rạch Giá, chúng tôi chạy xe dọc theo quốc lộ 61 và ngót 1 giờ mới về đến xã Long Thạnh. Người dân địa phương sống nhờ vào làm ruộng nên cũng còn gặp khó.
Hiểu được sự vất vả, thiếu thốn của bà con nơi đây và cũng như mong muốn tạo không gian đọc, vui chơi cho các em học sinh, ông Hưng đã chi tiền tỉ "hô biến" mảnh đất rộng khoảng 6ha của gia đình thành một Doctor Farm với nhiều khu, như ngôi nhà xưa, khuôn viên trồng lúa, vườn nho, ao cá, vườn tràm... Và đặc biệt không quên dành một phần diện tích làm không gian đọc sách phục vụ miễn phí cho học sinh.
"Thấy nhiều em mê chơi game, nên tôi nảy ý tưởng làm không gian đọc sách này, để giúp các em học sinh ở quê có thêm sân chơi bổ ích, đọc sách, vẽ tranh, trải nghiệm cuộc sống", ông Hưng vui vẻ nói.
Và tới giờ, không gian đọc sách đã trở thành điểm hẹn của các em học sinh vào ngày thứ bảy, chủ nhật hằng tuần.
"Các em đọc sách sẽ mở rộng tư duy, biết cách suy nghĩ, cách làm người, cách đối nhân xử thế và bồi dưỡng thêm tri thức. Chỉ nghĩ đến nhiêu đó thôi tôi cũng đủ vui rồi. Dự định tới đây tôi còn xây thêm hồ bơi, thuê thầy dạy bơi rồi kết nối với các điểm trường để các em đến học bơi, phòng chống đuối nước...", ông Hưng nói
Còn với các em học sinh đến với không gian đọc này, các em còn tìm thấy một nơi để giao lưu, kết bạn bên cạnh việc được đọc sách.
"Thứ bảy và chủ nhật em đến đây chơi, đọc sách và giao lưu với các bạn. Em học được nhiều kiến thức bổ ích lắm, biết bạn mới và tự tin giao tiếp hơn", Chương Lê Nguyên Khôi - học sinh lớp 5/1 Trường TH & THCS Long Thạnh - bộc bạch.
"Em thường xin cha mẹ cho đến đây vào ngày cuối tuần. Bài học trên lớp em chưa hiểu, đến đây có thể nhờ cô và các bạn hỗ trợ thêm", ngồi kế Khôi, em Trần Thị Thùy Trang - học sinh Trường TH & THCS Long Thạnh - góp lời.
Ngoài đọc sách, các em còn có thể hỏi bài vở bởi ở đây còn có tình nguyện viên như chị Phan Thị Phơ vừa có vai trò quản lý vừa là cô giáo "không chuyên" hướng dẫn các em.
"Đến nơi này, các em rất thoải mái. Hết đọc sách, đến vẽ tranh rồi nô đùa cùng nhau, kể nhau nghe những câu chuyện ở trường, ở lớp và giao lưu", chị Phơ chia sẻ.
Đang là bác sĩ nên chỉ thứ bảy, chủ nhật hằng tuần ông Hưng mới có thời gian đưa gia đình đến đây. Mỗi lần vợ chồng ông đến đều mang theo một "món quà" quen thuộc là những bữa cơm mời các em. Bữa cơm hôm nay có tôm, mực và chả cá, bò viên nên các em rất thích.
"Tôi xem các em học sinh ở đây như con cháu. Các em đọc sách xong sẽ ăn cơm, có đủ sức để thoải mái trải nghiệm, vui chơi...", ông Hưng nói.
Trải nghiệm và tìm hiểu văn hóa Việt Nam từ không gian đọc sách
Cạnh không gian học là ngôi nhà xưa được ông Hưng cho xây cất theo lối kiến trúc và văn hóa của người dân Nam Bộ. Trong ngôi nhà xưa này, ông sưu tầm nhiều vật dụng như: cái cân, cái bàn ủi, bộ bàn ghế, chiếc máy may... Ngôi nhà xưa là nơi ông lưu lại những nét đẹp văn hóa của người dân Nam Bộ với mong muốn "Các em đến tham quan, trải nghiệm sẽ có cái nhìn và kiến thức tiếp nối xưa và nay".
Theo Báo Tuổi Trẻ