Hà Nội, Thứ Năm Ngày 25/04/2024

Đẩy mạnh cấp mã số vùng trồng, vùng nuôi, đáp ứng điều kiện xuất khẩu

vietq.vn 09:42 10/03/2022

Ngành nông nghiệp cần đẩy mạnh cấp mã số vùng trồng, vùng nuôi để không chỉ đáp ứng điều kiện xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc mà có thể xuất khẩu sang các thị trường như EU, Mỹ, Nhật Bản…

Trong 2 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu nông sản Việt Nam đang có sự tăng trưởng tốt. Xu thế thị trường thế giới đang cho thấy nhiều nông sản tăng giá mạnh. Dù không có những nông sản tăng nóng như lúa mì, ngô… nhưng các nông sản Việt được kỳ vọng tiếp tục có sự tăng trưởng tốt nhờ xu hướng thị trường thế giới cũng như nhu cầu tăng lên sau khi dịch Covid-19 gây đứt gãy nhiều chuỗi sản xuất.

Một vùng trồng thanh long theo tiêu chuẩn Global GAP ở xã Thạnh Tân, huyện Tân Phước.

Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản trong 2 tháng ước đạt khoảng 8 tỷ USD, tăng 20,9% so với cùng kỳ năm 2021. Trong số đó, xuất khẩu nhóm nông sản chính ước đạt trên 3,2 tỷ USD, tăng 10,2%. Một số sản phẩm/nhóm sản phẩm có giá trị xuất khẩu tăng như: cà phê tăng 35,6%; cao su 6,6%; gạo 22,3%; hồ tiêu 43,8%…

Bên cạnh đó, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam cũng như Thái Lan đều có sự tăng trưởng trở lại. Giá gạo Việt Nam tăng được cho là do các đơn hàng từ Trung Quốc tăng lên nên hoạt động thương mại đang nhộn nhịp hơn và khiến giá tăng nhẹ.

Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết, chất lượng gạo Việt Nam ngày càng được nâng cao. Với việc hạn ngạch 80.000 tấn ưu đãi thuế suất 0% từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) chưa được lấp đầy trong năm 2021, trong khi xu thế sử dụng gạo tại EU gia tăng, xuất khẩu gạo sang EU hứa hẹn còn nhiều cơ hội hơn nữa trong thời gian tới.

Với thị trường EU, không riêng mặt hàng gạo, Bộ Công Thương dự báo, cà phê, hạt điều, cao su, rau quả, hạt tiêu… tiếp tục sẽ là những mặt hàng đóng góp lớn vào tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản sang EU và sẽ tăng trưởng mạnh trong năm 2022.

Dù Việt Nam được coi là 1 trong 10 đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ, tuy nhiên tổng giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản chỉ chiếm khoảng 1 - 2% giá trị nhập khẩu nông sản của Hoa Kỳ nên có thể thấy dư địa xuất khẩu còn rất nhiều. Nhất là khi Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ dự báo nhập khẩu nông sản trong năm 2022 của nước này có thể lên tới 165 tỷ USD.

Một số nhóm sản phẩm có tỷ trọng nhập khẩu lớn như: thủy sản, nông sản nhiệt đới, gia vị chiếm đến trên 90%; rau quả tươi, hạt thực vật, nước trái cây tỷ trọng nhập khẩu chiếm từ 20 - 50%. Những sản phẩm mà Việt Nam có thế mạnh cũng là nhóm hàng chiếm tỷ trọng nhập khẩu lớn.

Còn đối với thị trường Trung Quốc, mới đây nhất, quả ớt tươi đã chính thức được xuất khẩu trở lại cùng với 9 loại hoa quả và thạch đen được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết, ngành nông nghiệp đang nỗ lực đàm phán tiếp tục mở rộng mặt hàng được xuất khẩu chính ngạch, đồng thời triển khai mở rộng nhiều thị trường để giảm áp lực thị trường Trung Quốc cũng như thu được giá trị cao hơn.

Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, ngành nông nghiệp sẽ phải đẩy mạnh cấp mã số vùng trồng, vùng nuôi để không chỉ đáp ứng các điều kiện xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc mà có thể xuất khẩu sang các thị trường như EU, Mỹ, Nhật Bản… đều có thể đáp ứng được. Cộng với đó là tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng đáp ứng tiêu chí, tiêu chuẩn các thị trường.

“Thị trường truyền thống cần tận dụng tối đa; tập trung phát huy các thị trường ngách; thị trường mới cũng cần nghiên cứu, phát huy. Phát triển toàn diện các thị trường, vừa để phát triển sản xuất vừa để thúc đẩy xuất khẩu nông sản", Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.

Link gốc : https://vietq.vn/day-manh-cap-ma-so-vung-trong-vung-nuoi-dap-ung-dieu-kien-xuat-khau-d198002.html

Bạn đang đọc bài viết Đẩy mạnh cấp mã số vùng trồng, vùng nuôi, đáp ứng điều kiện xuất khẩu tại chuyên mục Thời sự. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Thời sự