Xuất khẩu hàng hóa năm 2022 dự báo có nhiều tín hiệu lạc quan. |
Nhiều tín hiệu tích cực
Cụ thể, là một trong các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu thủy sản tháng 1 đạt hơn 765 triệu USD, tăng 25,7% so cùng kỳ năm 2021. Trong các mặt hàng thủy sản, nhóm hàng tôm vẫn là “át chủ bài” mang về giá trị kim ngạch lớn.
Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) Nguyễn Hoài Nam nhận định, xuất khẩu tôm sang Mỹ và EU năm 2022 có thể tiếp tục tăng trưởng hai con số; xuất khẩu sang Trung Quốc sẽ phục hồi sau khi giảm mạnh trong năm 2021; riêng sang Hàn Quốc và Nhật Bản dự kiến chỉ tăng trưởng nhẹ do nhu cầu đã khá ổn định.
Bên cạnh đó, hưởng lợi thế từ việc cầu tiêu dùng thế giới đang tăng trở lại, tin vui là nhiều doanh nghiệp ngành dệt may đã có đơn hàng đến hết quý III. Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) Lê Tiến Trường chia sẻ, thế giới dự báo ngành dệt may sẽ cải thiện khoảng 2,7% (tăng thêm khoảng 20 tỷ USD). Trên cơ sở này, ngành dệt may Việt Nam đưa ra mục tiêu xuất khẩu năm 2022 đạt khoảng 43 tỷ USD (năm 2021 đạt 39 tỷ USD).
Tương tự, ngành da giày cũng hứa hẹn có nhiều cơ hội về xuất khẩu. Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam (LEFASO) Phan Thị Thanh Xuân thông tin, dự kiến năm 2022, tăng trưởng toàn ngành sẽ ở mức từ 10% đến 15% so với năm 2021, đạt khoảng từ 23 đến 25 tỷ USD.
Bộ Công thương nhận định, một số mặt hàng nông sản như cà phê, điều, cao su, rau quả, tiêu, gạo và chè cũng có tiềm năng tăng trưởng tốt trong năm 2022, mang lại đóng góp lớn vào tổng kim ngạch xuất khẩu. Trong đó, riêng cà phê sẽ tiếp tục tận dụng tốt lợi thế về thuế suất 0% theo Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) để gia tăng thị phần trong tổng nhu cầu 10 tỷ USD mỗi năm hiện nay của EU.
Lạc quan không chủ quan
Giới chuyên gia đánh giá, thị trường xuất khẩu dự báo tiếp tục phục hồi khi các nước dần kiểm soát được dịch Covid-19, nhiều nước đã và đang triển khai các gói kích thích kinh tế, kích cầu tiêu dùng, qua đó gia tăng nhu cầu hàng nhập khẩu.
Xuất khẩu sang các thị trường đối tác trong các hiệp định thương mại tự do (FTA), nhất là các FTA thế hệ mới cũng sẽ tiếp tục được tăng cường khi doanh nghiệp trong nước dần thích nghi với các cam kết của hiệp định, cùng thuế nhập khẩu ưu đãi sẽ tiếp tục được xóa bỏ hoặc cắt giảm. Cách thức tiếp cận trong phòng, chống dịch của Việt Nam đã có sự thay đổi cơ bản, doanh nghiệp cũng thích ứng tốt với dịch bệnh. Vì vậy, chúng ta đang có cơ hội lớn để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu đã đề ra, thậm chí còn cao hơn.
Tuy nhiên, dù xuất khẩu đã khởi sắc ngay từ đầu năm nhưng không vì thế mà chủ quan, bởi thực tế hoạt động xuất khẩu vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức. Theo Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên, còn những yếu tố thiếu bền vững như quy mô xuất khẩu tăng cao nhưng giá trị gia tăng còn thấp; nhiều ngành hàng còn xuất khẩu sản phẩm thô, sơ chế và phải nhập khẩu thành phẩm đã qua chế biến; tỷ trọng của khối doanh nghiệp “nội” trong tổng xuất khẩu còn thấp;...
Đồng thời, dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, kéo dài và phát sinh các biến thể mới; tăng trưởng kinh tế thế giới chưa vững chắc, tiềm ẩn nhiều rủi ro; chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch ngày càng rõ nét, nhiều nước tập trung phát triển sản xuất, thương mại nội địa; xung đột thương mại vẫn là nguy cơ trên toàn cầu;... là các yếu tố ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu.
Vì vậy, Cục Xuất nhập khẩu cần tiếp tục tham mưu các cơ chế, chính sách xuất, nhập khẩu phù hợp diễn biến tình hình trong và ngoài nước, không chỉ theo hướng thúc đẩy xuất khẩu mà cần gắn xuất, nhập khẩu với phát triển kinh tế chung của cả nước, tập trung phát triển xuất, nhập khẩu bền vững.
Cùng với việc tiếp tục mở rộng và đa dạng hóa thị trường, mặt hàng xuất khẩu, Bộ Công thương cũng sẽ chú trọng đổi mới hoạt động xúc tiến thương mại, đẩy mạnh phân phối hàng hóa qua nền tảng số, thương mại điện tử, chú trọng xây dựng, phát triển thương hiệu hàng Việt Nam.