Tại Đắk Lắk
Giám đốc Sở Y tế Đắk Lắk - Ông Nay Phi La xác nhận tại địa phương vừa có một ca dương tính với SARS-CoV-2. Đó là sinh viên đang theo học tại Đà Nẵng mới về lại địa phương: "Người này được theo dõi và cách ly tại Bệnh viện vùng Tây Nguyên. Chúng tôi đang khoanh vùng, đồng thời rà soát những người tiếp xúc với bệnh nhân này", ông Nay Phi La nói.
Sở Y tế Đắk Lắk chỉ đạo các đơn vị trực thuộc khẩn trương thiết lập lại các biện pháp phòng phòng chống dịch tại đơn vị như đeo khẩu trang, rửa tay bằng dung dịch sát khuẩn. Các cơ sở khám chữa bệnh tiếp tục duy trì việc phân luồng khám chữa bệnh đối với những bệnh nhân có triệu chứng bệnh hô hấp. Tăng cường lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp nghi ngờ mắc COVID-19.
Sở Y tế Đắk Lắk giao Trung tâm kiểm soát bệnh tật phối hợp với Cảng hàng không Buôn Ma Thuột triển khai hoạt động kê khai y tế và giám sát thân nhiệt đối với hành khách trên các chuyến bay từ Đà Nẵng về Buôn Ma Thuột.
Tại Hà Nội
Sáng 29/7, công an phong tỏa một nhà hàng pizza tại số 106 Trần Thái Tông (Cầu Giấy, Hà Nội). Thông tin ban đầu cho biết ca nghi nhiễm là một nam nhân viên của quán. Người này đi Đà Nẵng du lịch cùng gia đình (khoảng 29 người) từ ngày 12 đến ngày 15/7.
Đến ngày 23/7, nam nhân viên sốt nhẹ kèm ho có đờm đặc. Ngày 28/7, người này đến khám tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương và được hướng dẫn nhập viện cách ly. Kết quả xét nghiệm lần 1 cho thấy nam nhân viên này dương tính với SARS-CoV-2.
Quán pizza đang được phun khử trùng. Ảnh: Hồng Quang. |
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung xác nhận Hà Nội đang có 1 ca nghi nhiễm do đi từ Đà Nẵng về. Thành phố đang gấp rút triển khai công tác khoanh vùng, điều tra, truy nguồn gốc những người có liên quan đến ca nghi nhiễm này.
“Trường hợp này tương đối phức tạp”, ông Chung nói.
Về công tác chuẩn bị máy móc, thiết bị y tế phòng dịch của Hà Nội, ông Chung khẳng định “đều đã được chuẩn bị tốt và đầy đủ”. Riêng với việc vừa qua xảy ra vụ án ở CDC Hà Nội khiến một số máy móc, thiết bị phòng chống dịch bị thu hồi, người đứng đầu chính quyền Hà Nội cho biết khi có dịch, thành phố phải tiếp tục mượn lại các thiết bị, máy móc phục vụ cho công tác phòng chống và điều trị Covid-19.
Thông tin thêm, Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội Khổng Minh Tuấn cho hay người này có biểu hiện sốt, ho khi về từ Đà Nẵng đã nhập viện, theo dõi và cách ly tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương (cơ sở 2).
"Đây mới chỉ là ca nghi nhiễm và cần phải xét nghiệm lại để khẳng định", ông Tuấn nói.
Tại Quảng Ngãi
Sáng 29/7, lãnh đạo Sở Y tế Quảng Ngãi thông báo về tình hình sức khỏe bệnh nhân 419 mắc Covid-19 đang được cách ly, điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Bình Sơn (cơ sở 2, Khu kinh tế Dung Quất). Đây là nam thanh niên 17 tuổi, ngụ tại phường Quảng Phú, TP Quảng Ngãi
Bệnh nhân tỉnh táo, đau rát họng, tinh thần căng thẳng, lo lắng và có cảm giác khó thở. Nhân viên y tế đã lấy mẫu bệnh phẩm của nam thanh niên này lần 2. Kết quả, bệnh nhân vẫn dương tính với SARS-CoV-2.
Ngoài ra, một em bé 10 tháng tuổi là F1 của bệnh nhân 416 có dấu hiệu ho, sốt, khó thở. Trường hợp này đang được điều trị tại Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Quảng Ngãi.
Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, ngành y tế Quảng Ngãi khuyến cáo người dân không đi đến những vùng đang có dịch theo thông báo hàng ngày của Bộ Y tế; hạn chế di chuyển ra ngoài tỉnh, không tập trung, tham gia các hoạt động đông người, đến bến tàu, bến xe nếu không thật sự cần thiết.
Nhân viên ngành y tế Quảng Ngãi phun thuốc tiêu độc, khử trùng các công dân Việt Nam từ vùng có dịch Covid-19 ở nước ngoài trở về địa phương. Ảnh: T.P. |
Cùng ngày, Viện Pasteur Nha Trang vừa công bố kết quả xét nghiệm 35 trường hợp F1 tiếp xúc gần với bệnh nhân 419 đều âm tính.
Lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi cũng yêu cầu lực lượng công an chủ trì phối hợp với sở y tế cùng các đơn vị liên quan tập trung cao độ tìm kiếm, truy vết các trường hợp F1. Đây là những người từng tiếp xúc gần với các ca bệnh dương tính ở TP Đà Nẵng và Quảng Ngãi, đến Bệnh viện C, Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng Đà Nẵng từ ngày 15/7 đến nay.
"Các trường hợp F1 phải được cách ly tập trung và lấy mẫu xét nghiệm. Quá trình truy vết, các tổ chức, cá nhân nào không hợp tác sẽ có biện pháp xử lý nghiêm", ông Dũng nói.
Sở Y tế Quảng Ngãi vừa kiến nghị Bộ Y tế hỗ trợ nguồn nhân lực giàu kinh nghiệm và thiết bị xét nghiệm sàng lọc tại chỗ nhanh chóng để phòng, chống dịch Covid-19.
Tại Đà Nẵng
CA BỆNH 439 (BN439): Bệnh nhân nữ, 68 tuổi, là người nhà chăm bệnh nhân tại Bệnh viện Đà Nẵng.
CA BỆNH 440 (BN440): Bệnh nhân nữ, 41 tuổi, là người nhà chăm bệnh nhân tại Bệnh viện Đà Nẵng.
CA BỆNH 441 (BN441): Bệnh nhân nữ, 43 tuổi, là người nhà chăm bệnh nhân tại Bệnh viện Đà Nẵng.
CA BỆNH 442 (BN442): Bệnh nhân nữ, 55 tuổi, là người nhà chăm bệnh nhân tại Bệnh viện Đà Nẵng.
CA BỆNH 443 (BN443): Bệnh nhân nữ, 43 tuổi, là người nhà chăm bệnh nhân tại Bệnh viện Đà Nẵng.
CA BỆNH 444 (BN444): Bệnh nhân. nam, 19 tuổi, là bệnh nhân tại Bệnh viện Phổi Đà Nẵng
CA BỆNH 445 (BN445): Bệnh nhân nữ, 61 tuổi, là bệnh nhân tại Khoa Mắt, Bệnh viện C Đà Nẵng.
CA BỆNH 446 (BN446): Bệnh nhân nữ, 39 tuổi, có địa chỉ tại Cẩm Lệ, Đà Nẵng, là bệnh nhân tại Bệnh viện Giao thông vận tải, Đà Nẵng.
Qua điều tra, giám sát mở rộng, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Đà Nẵng đã lấy mẫu, xét nghiệm các trường hợp nghi ngờ.
Kết quả xét nghiệm ngày 28/7/2020 có 8 ca dương tính với vi rút SARS-CoV-2. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Đà Nẵng tiếp tục điều tra dịch tễ, lập danh sách các trường hợp tiếp xúc gần, xử lý triệt để ổ dịch theo quy định không để lây lan.
Đà Nẵng phong tỏa 3 bệnh viên đang điều trị cho các bệnh nhân mắc Covid-19. Ảnh: Phạm Ngôn. |
Tối 28/7, bác sĩ Lê Đức Nhân, Giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng, cho biết 2 bệnh nhân 416 và 418 đã hết sốt, nhiều chỉ số chức năng hoạt động của cơ thể được cải thiện.
Trong đó, bệnh nhân 416 được can thiệp ECMO ngày thứ 5, các thông số sinh tồn đã ổn định, sức khỏe cải thiện dần, có thể cai ECMO trong những ngày tới.
Đối với bệnh nhân 418, ba ngày qua, các nhân viên y tế xem xét khả năng đặt ECMO cho trường hợp này. Tuy nhiên, do các chỉ số hô hấp, oxy máu, kết quả xét nghiệm, đánh giá cơ học dần ổn định nên chưa phải can thiệp ECMO.
Tình hình điều trị: Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19: đến thời điểm này đã có 369/446 ca bệnh COVID-19 của nước ta được công bố khỏi bệnh, chiếm 84,2% tổng số ca bệnh.
Riêng đối với bệnh nhân người nước ngoài, đến nay có 50 bệnh nhân mang quốc tịch nước ngoài đã được Việt Nam điều trị khỏi. Không có trường hợp bệnh nhân COVID-19 nặng nào tử vong cho đến thời điểm này.
Tính đến sáng ngày 29/7, trong số các bệnh nhân COVID-19 đang điều trị, theo dõi sức khoẻ tại các cơ sở y tế, hiện có 12 bệnh nhân có kết quả xét nghiệm âm tính từ 1- 2 lần với virus SARS-CoV-2. Hiện còn 65 bệnh nhân dương tính với virus gây COVID-19.
Hiện các bệnh nhân đang điều trị tại các cơ sở y tế đa số đều có sức khoẻ ổn định. Riêng trong số các bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện Đà Nẵng hiện có 3 trường hợp nặng, đó là: bệnh nhân (BN) BN 416 chạy ECMO sau 5 ngày các chỉ số đã cải thiện, khả năng bệnh nhân nay sẽ được cai ECMO trong những ngày tới; BN 418 tiền sử mắc nhiều bệnh nền như tăng huyết áp, đái tháo đường type 2, gặp biến chứng suy hô hấp, suy tim, tổn thương thận cấp, trường hợp này tiếp tục được theo dõi, chưa có chỉ định ECMO, tiếp tục được theo dõi sát sao.
Hiện cả hai trường hợp bệnh nhân 416 và 418 đều đã hết sốt.
Trường hợp thứ 3 là bệnh nhân 431 mắc nhiều bệnh nền như suy thận mãn giai đoạn cuối, xơ gan, suy tim, tăng huyết áp, tổn thương phổi… tuy nhiên hiện các thông số tạm ổn định, chưa phải chạy ECMO. Bệnh nhân đang thở oxy qua mặt nạ.
Lan Phương T/H