Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với dừa tươi xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc đã chính thức được kí kết, kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội lớn cho nông sản Việt Nam.
Trong các nhóm mặt hàng vừa ký nghị định thư, sầu riêng đông lạnh được xem là sản phẩm có giá trị xuất khẩu lớn nhất, đóng góp đáng kể vào kim ngạch xuất khẩu nông sản. Việc mở cửa chính thức thị trường Trung Quốc cho sản phẩm này dự kiến sẽ tạo ra cơ hội lớn cho ngành sầu riêng Việt Nam. Năm 2023, Việt Nam đã xuất khẩu khoảng 500.000 tấn sầu riêng, đạt kim ngạch 2,3 tỷ USD, trong đó xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm tới 90%.
Dự kiến, xuất khẩu sầu riêng đông lạnh của Việt Nam có thể đạt kim ngạch từ 400-500 triệu USD ngay trong năm 2024 - năm đầu tiên sau khi ký kết nghị định thư và có khả năng nhanh chóng trở thành mặt hàng nông sản xuất khẩu tỷ USD ngay trong năm 2025.
Đánh giá triển vọng xuất khẩu mặt hàng sầu riêng đông lạnh, TS Lương Ngọc Trung Lập - chuyên gia phân tích thị trường nông sản cho biết, việc mở cửa thị trường cho sản phẩm này sẽ giúp đa dạng hóa chế biến, giảm áp lực về thời vụ thu hoạch, đồng thời tạo ra giá trị gia tăng lớn hơn cho ngành sầu riêng. Trong khi đó, theo Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT), sầu riêng đông lạnh cũng là giải pháp hiệu quả nếu gặp bối cảnh thị trường khủng hoảng dư thừa, cung vượt cầu.
Với mặt hàng dừa tươi, theo Bộ NNPTNT trong các năm 2022, 2023, kim ngạch xuất khẩu của các sản phẩm từ dừa và liên quan tới dừa đã tiệm cận 1 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu trái dừa tươi đạt gần 800 triệu USD. Với việc mở cửa thị trường Trung Quốc, dự kiến kim ngạch xuất khẩu dừa tươi có thể tăng thêm 200-300 triệu USD ngay trong năm 2024, sẽ đem về kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD. Đồng thời dự báo xuất khẩu dừa tươi sẽ tăng trưởng mạnh vào các năm tiếp theo.
Hiệp hội Dừa Việt Nam thống kê, cả nước có khoảng 100 doanh nghiệp liên quan đến dừa, trong đó hơn 40 doanh nghiệp sản xuất chế biến sâu. Bên cạnh sản xuất, các doanh nghiệp còn khai thác một số nguyên liệu, phế phụ phẩm từ dừa, phục vụ các ngành thực phẩm, y tế, mỹ phẩm.
Bến Tre được xem là thủ phủ dừa của cả nước. Ngoài ra, tại Tây Ninh, Hậu Giang, Long An, Khánh Hòa, Bình Thuận, Bình Định, nhiều doanh nghiệp đã đầu tư công nghệ, vùng trồng nguyên liệu hữu cơ hướng đến xuất khẩu. Tính đến hết năm 2023, có khoảng 15 trang trại trồng dừa chuyên canh, với diện tích trên 100ha.
“Trung Quốc là thị trường vô cùng tiềm năng vì mỗi năm sử dụng tới 2,6 tỷ trái dừa tươi và 1,5 tỷ trái dừa phục vụ chế biến. Với lợi thế về khoảng cách địa lý, thời gian vận chuyển ngắn với chi phí thấp nên sản phẩm sẽ cạnh tranh được với các quốc gia khác. Nếu dừa tươi của Việt Nam mở cửa được tại thị trường này, xuất khẩu dừa sẽ có bước đột phá”- ông Trần Văn Đức - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư dừa Bến Tre nhận định.
Còn theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, nhu cầu nhập khẩu mặt hàng này của thị trường Trung Quốc là rất lớn và có xu hướng tăng trưởng ổn định, năm sau cao hơn năm trước. Trong khi đó, sản lượng dừa của Trung Quốc mới chỉ đáp ứng được khoảng 10% nhu cầu tiêu thụ nội địa, phần còn lại là nhập khẩu. Do đó, nếu xuất khẩu chính ngạch được mặt hàng này vào thị trường Trung Quốc sẽ giúp xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam tiếp tục tăng trưởng khả quan.
Theo Đại Đoàn Kết