Hà Nội, Thứ Bảy Ngày 27/04/2024

Phát triển thêm lưới điện quốc gia, năng lượng sạch, thủy điện… phải được sự phê duyệt của Uỷ ban quản lý vốn

Lê Kim Liên 09:15 12/06/2023

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) không chỉ chịu sự quản lý nhà nước của Bộ Công Thương, mà còn phải chịu sự cung cấp vốn, quản lý vốn của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Uỷ ban quản lý vốn chỉ đạo trực tiếp hoạt động của EVN

Theo các chuyên gia kinh tế, để phân định chức năng, nếu Bộ Công Thương là cơ quan ban hành chính sách, quy hoạch và chiến lược phát triển năng lượng cho quốc gia thì Uỷ ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp là cơ quan chỉ đạo trực tiếp hoạt động của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).

Với chức năng đại diện chủ sở hữu nhà nước, nhiều hoạt động liên quan đến Tập đoàn Điện lực Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo thông qua Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp

Nhận định “biến đổi khí hậu khó dự báo, nắng nóng gay gắt kéo dài, nguy cơ xảy ra hạn hán, thiếu nước, thiếu điện cục bộ”, Chính phủ đã giao cho Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp “Chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam khẩn trương khắc phục hiệu quả tình trạng thiếu điện cục bộ ở miền Bắc và nghiên cứu, đàm phán có kết quả đối với các dự án, phần dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp, góp phần xử lý tình trạng thiếu điện”.

Muốn phát triển thêm lưới điện quốc gia, năng lượng sạch, thủy điện… cần có sự phê duyệt và chấp thuận của Ủy ban

Sở dĩ Chính phủ giao Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp “Chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam…” là theo Nghị định 131/2018/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, cơ quan này là “đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và phần vốn nhà nước đầu tư tại công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên”.

Nghị định 131 giao Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp có 3 trách nhiệm chính: “Xây dựng và trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chiến lược tổng thể đầu tư phát triển doanh nghiệp thuộc phạm vi quản lý của Ủy ban” (Khoản 1, Điều 4); “Xây dựng và trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ kế hoạch hoạt động dài hạn, 05 năm và hằng năm của Ủy ban” (Khoản 2, Điều 4); và “Tổ chức triển khai thực hiện chiến lược, kế hoạch, chương trình về quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt” (Khoản 3, Điều 4).

Uỷ ban còn có quyền hạn: “Chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và các cơ quan có liên quan trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chiến lược, kế hoạch đầu tư phát triển và kế hoạch sản xuất, kinh doanh 05 năm của doanh nghiệp do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập” (Điểm d, Khoản 2, Điều 5).

Gần một năm trước, ngày 27/6/2022, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì cuộc họp về tình hình sản xuất kinh doanh 6 tháng đầu năm 2022 và tình hình thực hiện các dự án trọng điểm của Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN). Sau cuộc họp, ngày 9/7/2022, Văn phòng Chính phủ ra thông báo số 200/TB-VPCP ngày 09/07/2022 Thông báo Kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.

Trong Thông báo 200, Thủ tướng nhấn mạnh “Việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm ngành điện nói chung và các dự án trọng điểm của EVN là rất cần thiết, có ý nghĩa quan trọng trong phát triển của ngành điện nói riêng, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia và cho phát triển kinh tế chung của đất nước”. Và giao cho “Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp khẩn trương xem xét, giải quyết các kiến nghị cụ thể của EVN theo thẩm quyền và quy định của pháp luật, không để ách tắc do các thủ tục làm chậm tiến độ triển khai các dự án”.

Gần đây nhất, ngày 6/6/2023, Thủ tướng ban hành công điện số 517/CĐ-TTg, yêu cầu Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chỉ đạo các Tập đoàn EVN, PVN, TKV phối hợp chặt chẽ, hiệu quả thực hiện các giải pháp bảo đảm cung ứng điện mùa khô năm 2023 và thời gian tiếp theo; kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ những vấn đề vượt thẩm quyền.

Thiếu điện có phần trách nhiệm của Ủy ban quản lý vốn

Theo đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa- đoàn Đồng Tháp, tình trạng thiếu điện đã kéo dài nhiều năm nay nhưng chưa khắc phục được, đây là một vấn đề cực kỳ quan trọng trong trách nhiệm của quản lý. “Khi để xảy ra tình trạng thiếu điện, không phải chỉ có trách nhiệm của Bộ Công Thương, mà còn một phần trách nhiệm của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp” - đại biểu Phạm Văn Hòa nêu.

Ông Phạm Văn Hòa lý giải, một số doanh nghiệp điện cho biết, nhiều dự án điện năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, hay những dự án xây dựng nhà máy nhiệt điện đang chờ Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp phê duyệt dự án.

Bởi hiện nay, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp quản lý toàn bộ vốn tất cả những công ty, doanh nghiệp có vốn của nhà nước. Theo đó, các doanh nghiệp, công ty có vốn của nhà nước muốn hoạt động sản xuất kinh doanh, xây dựng mới, phát triển mới ở những loại hình mới, điển hình như EVN cũng phải chờ sự phê duyệt từ Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Do đó, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp có một phần trách nhiệm trong việc để xảy ra tình trạng thiếu điện.

Theo vị đại biểu đoàn Đồng Tháp, đơn vị trực tiếp quản lý, điều hành, cung cấp điện cho người dân sinh hoạt là EVN. Tuy nhiên, EVN không chỉ chịu sự quản lý nhà nước của Bộ Công Thương, mà còn phải chịu sự cung cấp vốn, quản lý vốn của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp. EVN cũng không có quyền ban hành giá điện, mà chỉ đề xuất, Bộ Công Thương phải xin ý kiến Chính phủ có chấp nhận giá đó hay không.

“Muốn phát triển thêm lưới điện quốc gia, năng lượng sạch, thủy điện… cần thêm vốn, nhưng vốn thì Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp quản lý nên cần có sự phê duyệt và chấp thuận của Ủy ban mới phát triển được” - ông Hòa nhắc lại.

Những điều kiện về mặt pháp lý và một số vấn đề khác đã ảnh hưởng đến sự chậm trễ cho việc phát triển thêm nhiều mạng lưới điện. Đặc biệt, Quy hoạch Điện VIII sắp tới đây tổ chức thực hiện, nhưng nếu không có vốn, chờ quản lý và xây dựng chậm thì tình hình thiếu điện sẽ còn bức xúc hơn nữa.

Vì vậy, với trách nhiệm quản lý nhà nước, Bộ Công Thương cần tham mưu cho Chính phủ để chỉ đạo, điều hành hoạt động của EVN. Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp phải có giám sát, thẩm định, thẩm tra lại những dự án mà EVN đề xuất nhằm nhanh chóng đưa những dự án vào hoạt động để có nhiều điện năng trong hoạt động. Đặc biệt, hiện nay, trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, các doanh nghiệp điện gió, điện mặt trời chưa hòa mạng được cần nhanh chóng làm việc với EVN, để sớm đưa điện hòa lưới, giảm bớt gánh nặng cho ngành điện lực- đại biểu đoàn Đồng Tháp nhấn mạnh.

Theo ViệtQ

Link gốc : https://vietq.vn/phat-trien-them-luoi-dien-quoc-gia-nang-luong-sach-thuy-dien-phai-duoc-su-phe-duyet-cua-uy-ban-quan-ly-von-d211411.html

Bạn đang đọc bài viết Phát triển thêm lưới điện quốc gia, năng lượng sạch, thủy điện… phải được sự phê duyệt của Uỷ ban quản lý vốn tại chuyên mục Thời sự. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Thời sự