Hà Nội, Thứ Bảy Ngày 20/04/2024

Cơn sốc giá cả thực phẩm tiềm ẩn rủi ro lạm phát tăng cao

TDVN 21:35 09/12/2019

Giá thực phẩm đang tăng nhanh tại nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam, điều này tiềm ẩn rủi ro lạm phát tăng cao sau nhiều tháng được kiềm chế.

Cụ thể, hai nền kinh tế lớn nhất châu Á đối diện với rủi ro giá thực phẩm thiết yếu tăng nhanh, tại Trung Quốc giá thịt lợn tăng chóng mặt. Lần đầu tiên trong 10 năm trở lại đây, chi phí sinh hoạt tại Trung Quốc đã vượt so với chỉ tiêu 3% của chính phủ. Một trong những nguyên nhân là do giá thịt heo tăng mạnh kể từ khi dịch tả heo châu Phi bùng phát.

Trong khi đó, dân số châu Á có thể tăng xấp xỉ 250 triệu người trong thập kỷ tới. Trong khi người tiêu dùng đang đòi hỏi nguồn thực phẩm bền vững và an toàn hơn, một nghiên cứu mới lại chỉ ra rằng châu lục này “không thể tự cung cấp đủ lương thực”.

Cụ thể, theo một báo cáo của Asia Food Challenge, Châu Á hiện đang không có đủ thực phẩm cho chính mình, châu Á phụ thuộc vào nguồn thực phẩm nhập khẩu từ chuỗi cung ứng từ châu Mỹ, châu Âu và châu Phi.

Từ năm 2018, Liên hợp quốc từng đưa ra thông tin tương tự: “Nhìn chung, các nước châu Mỹ - Latinh, Đông Phi và Nam Á đang xuất khẩu ròng thực phẩm trong khi đó phần lớn các nước châu Á và châu Phi nhập khẩu ròng thực phẩm”. Điều đó đồng nghĩa với châu Á phụ thuộc vào nhiều nước khác nhằm đáp ứng cho nhu cầu thực phẩm của mình.

Tại Ấn Độ giá hành tăng vọt, cả hai loại này đều vô cùng cần thiết với chế độ ăn hàng ngày của người tiêu dùng.

Tại Thổ Nhĩ Kỳ và Nigeria, những vấn đề về nguồn cung đang khiến cho chi phí tăng lên, cùng lúc đó, số liệu của Liên hợp quốc cho thấy giá thực phẩm toàn cầu trong tháng 10/2019 tăng nhanh nhất 2 năm.

Gần đây, các chuyên gia thuộc Nomura Holdings cảnh báo về khả năng giá thực phẩm tăng cao có nguyên nhân từ các yếu tố liên quan đến thời tiết, giá dầu cao và việc đồng USD giảm giá sâu. Các chuyên gia khẳng định rằng nhóm các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển đối diện với nhiều rủi ro nhất bởi chi tiêu cho thực phẩm chiếm tỷ lệ lớn trong thu nhập của người tiêu dùng.

Điều được quan tâm nhất hiện nay chính là khi nào việc giá thực phẩm tăng sẽ tác động đến lạm phát dài hạn, yếu tố đó có thể đẩy cao lương và lạm phát lõi, theo nhận định của chuyên gia kinh tế trưởng tại Nomura, ông Sonal Varma.
Ông Richard Skinner – người đứng đầu các hoạt động và chiến lược của PwC tại châu Á - Thái Bình Dương – đã gợi mở về một bức tranh ảm đảm về tương lai ngành lương thực của châu Á. Trả lời kênh CNBC, ông Skinner nói: “Nếu không giải quyết thực trạng này, chúng ta sẽ rơi vào tình thế xấu trong 10 năm tới”.
Mai Hương(T/H)/Sở hữu Trí tuệ
Bạn đang đọc bài viết Cơn sốc giá cả thực phẩm tiềm ẩn rủi ro lạm phát tăng cao tại chuyên mục Tiêu dùng quốc tế. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]