Hà Nội, Thứ Ba Ngày 03/12/2024

Nhật Bản mở cửa trở lại trường học ở một số khu vực trong tâm bão dịch COVID - 19

TDVN 16:49 06/04/2020

Các trường học ở thủ đô Tokyo và một số khu vực khác, nơi vẫn ghi nhận sự lây lan của dịch bệnh thì tiếp tục phải đóng cửa và dự kiến có thể thêm ít nhất một tháng nữa.

--Một trường học ở Nhật Bản. (Nguồn: Kyodo)

Các trường học ở nhiều nơi tại Nhật Bản đã mở cửa trở lại từ ngày 6/4 sau khi đóng cửa hơn một tháng nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Tuy nhiên, các trường học ở thủ đô Tokyo và một số khu vực khác, nơi vẫn ghi nhận sự lây lan của dịch bệnh thì tiếp tục phải đóng cửa và dự kiến có thể thêm ít nhất một tháng nữa.

Bộ Giáo dục Nhật Bản đã gửi hướng dẫn cho các sở giáo dục trên toàn quốc từ hôm 24/3 về mở cửa trở lại các trường học, bao gồm những chỉ dẫn để đảm bảo lớp học được thông thoáng và kiểm tra thân nhiệt của học sinh mỗi buổi sáng đến trường nếu học sinh không đo nhiệt độ ở nhà.

Tài liệu hướng dẫn này được cập nhật vào tuần trước, theo đó chia thành ba khu vực, khu vực lây nhiễm, khu vực xác định được các ca nhiễm và khu vực hết dịch (cho phép trường học được mở cửa trở lại).

Trước đó, hôm 27/2, Thủ tướng Shinzo Abe đã ra chỉ thị yêu cầu tất cả các trường tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông phải đóng cửa trên toàn quốc từ ngày 2/3 đến hết kỳ nghỉ Xuân thường kết thúc vào đầu tháng Tư, khiến nhiều học sinh phải học ở nhà trong thời gian này.

Chính phủ Nhật Bản dự định sẽ tích trữ Avigan, một loại thuốc kháng virus do công ty dược phẩm Fujifilm Toyama Chemical bào chế được cho là có tác dụng trong việc chữa trị cho các bệnh nhân nhiễm COVID-19, để đảm bảo đủ chữa trị cho 2 triệu người.

Chính phủ Nhật Bản đang trong giai đoạn thảo luận cuối cùng về việc hỗ trợ tài chính cho việc sản xuất thuốc trị cúm Avigan phục vụ cho việc tích trữ.

Theo hãng tin Jiji Press, khoản hỗ trợ tài chính này sẽ được đưa vào gói kích thích kinh tế khẩn cấp mà chính phủ đang soạn thảo.

Phát biểu trên một chương trình truyền hình ngày 5/4, Bộ trưởng Tái thiết Kinh tế Nhật Bản Yasutoshi Nishimura cho biết chính phủ sẽ hỗ trợ cho các công ty sản xuất nguyên liệu phục vụ cho việc bào chế Avigan.

Cùng với việc tích trữ thuốc Avigan, theo đài truyền hình NHK, Chính phủ Nhật Bản có kế hoạch cung cấp miễn phí thuốc Avigan cho các quốc gia đang chịu tác động của dịch bệnh.

Hôm 3/4, Chánh Văn phòng Nhật Bản Yoshihide Suga cho biết cho đến nay, Chính phủ Nhật Bản đã nhận được yêu cầu cung cấp thuốc Avigan từ khoảng 30 quốc gia. Nhật Bản dự định sẽ cung cấp miễn phí cho mỗi quốc gia số lượng Avigan mà họ cần.

Avigan là một loại thuốc kháng virus do công ty dược phẩm Fujifilm Toyama Chemical bào chế dùng để chữa trị cho các bệnh nhân cúm.

Các nhà nghiên cứu Trung Quốc cho biết Avigan có hiệu quả trong việc chống lại virus SARS-CoV-2 trong các thử nghiệm lâm sàng. Chính vì vậy, Fujifilm Toyama Chemical đang tiến hành các thử nghiệm sử dụng thuốc Avigan đối với khoảng 100 bệnh nhân mắc COVID-19.

Cuộc thử nghiệm này sẽ kéo dài đến cuối tháng Sáu tới. Ban lãnh đạo Fujifilm Toyama Chemical dự định sẽ đề nghị chính phủ cho phép sử dụng Avigan trong phác đồ điều trị cho các bệnh nhân COVID-19 nếu kết quả thử nghiệm chứng minh được hiệu quả và sự an toàn của loại thuốc này.

Trong nỗ lực khác nhằm khống chế dịch COVID-19, chính quyền của Thủ tướng Abe đang thúc đẩy các nghiên cứu lâm sàng ở cả trong và ngoài Nhật Bản về các loại vaccine phòng ngừa virus SARS-CoV-2 và thuốc điều trị COVID-19.

Mặt khác, chính phủ dự kiến sẽ hỗ trợ cho các công ty sản xuất máy trợ thở và máy thở ECMO - những thiết bị quan trọng được sử dụng trong quá trình chữa trị cho các bệnh nhân.

Hiện tại, Nhật Bản có khoảng 8.000 máy trợ thở nhưng con số này có thể sẽ không đủ nếu số bệnh nhân COVID-19 trong tình trạng nguy kịch tăng./.

Theo Vietnamplus

Link gốc : https://www.vietnamplus.vn/nhat-ban-mo-cua-tro-lai-truong-hoc-o-mot-so-khu-vuc/632706.vnp

Bạn đang đọc bài viết Nhật Bản mở cửa trở lại trường học ở một số khu vực trong tâm bão dịch COVID - 19 tại chuyên mục Tiêu dùng quốc tế. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Tiêu dùng quốc tế