Tổng số ca mắc:
- Tính từ 6h ngày 16/4 đến 18h ngày 05/7: 80 ngày Việt Nam không có ca lây nhiễm trong cộng đồng.
- Tính đến 18h ngày 05/7: Việt Nam có tổng cộng 215 ca nhiễm nhập cảnh được cách ly ngay.
- Tính từ 6h đến 18h ngày 05/7: 0 ca mắc mới.
Số người cách ly: Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly): 11.466, trong đó:
- Cách ly tập trung tại bệnh viện: 107
- Cách ly tập trung tại cơ sở khác: 10.919
- Cách ly tại nhà, nơi lưu trú: 440
Theo thông tin của Tiểu ban Điều trị, đến thời điểm này đã có 340/355 bệnh nhân COVID-19 ở nước ta được công bố khỏi bệnh, chiếm 95,8% tổng số ca bệnh.
Trong đó 49/50 bệnh nhân mang quốc tịch nước ngoài đã được Việt Nam điều trị khỏi. Hiện chỉ còn bệnh nhân 91 là phi công đang được điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy.
15 bệnh nhân đang điều trị tại các cơ sở y tế trong tình trạng sức khoẻ ổn định
Tính đến chiều ngày 5/7, trong số các bệnh nhân COVID-19 đang điều trị, theo dõi sức khoẻ tại các cơ sở y tế, hiện có 0 bệnh nhân có kết quả xét nghiệm âm tính lần 1 với virus SARS-CoV-2; và 3 bệnh nhân có kết quả xét nghiệm âm tính 2 lần trở lên với virus SARS-CoV-2. Hiện còn 12 bệnh nhân dương tính với COVID-19.
Tiểu ban Điều trị cho hay bệnh nhân 91 (nam phi công người Anh) đang điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy đã hồi phục toàn diện và đủ tiêu chuẩn xuất viện an toàn, hồi hương bằng máy bay thương mại (ngày 12/7 trên chuyến bay của Vietnam Arlines sang Anh đón công dân về nước), không phải cách ly và sẽ được làm xét nghiệm lần cuối và xác nhận không còn SARS-CoV-2. Bệnh viện Chợ Rẫy sẽ phối hợp với đại diện của cơ quan bảo hiểm uỷ quyền để làm các thủ tục xuất viện cho bệnh nhân.
Đến nay, bệnh nhân 91 đã trải qua 109 ngày điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh và Bệnh viện Chợ Rẫy, trong đó tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh bắt đầu từ ngày 18/3-chiều 22/5 và tại Khoa Hồi sức tích cực của Bệnh viện Chợ Rẫy từ chiều ngày 22/5 đến nay.
Trong quá trình điều trị, đã có những lúc, sức khoẻ của nam phi công gần như rơi vào tình trạng nguy kịch khi phổi đông đặc gần 90%, liên tục âm tính rồi lại dương tính với SARS-COV-2, bệnh nhân đã phải can thiệp ECMO, sử dụng máy thở nhiều ngày, lọc máu... Thậm chí Bộ Y tế còn phải nhập khẩu thuốc điều trị rối loạn đông máu từ nước ngoài về để điều trị cho bệnh nhân vì anh không tương thích với các thuốc rối loạn đông máu hiện có.
Tiểu ban Điều trị và các chuyên gia đầu ngành truyền nhiễm, hô hấp, tim mạch, ngoại, hồi sức... đã tổ chức nhiều cuộc hội chẩn quốc gia để bàn các giải pháp, biện pháp cũng như phác đồ điều trị phù hợp với từng giai đoạn sức khoẻ của nam phi công.
Thậm chí phương án ghép phổi cũng đã được đưa ra, đã có trên 50 người dân Việt Nam tình nguyện đăng ký hiến một phần lá phổi để cứu bệnh nhân nam phi công, tuy nhiên, với sự nỗ lực, nhiệt tâm của các y bác sĩ, sự hỗ trợ 24/24 của các chuyên gia từ xa... sức khoẻ nam phi công đã tiến triển ngoạn mục, phương án ghép phổi đã không phải thực hiện... Bệnh nhân đã đủ điều kiện sức khoẻ trên chuyến bay kéo dài 12 tiếng từ Hà Nội về Anh vào ngày 12/7 tới đây.
Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 đề nghị người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới, tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng chống dịch theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ với "nhiệm vụ kép", vừa phát triển kinh tế, vừa phòng chống dịch COVID-19, giữ vững thành quả chống dịch đạt được. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo tiếp tục thực hiện 6 biện pháp bảo vệ trong phòng, chống dịch COVID-19: - Vệ sinh tay - Che miệng và mũi khi ho và hắt hơi - Không chạm tay lên mặt khi chưa rửa sạch tay - Hạn chế ở những không gian kín hoặc nơi đông người. - Giữ khoảng cách tối thiểu 1m - Thường xuyên làm sạch và khử trùng các vật/bề mặt hay được chạm vào. |
Theo Sức khỏe Đời sống