Sau hơn 8 năm kiên trì thực hiện sứ mệnh “ Tiếp lửa gieo tri thức đến bản làng”, CLB Sách Vùng Cao vừa hoàn thành và khánh thành dự án lớp học thứ 13 trong năm 2025, nâng tổng số phòng học cho mầm non lên 30 công trình vững chãi bao gồm lớp học – khuân viên - bếp ăn được trang bị đầy đủ.
![]() |
--Lễ động thổ xây dựng lớp thứ 30 trong dự án số 13 |
Lan tỏa niềm tin, bền vững với giáo dục vùng cao
Khởi xướng từ năm 2017 với lớp học mang tên “lớp học bút chì” đến nay CLB đã xây dựng được 30 phòng học, bố trí tại 23 thôn bản, 15 xã, 11 huyện của 6 tỉnh miền núi phía Bắc. Tổng diện tích sân chơi rộng 2.089 m², kinh phí đầu tư và quà tặng lên tới 4,7 tỷ đồng, 10 ngàn học sinh được tiếp cận internet miễn phí… – hoàn toàn từ nguồn xã hội hóa bởi các thành viên CLB.
![]() |
--Không khí khánh thành điểm trường – nơi lần đầu có lớp học riêng mình. |
![]() |
“Chúng tôi là những thành viên đến từ các ngành nghề khác nhau – giáo dục, xây dựng, tài chính, nghệ thuật… Nhưng đều chung một sự quan tâm - một trăn trở về môi trường học tập cho con em mầm non ở những vùng sâu vùng xa nơi còn nhiều khó khăn. Mỗi lớp học không chỉ là nơi che mưa nắng, mà còn là niềm tin vào một tương lai tốt đẹp hơn cho trẻ em vùng cao.” — anh Vinh Hà, Chủ tịch CLB Sách Vùng Cao, chia sẻ.
![]() |
Các thành viên CLB tự tay lên hình và trang trí lớp học |
Đồng hành cùng phụ huynh – thầy cô – cộng đồng
Cùng với việc xây dựng hạ tầng, CLB Sách Vùng Cao còn cấp phát trang thiết bị phục vụ việc ăn - ngủ, thư viện sách, bổ sung học liệu tư duy, tổ chức ngày hội đọc sách. Nhiều điểm trường sau khi hoàn thiện đã trở thành “trung tâm văn hóa nhỏ” giúp thầy trò bản làng kết nối và duy trì thói quen đọc – học mỗi ngày.
“Con số 30 lớp học là một cột mốc đáng nhớ, nhưng giá trị lớn hơn là chúng tôi đã cùng nhau nuôi dưỡng khát vọng học tập cho những đứa trẻ nơi đại ngàn, 8 năm tiếp lửa gieo chữ giữa đại ngàn chúng tôi đã được chứng kiến rất nhiều những nỗ lực của thầy cô nơi đây.” đại diện CLB bày tỏ.
Hướng đến vùng sâu, vùng xa chưa có trường kiên cố
Trong giai đoạn tiếp theo, CLB sẽ tập trung khảo sát các điểm trường đặc biệt khó khăn, nhất là mầm non vùng dân tộc thiểu số, với mục tiêu mỗi năm bổ sung thêm 10 công trình “xanh – bền – an toàn”.
![]() |
--Con đường mang tên CLB Sách Vùng Cao được dựng lên thay cho con đường lầy lội đến trường |
Theo đại diện CLB, ưu tiên hàng đầu là những điểm trường hiện vẫn còn học tạm trong nhà gỗ xuống cấp, mái tôn dột nát hoặc không có sân chơi cho trẻ. Tại nhiều khu vực, các lớp mầm non đang phải mượn phòng sinh hoạt cộng đồng hoặc dồn lớp ghép không đúng độ tuổi, ảnh hưởng lớn đến chất lượng chăm sóc – giáo dục trẻ.
“Chúng tôi không đặt mục tiêu làm nhiều, mà đặt mục tiêu làm đúng – đúng nơi, đúng nhu cầu, đúng tiêu chuẩn an toàn tối thiểu cho trẻ em. Bởi lẽ, với trẻ em vùng cao, một lớp học kiên cố không chỉ là nơi học, mà là nơi các em được bảo vệ trước giá rét, mưa lũ và nhiều bất ổn khác,” đại diện CLB nhấn mạnh.
Ngoài việc xây dựng lớp học mới, CLB cũng sẽ tăng cường kết nối đội ngũ chuyên gia giáo dục, kiến trúc sư và nhà tài trợ để từng công trình không chỉ vững chắc về kết cấu mà còn thân thiện với trẻ nhỏ, tiết kiệm năng lượng, tận dụng vật liệu địa phương và phù hợp bản sắc văn hóa từng vùng.