Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, Việt Nam đã ký kết và tham gia hàng loạt Hiệp định thương mại tự do (FTA). Nói như vậy để thấy Việt Nam là nền kinh tế có độ mở lớn, với biên độ mở trên 200%. Dẫu biết rằng việc tham gia các FTA mang đến nhiều lợi thế về mở rộng thị trường, giao thương, xuất khẩu hàng hoá... Tuy nhiên, các yêu cầu khắt khe của các thị trường khó tính, đòi hỏi tiêu chuẩn chất lượng cao là vấn đề lớn chúng ta cần đặc biệt quan tâm nếu muốn đứng vững và phát triển.
Vì vậy, việc xây dựng Chiến lược tiêu chuẩn hóa quốc gia là vô cùng cần thiết. TS. Hà Minh Hiệp - Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (TCĐLCL) khẳng định, nếu Việt Nam không có chiến lược, định hướng rõ ràng để phát triển hệ thống tiêu chuẩn quốc gia làm nền tảng cho sản xuất, kinh doanh thì các doanh nghiệp Việt Nam sẽ khó tồn tại cũng như giành lợi thế trong cuộc cạnh tranh trên trường quốc tế. Để đáp ứng mục tiêu của Chính phủ, phấn đấu đến năm 2030, Việt Nam là nước đang phát triển công nghiệp hiện đại, Việt Nam cần xây dựng và ban hành Chiến lược tiêu chuẩn hóa.
"Mục tiêu nhằm đưa hoạt động tiêu chuẩn hóa trở thành động lực quan trọng, có vai trò dẫn dắt, thúc đẩy sự phát triển hạ tầng chất lượng quốc gia (NQI), nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm hàng hóa, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, năng lực đổi mới sáng tạo của quốc gia trong tiến trình hội nhập quốc tế và hình thành nền tảng hệ thống tiêu chuẩn quốc gia phù hợp với tình hình mới, xác lập định hướng dài hạn, xác định nhu cầu và các đối tượng cần ưu tiên trong các ngành/ lĩnh vực, qua đó tập trung các nguồn lực để triển khai thành công các mục tiêu trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội”, TS. Hà Minh Hiệp nhận định.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Khôi - Vụ trưởng Vụ Tiêu chuẩn - Tổng Cục TCĐLCL, cho rằng, khi chúng ta tham gia sân chơi quốc tế thì phải tuân thủ luật chơi chung. Hơn nữa, ở một khía cạnh khác, khi chúng ta đáp ứng được các tiêu chuẩn quốc tế cao, hay nói đơn giản là hàng hóa của chúng ta có thể vượt qua các rào cản kỹ thuật thì đồng nghĩa với năng lực của doanh nghiệp đã phát triển hơn, dần định vị thương hiệu.
Cũng theo ông Khôi, để đẩy nhanh Chiến lược tiêu chuẩn hóa cần rất nhiều biện pháp đồng bộ từ phía các cơ quan quản lý Nhà nước, doanh nghiệp, người tiêu dùng để có sự phối hợp, chia sẻ, cùng đồng hành để nâng cao nền tảng văn hóa về chất lượng.
Ngoài ra, cần tập trung một số vấn đề sau: Thứ nhất phải định hướng được các nhóm tiêu chuẩn trọng tâm, trọng điểm để phát triển, hỗ trợ doanh nghiệp trong vấn đề xuất khẩu cũng như khẳng định vị thế doanh nghiệp tại thị trường nội địa;
Thứ hai phải tăng cường năng lực của Ban kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia bởi đây là các hạt nhân phát triển tiêu chuẩn.
Thứ ba là phải tận dụng được các dự án quốc tế, tận dụng nguồn lực để hỗ trợ doanh nghiệp tham gia vào hoạt động xây dựng tiêu chuẩn quốc tế, khu vực. Điều này rất quan trọng, vì doanh nghiệp là đối tượng chịu tác động trực tiếp từ các tiêu chuẩn, hiểu rõ nhất vấn đề của tiêu chuẩn.
Thứ tư là cần tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn để người dân cũng như mọi tầng lớp trong xã hội hiểu được vấn đề tiêu chuẩn hóa nhanh, đúng và kịp thời.