Nghị định 19/2020/NĐ-CP của Chính phủ về kiểm tra, xử lý kỷ luật trong thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính có hiệu lực từ 31/3/2020 quy định, buộc thôi việc là hình thức xử lý kỷ luật cao nhất đối với cán bộ, công chức, viên chức khi có hành vi vi phạm trong quá trình xử lý vi phạm hành chính.
Cũng theo Nghị định này, công chức, viên chức trong đó có lực lượng CAND, CSGT sẽ bị buộc thôi việc nếu có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn để sách nhiễu, đòi, nhận tiền, tài sản của người vi phạm; Dung túng, bao che, hạn chế quyền của người vi phạm hành chính khi bị xử lý vi phạm hành chính; Giữ lại vụ vi phạm có dấu hiệu tội phạm để xử lý vi phạm hành chính; Giả mạo, làm sai lệch hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính; Đe dọa, trù dập người cung cấp thông tin, tài liệu cho cơ quan kiểm tra…Các quy định về xử lý kỷ luật tại Nghị định này sẽ có hiệu lực từ 1/7/2020.
Nghị định 17/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung hàng loạt điều kiện đầu tư, kinh doanh trong nhiều lĩnh vực, trong đó có điều kiện kinh doanh rượu.
Theo đó, thương nhân sản xuất rượu công nghiệp, sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh, phân phối rượu, bán buôn rượu, bán lẻ rượu có độ cồn từ 5,5 độ trở lên phải có giấy phép.
Thương nhân bán rượu có độ cồn từ 5.5 độ trở lên tiêu dùng tại chỗ, thương nhân kinh doanh rượu có độ cồn dưới 5.5 độ phải đăng ký với Phòng Kinh tế hoặc Phòng Kinh tế và Hạ tầng cấp huyện; hộ gia đình, cá nhân sản xuất rượu thủ công có độ cồn từ 5,5 độ trở lên bán cho cơ sở có giấy phép sản xuất rượu để chế biến lại phải đăng ký với UBND cấp xã nơi đặt cơ sở sản xuất.
Thương nhân sản xuất, bán lẻ rượu có độ cồn từ 5,5 độ trở lên phải có giấy phép (ảnh minh họa) |
Quyết định 02/2020/QĐ-TTg của thủ tướng Chính phủ quy định, từ 1/3/2020 tiếp tục thực hiện thí điểm hỗ trợ vay vốn cho người bán dâm hoàn lương, người nhiễm HIV, người sau cai nghiện ma túy…tại 15 tỉnh, thành phố đến hết 31/12/2020.
Theo Quyết định này, người bán dâm hoàn lương, người nhiễm HIV/AIDS, người sau cai nghiện ma túy… vẫn được hỗ trợ vay 20 triệu đồng trong thời hạn 36 tháng với lãi suất bằng lãi suất cho vay hộ nghèo, lãi suất nợ quá hạn được tính bằng 130% lãi suất cho vay.
Thông tư 27/2019/TT-BGDĐT của Bộ GD&ĐT quy định nội dung chính ghi trên văn bằng và phụ lục văn bằng giáo dục đại học. Theo đó, từ 1/3/2020 không ghi thông tin về hình thức đào tạo như chính quy hay tại chức hay vừa làm vừa học… trong nội dung chính của văn bằng như quy định cũ. Trên văn bằng sẽ chỉ còn tiêu đề, tên văn bằng theo từng trình độ đào tạo, ngành đào tạo, tên cơ sở giáo dục đại học cấp văn bằng, họ, chữ đệm, tên, ngày tháng năm sinh của người được cấp văn bằng, hạng tốt nghiệp (nếu có), số hiệu, số vào sổ gốc cấp văn bằng.
Theo Nghị định 14/2020/NĐ-CP của Chính phủ, từ 15/3/2020, để được hưởng trợ cấp, giáo viên phải đáp ứng đủ các điều kiện: Trực tiếp giảng dạy, giáo dục, hướng dẫn thực hành và tham gia đóng bảo hiểm xã hội từ 5 năm trở lên; Nghỉ hưu trong khoảng thời gian từ 1/1/1994-31/5/2011; Đang hưởng lương hưu tại thời điểm ngày 1/1/2012. Trường hợp bị tạm dừng hưởng lương hưu thì được hưởng trợ cấp sau khi được hưởng lại lương hưu.
Mức trợ cấp được quy thành tiền và tính theo công thức: Số tiền trợ cấp = (Mức lương hưu tháng x 10%) x Số năm được tính trợ cấp
Còn theo Nghị định 16/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết các điều kiện nhập quốc tịch Việt Nam gồm: Phải biết tiếng Việt đủ để hòa nhập vào cộng đồng Việt Nam: Có khả năng nghe, nói, đọc, viết bằng tiếng Việt phù hợp với môi trường sống và làm việc của người xin nhập quốc tịch Việt Nam; Phải đang thường trú tại Việt Nam và đã được cơ quan công an có thẩm quyền của Việt Nam cấp Thẻ thường trú; Có khả năng bảo đảm cuộc sống tại Việt Nam.... Nghị định này có hiệu lực từ 20/3/2020.
Thông tư 01/2020/TT-BYT của Bộ Y tế sửa đổi, bổ sung danh mục và tỷ lệ, điều kiện thanh toán thuốc thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia bảo hiểm y tế. Theo Thông tư này, từ 1/3/2020, điều kiện và tỷ lệ thanh toán của một số loại thuốc được thay đổi như thuốc Liraglutide, tinh bột este hóa, thuốc Imatinib…
Theo An ninh Thủ Đô